Quanh quanh mình se se lạnh, và ướt ướt hơi sương mưa sáng sớm. Một cánh chim trắng mỏng liệng xa xa phía lưng núi xanh. Dòng suối dâng ngầu nước nâu cuộn mở như con sông trôi nhanh. Mây trắng từng luồng cũng lan đi trên không trung như nước. Khẽ quấn quanh mỏm núi đặc quánh rồi loãng dần như tấm màn mỏng tung lên theo gió. Xa hơn, cả một vùng trời vần vụ trắng, chồng lấp, xô đẩy, tan hòa, cộng hưởng vào nhau những chuyển động trắng. Đội lên cả vòm không các sắc trắng mịn, trắng sữa, trắng bàng bạc, trắng sáng lấp lóa, trắng mỏng tan đang liên hồi biến ảo đó, là những núi xanh im lìm. Những dòng mây lùa từ các khe núi ra, làm cho núi khi mờ nhòa, lúc hiển hiện.
Sự linh động của mây gió làm cho cảnh quan trước mặt luôn luôn thay đổi. Khiến cho ta có thể ngắm nhìn rất lâu. Và không thể không rơi trở lại trạng thái tưởng tượng quen thuộc mỗi khi nhìn ngắm bầu trời. Một hành động như đã “mặc định” trong con người từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Không thể lại không thấy cả bầy thú lớn đang vùng vẫy giữa không trung như trên một bình nguyên dữ dội. Và khi ta kịp nhận ra được một con hổ vừa có cánh vừa có sừng vừa há miệng, một nửa thân ngựa trắng muốt vừa vươn lên với những dải bờm miên man, dải bờm ấy kéo dài mãi lại như phần đuôi của một con phượng hoàng mà cái mào của phượng hoàng lượn một vệt cong sáng chói.
Và rồi thoắt những hình thù dịch chuyển ấy, cùng với những gì nữa mà ta vừa chợt thấy là cáo, là gấu, là một con cú mèo hay lô nhô một bầy chim cánh cụt, bỗng tất cả hòa vào trở nên những đầu rồng lớn đua nhau vượt lên. Mà vốn, mây, khi cho ta hình dung về rồng thì thật là thỏa nguyện với rất nhiều hình dáng của những răng, những bờm, những hung hăng, dữ dằn, những uy nghi, ẩn hiện. Rồi thế nào, mà nhìn rộng cả muôn vàn hoang thú đang chen nhau vươn lên ở trảng cát, ở bãi bờ hay chân núi ấy, ta lại thấy chỉ có một con rùa thật vĩ đại đến gần hết cả bầu trời, đang chầm chậm di chuyển. Mải nhìn theo con rùa lớn cứ bò đi, trôi đi mãi, nắng đã vàng sáng và hình dáng rùa loãng ra từ khi nào.
Cảnh quan thay đổi nhiều lần trong ngày theo ánh sáng, chuyển động của mây trời và khi mây trời tượng hình những con thú lớn. (Ảnh: Quang Hưng)
Chính những hình dung, suy tưởng và nghĩ ngợi lan man, xa xôi, như là gió mây lan đi ấy, khiến cho mọi thứ hiện diện trước mắt thêm huyền hoặc. Và những hiểu biết cụ thể về các thể khí, hơi nước, vật chất đất đá, thảm thực vật cùng những tác động qua lại giữa chúng, cũng không làm cho cảnh sắc này trở nên… phàm tục. Mà chính là những trạng thái vật chất ấy, những hiện diện chẳng có chút gì là có hồn có vía ấy, ở trong vẻ kỳ vĩ, tươi tắn tuyệt vời, lại làm cho ta rung động. Và ta tin rằng nơi đó có tâm hồn, có những điều thiêng liêng lấp lánh.
Quả là như vậy đấy, không lợi dụng những nghĩ suy bay lượn để mà đánh tráo khái niệm, nhưng tôi thấy những gì gợi cho ta bao nhiêu xúc cảm, bao nhiêu mường tượng, bao nhiêu cảm kích được chiêm ngưỡng và làm phóng khoáng tâm hồn mình lên từ đó, thì chính đó là những sức sống, là hiển hiện của sự sống, là cả một tâm hồn. Và lúc này, ngồi nhìn mây trắng trôi nhanh qua những núi xanh đen im lặng. Lúc này, thấy những tươi non và bề thế ngờm ngợp trước mắt, đang ùa cả lại phía mình.
Dưới kia, con đường trở nên mảnh mai uốn mềm quanh chân núi và những ngôi nhà là hai dải màu đôi bên tạo nên thị trấn Tú Lệ. Cái tên mỹ miều bật lên mến thương, nhưng cũng như những địa danh miền cao khác, đã từng là biểu trưng xa xôi và gian truân cho những tháng năm cách trở một thời.
Có người tác giả sẻ chia với chúng tôi đôi dòng hoài niệm về những chuyến xe đi mãi đi mãi từ miền Hưng Yên những năm 60, 70 để đưa người khai phá lên Tây Bắc. Những chuyến xe chật chội, chậm chạp, đi theo mãi những đường xa hiểm trở qua các suối khe, phải mất mấy ngày mới lên được đến nơi trong trạng thái uể oải, nôn nao trên từng bước đi. Và nhất là cái cảm giác xa lăng lắc, cách biệt với miền đồng bằng không chỉ ở khoảng cách, ở sự hiểm trở, mà đã dấy lên trong cả lòng người.
Xa quá rồi, đi lại nhọc nhằn quá, suốt nhiều năm sau này vẫn cứ là như vậy, để đến nỗi, người ta có nghĩ đến chuyện trở về quê hương, hay thăm lại bản quán, cũng đã thấy ngại ngùng. Thật là như thế, mấy chục năm trước, đường lên các huyện Hòa Bình, một phần của tỉnh Hà Sơn Bình trước kia, đã gian nan, khúc khuỷu, nữa là lên đến những nông trường Mộc Châu - Sơn La xa xôi, những con đường đi Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… heo hút.
Tôi đã có những dịp gặp các cán bộ công tác ở một số tỉnh vùng cao vốn là người đồng bằng hay gốc gác dưới xuôi lên. Có người trung tuổi, sinh ra trên này, thì hồi trước bố, mẹ từng là công nhân hay cán bộ, tuổi thanh xuân theo tiếng gọi động viên, hăng hái lên đường. Có người trẻ hơn, ở với đất này tính đã là đời thứ ba. Nhiều người rời làng quê lên đây từ lúc tóc xanh, đằng đẵng tháng năm đã từ lâu quyết chọn chốn này ở lại. Không hiểu có phải tự mình động lòng khi nghe những câu chuyện lên đường để rời xa, và chắc là sẽ xa rời mãi mãi nơi sinh ra, lớn lên của những con người ấy không, mà tưởng như nhắc đến quê gốc, cảm thấy trong câu nói tuổi tác có chút trầm hơn.
Mới hôm trước ở thị trấn Mù Cang Chải, tôi gặp anh cán bộ phòng giáo dục, gốc Hưng Hà - Thái Bình, bố mẹ đều là người quê lúa lên, hiện đang sống ở TP. Yên Bái. Bốn người con, hai người sống tại Hà Nội, hai thì đang ở Mù Cang Chải này, tạm gọi là phân chia khoảng cách cho đều. Còn bà nội, bà ngoại của họ, thì trước kia đều đi bước nữa, cùng theo lên Phú Thọ định cư, đã thêm nhiều cành nhánh mà tính ra số con, cháu, chắt đã đến hơn 100. Nghĩ một đại gia đình như thế nếu phân bố quanh quanh trong một huyện ngoại thành Hà Nội, hằng năm hoặc hơn một chút vẫn có thể tụ họp khá đông đủ vào dịp giỗ chạp, lễ Tết. Nhưng với những người ba, bốn nơi chốn ấy, để gặp được mặt họ hàng trên dưới, xa gần ở nơi bản quán, rồi “quê 1”, “quê 2”, chắc cũng phải nhiều năm ròng.
Tất nhiên, rồi cuộc sống lại cứ thế kéo con người ta trôi miết theo dòng lam lũ. Để mà đủ đầy được tiếng cười vui anh em, họ hàng thân sơ hay có lúc sẻ san những giọt nước mắt, những tháng ngày túng bấn hay bỗng nhiên biến cố trong đời, cũng khó lòng mà chu tất cho được. Xưa cụ Phan Kế Bính viết trong “Việt Nam phong tục”, ví von những kẻ dám lặn lội lập nghiệp đường xa, làm nên công danh sự nghiệp; còn có những ai ai cứ loanh quanh luẩn quẩn trong làng trong xóm, không tách ra khỏi bàn tay thầy bu được, thì rồi chẳng nên trò chống gì với đời. Ngẫm âu cũng là cái lẽ sống nó thúc đẩy con người ta phải ra đi, bôn ba. Tất nhiên còn có cả những ai mang chí lớn, nuôi hoài bão trong lòng, muốn sải bước đường trường cho mở mang đầu óc nữa. Nhưng về sự thương mến, nâng niu, gần gặn mà chăm nom gia đình, gia cảnh, rõ là cũng phải có những sự đánh đổi. Thế nên dân gian nói cái câu mà nghe lên đã thấy những là mừng rỡ, là phấn khởi, yên hàn lắm: “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho/ Hoài con mà gả chồng xa/ Trước là mất giỗ, sau là mất con”.
Vậy mới càng thấy, những bước chân ra đi, bứt khỏi cái nếp nghĩ cố hữu đã ăn sâu trong đời sống người dân thôn làng bao trăm năm sau lũy tre, cây rơm, con trâu, vai cày…, phải là những quyết tâm ghê gớm lắm! Chẳng phải về tận hồi đầu thế kỷ XX, mà cách nay ba, bốn, năm chục năm, thì những đường xa đèo heo hút gió đã khiến con người ta ngại ngần. Mà nhắc đến các địa danh vùng cao, nghe như cứ ở đâu đâu không bao giờ đến được trên đời.
Thế mà bây giờ, vèo một cái từ Hà Nội, ăn xong bát phở thong thả, chúng tôi lên đến thị xã Nghĩa Lộ, ăn trưa lúc chỉ đúng giữa trưa, trước đó còn vào phòng làm việc anh cán bộ điện lực thị xã uống chén trà Suối Giàng ngát ngát, đắng dịu mà vị ngọt nhè nhẹ còn lưu lại một lúc. Nao nao nghĩ những chặng dài cách trở mà mình bây giờ không phải chịu, còn bao thế hệ người những thập kỷ qua thì đã nếm trải cả rồi, mãi rồi. Cũng ở Nghĩa Lộ, tôi gặp một quán café vườn có sân trời rộng sáng mà bước lên tầng hai vẫn ngồi trong rợp bóng cây xanh, đồ đạc, tiện nghi “sang chảnh” chả kém gì nhiều quán xá trung tâm Thủ đô, chợt nghĩ, chỉ chừng hơn chục năm trước thôi, quán xá nhà hàng bóng bẩy, cầu kỳ nơi những đô thị vùng cao đâu đã có mấy. Thế mà giờ, nhiều khi “lạc” vào những phố núi rực rỡ, không nghĩ tấm áo choàng nạm bạc vàng phồn thịnh của đời sống mới đã phủ xuống nẻo tuyệt mù ấy từ lúc nào!
Thì cũng bao năm rồi, bao lớp người khai phá, gây dựng, chắp nhặt từng chút một để mà tồn tại trên những bình nguyên hoang vu lọt khuất giữa các dãy răng cưa khổng lồ tít tắp này mới có được những khung cảnh sung túc mới như thế. Cũng ở quán café ấy, gia đình người chủ còn đặt vài tập truyện cũ trên giá, nâu nhám, khô sờn những trang giấy cũ loang ố bên cạnh những cuốn sách mới sắc màu. Sách cũ in tận giữa những năm 70, vẫn còn hơi mờ đỏ con dấu chữ nhật in “Thư viện Nghĩa Lộ”. Chợt bồi hồi mường tượng thư viện cũ lợp ngói đã phai màu, thưa thớt người chiều vắng thị xã đôi ba con phố nhỏ lặng lẽ tận những gần nửa thế kỷ trước. Ai đó đến quầy thủ thư mượn cuốn sách đọc chậm rãi. Ai đó chầm chậm vòng quay xe đạp rời cơ quan, trên đường oi ả nghĩ ngợi điều gì…
Cao hơn, xa hơn Nghĩa Lộ, chúng tôi qua Tú Lệ đã tấp nập chợ chiều, đèn điện bắc ra sáng bừng sân nhà kia còn để soi rõ người chặt thịt bò từng túi bán cho những người vội chạy xe máy qua lấy. Quanh quanh đó những cửa hàng bí, bầu, gạo, măng, mắc coọc, thịt lợn xâu nướng, đồ uống bia rượu ê hề, nhịp nhàng sáng lên những nhà hàng, điểm vui chơi tối, lấp lánh khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ôm trọn cả phần trên cao quả núi ven đường.
Cao, xa hơn nữa, Mù Cang Chải, nơi mà đến bây giờ người ta vẫn cứ hay nhắc tên với cái ý liên tưởng là biểu trưng cho điều gì đó thật xa, thật nghèo, thật lạc hậu lắm lắm, thì cũng đã phẳng phiu, là lượt những đường nhựa, những nhà hàng, những khu du lịch homestay, trải nghiệm đời sống sinh hoạt của đồng bào. Những nơi ấy khiến tôi nhớ lại đôi đường phố rộng dựng lên cổng chào bề thế chúng tôi từng qua để dẫn vào nào là Lào Cai, Lai Châu, nào Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… đang thay da đổi thịt.
Nghĩ mừng mừng, phơi phới như thế, ấy vậy mà vẫn nhớ đến vẻ tiếc rẻ của anh bạn đi cùng, đã vác máy quay lặn lội những cung đường vùng cao hàng đôi ba chục năm qua. Rằng, trước kia con đường dẫn đến đầu thị xã Nghĩa Lộ có hai hàng ban đẹp lắm. Giờ đã thật lác đác, nép đâu đó bên những dãy nhà sơn bả trắng muốt điểm trang trí hoa văn nhũ vàng theo lối biệt thự, mọc lên trên hai bên vỉa hè lát đá gạch kiên cố. Và cả một đoạn đường trước đó, đi qua cánh đồng Mường Lò nổi tiếng từ trong lịch sử miền đất mỹ lệ này, anh bạn cũng bâng khuâng đã không còn thấy kỳ vĩ, thấy mướt mát, thấy xanh sắc và vẹn nguyên dáng hình cảnh quan lộng lẫy như xưa.
Lại hơi ngẩn ngơ một chút mà nhớ đến mấy lời nhận xét của ông Chủ tịch hội kiến trúc sư chừng chục năm trước, bây giờ đi lên các đô thị vùng cao, sao thấy có những khu vực bề thế, rộng lớn, hoành tráng thế; sao thấy… những đô thị cứ hao hao nhau… Bản sắc mỗi đô thị vùng cao mà chúng ta cần nhận ra, giữ gìn, bồi đắp, nay ở đâu rồi!
Tôi kịp trở lại với khoảng lặng ngồi nhìn mây của mình, để mà trông những biến ảo, nghĩ về bao diệu kỳ của thiên nhiên lộng lẫy, của đời sống lớn lao, của thơ ấu đời mình, phóng túng đời người. Cũng thật lắm, khi ở trên cao đối diện vùng trời ấy, nghĩ bùi ngùi mà cảm kích những thế hệ vững chân nơi miền sông xa, đá lớn. Nhưng cũng cấn cáy mà len lỏi chút gì không nguôi được, về những khung cảnh mang tâm hồn thiêng liêng đang xoay trong cuộc thay hình đổi dạng./.