Rồi tất cả niềm hỗn mang trong tôi bỗng được xoa dịu bằng một hình ảnh thật dịu dàng: Người đàn bà đẹp - dầu qua bao thăng trầm của thời gian - trong dáng ngồi đầy an nhiên để chọn vải, cắt vải, ghép vải thành những bức tranh tuyệt diệu về Hà Nội. Mà điều đặc biệt đó là sự hòa quyện giữa xưa và nay, mới và cũ, ký ức và hiện tại… trong tranh của chị đầy uyển chuyển, dịu dàng mà sâu lắng đến ám ảnh.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích đưa tôi đến một căn hộ mới, sang trọng. Nhưng suốt chặng đường lại ôn về kỷ niệm những năm tháng trước kia. Khi họa sĩ Trần Thanh Thục còn sống trong căn nhà cũ chật chội, nóng nực, chiều ngang chỉ 3m, mỗi lần cúi xuống bức tranh, mồ hôi ướt đẫm. Nói con đường chị đang bước đi đầy sự cô đơn vì đó là con đường độc đạo cũng chẳng sai. Là bởi ở Việt Nam, trước đây và bây giờ, không có ai sáng tạo tranh từ việc cắt, ghép vải.
Để có vải làm tranh, chị Thục từng lang thang kiếm tìm, cặm cụi nhặt nhạnh không biết bao nhiêu mảnh vải từ cửa hàng may đo, áo dài, chợ vải các tỉnh, cửa hàng lưu niệm… với những loại vải cao cấp, đắt tiền, chị thậm chí phải bán cả tranh vẽ để có kinh phí mà trang trải, rồi thì nâng lên đặt xuống từng mảnh vải nhỏ khi chuyển nhà... Ấy là câu chuyện tôi được nghe từ nhiếp ảnh gia Lê Bích và mọi người chia sẻ, còn khi gặp nữ họa sĩ, chị luôn mang tới nụ cười, sự thanh thản, lạc quan. Tất nhiên, những điều ấy vẫn không giấu nổi tâm tư qua một đôi mắt ướt.
Đã 40 năm người đàn bà đẹp của hội họa ấy bền bỉ, đa mang với con đường chính mình lựa chọn. Vải thì mềm mại, mong manh, mướt mát. Tranh cắt vải thì lôi cuốn, thẳm sâu, gợi mở đến vô cùng. Nhưng con đường độc đạo lại đầy chông gai, trắc trở. Vừa mưu sinh, lo toan cho cuộc sống, vừa “chăm chút” kho vải khổng lồ được gom góp suốt 40 năm, Trần Thanh Thục thực sự coi “mối duyên” với vải như tri âm, tri kỷ. Chị âu yếm gọi vải vóc là “các em”, “các bạn” chứ chẳng phải chuyện đùa!
Nhiếp ảnh gia Lê Bích đưa chúng tôi qua chiêm ngưỡng gia tài tranh và môi trường sáng tác của chị với nguyên cớ là trong tháng 11 này, họa sĩ Trần Thanh Thục sẽ tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ hai mang tên “Tôi, Hà Nội và sắc vải”. Để có 30 bức tranh cho triển lãm lần này, họa sĩ đã phải sáng tạo số lượng tranh ít nhất gấp đôi để chọn lựa kỹ càng, nghiêm cẩn.
Khi tôi hỏi về con số 30, tại sao nhất định phải là 30, đôi mắt ướt lại càng thêm ướt. Câu hỏi vô tình khiến chị nhớ lại chặng đường 30 năm đã qua với biết bao thăng trầm, biến động. Đó là 30 năm chị phải tự xốc mình lên sau khi người bạn đời đã rời bỏ thế gian này, để lại chị và đứa con gái bé bỏng. Một mình mưu sinh, chăm sóc con, rồi khi ngọn lửa đam mê với vải được thắp lên, một tay chị vin vào hội họa, một tay vin vào bờ vai bé nhỏ của con mà dấn bước.
Quên sao được những đêm khuya vắng lặng, sau một ngày dài mỏi mệt công việc bộn bề, con gái lại thức cùng mẹ, cặm cụi chọn lựa vải, cắt ghép, chồng xếp… Có những đêm chị gần như thức trắng, gần sáng vừa chợp mắt ngủ quên thì chuông báo thức reo vang. Lại một ngày mới, lại đến giờ quay cuồng, chật vật trên đường phố, nơi công sở. Chị không kể lể, than vãn một lời. Chỉ là ánh mắt và ký ức đã hiện hữu, tuôn trào, sau đó là những lát cắt của miền suy tưởng.
Bằng một tâm hồn đẹp, nữ họa sĩ Trần Thanh Thục đã ôm trọn vào lòng Hà Nội xưa và nay để tình yêu ấy dậy hương, lên men và thẩm thấu vào tác phẩm. (Ảnh: Lê Bích)
Sống ở Hà Nội, mỗi người sẽ yêu mảnh đất này theo một cách riêng. Trần Thanh Thục vốn sinh ra, lớn lên ở Nam Định nhưng tuổi trẻ với bao hoài bão, hạnh phúc và cả đắng cay thì lại hòa nhịp với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đó là lý do tranh của chị luôn là sự hòa quyện, xoắn bện giữa xưa và nay, mới và cũ, ký ức và tương lai… trong cách nhìn đôn hậu, dịu dàng, bao dung, tin tưởng.
Ngắm tranh của chị, sẽ gặp lại một Hà Nội oằn mình trong làn mưa bom bão đạn với hầm trú ẩn, cột điện gẫy đổ, nhịp cầu Long Biên rơi xuống sông Hồng… rồi ta cũng lại được chạm vào một Hà Nội hôm nay với đầy đủ sự đông vui, hội tụ, no ấm, thanh bình. Ta có thể bâng khuâng với một góc phố rêu phong, một cửa chùa tỏa ra ánh sáng vàng vàng, âm ấm với bóng dáng một người tu hành lặng lẽ khoan thai. Ta cũng có thể sẽ thấy tâm hồn phơi phới, tươi mới trước những bức tranh về bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa hồ Tây, các điểm check-in mới của Thủ đô mà giới trẻ và người nước ngoài ưa tìm đến…
Bằng một tâm hồn đẹp, Trần Thanh Thục đã ôm trọn vào lòng Hà Nội xưa và nay để tình yêu ấy dậy hương, lên men và thẩm thấu vào tác phẩm. Như cách chị đã nói, từng vạt nắng chiếu xiên, hàng rào hoa dại, vầng mây buổi sáng tinh khôi, bức tường loang lổ… những chi tiết nhỏ, rất nhỏ của Hà Nội cũng khiến chị tha thiết được yêu, được sống trọn vẹn trước khi sáng tạo nên tác phẩm.
Thật khó để tưởng tượng, từ việc sáng tạo, cắt ghép, chồng xếp từ hàng nghìn mảnh vải với chất liệu, màu sắc khác nhau lại trở thành những tác phẩm hội họa đầy lôi cuốn. Không chỉ ở Việt Nam, mà công chúng nước ngoài cũng đã tìm tới họa sĩ với nhiều mục đích. Có người muốn sở hữu tranh. Có người muốn học nghề. Có người muốn nghe chị kể câu chuyện sáng tạo của mình. Dù là ai và lý do, mục đích gì thì Trần Thanh Thục cũng đón tiếp, sẻ chia bằng tấm lòng nhiệt thành, ấm áp và tin cậy. Dường như, đó là lẽ sống của chị, là tuyên ngôn của chị trong nghề và trong đời.
Với tranh, dù là bức trường cảnh hoành tráng hay một góc nhỏ riêng tư, giản dị, họa sĩ cũng chăm chút đầy cầu kỳ, kỹ lưỡng như một cách níu giữ, lan tỏa tình cảm của mình. Một chiếc lá bàng, một tà áo dài thôi có khi vẫn lấy đi của chị thời gian cả ngày cả buổi. Lúc không ưng màu sắc, kích cỡ. Khi ưng hết rồi vào keo thì keo lại làm hỏng màu. Cứ thế, chị như con ong chăm chỉ điểm tô cho khu vườn đầy màu sắc rực rỡ, tươi trong, bình yên, diệu vợi…
Bức tranh họa sĩ Trần Thanh Thục ưng ý nhất được hình thành ý tưởng từ năm 2017, sau những ngày lang thang bách bộ quanh phố phường, nghe những bài hát đầy tha thiết về Hà Nội. Nhưng chị cứ ôm ấp, nâng niu bầu cảm xúc ấy, tới vài năm sau mới quyết định cầm kéo để xây dựng tác phẩm và hoàn thành vào năm 2022 với kích thước 0,8 x 1,1m. Chị luôn nhẫn nại, kiên trì tìm kiếm những góc nhìn riêng.
Chẳng hạn, với Tháp Rùa, chị chọn góc nhìn từ phía sau Tháp Hòa Phong để bên trên sẽ tạo nên vòm cong đầy gợi cảm. Tiền cảnh cho tranh không phải nhành liễu rủ, phượng vĩ, mà là hoa ban mong manh trước gió. Đó là hình ảnh xưa kia Hà Nội chưa có, nhưng giờ đây loài hoa của núi rừng Tây Bắc đã hội tụ về đất kinh kỳ, nhiều khoảng cách đã được kéo gần và đó trở thành đề tài, cảm hứng cho nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.
Một điếm nhấn khác trong tranh của chị, đó là ánh sáng. Với tranh vẽ, tả ánh sáng đã khó, tranh vải sẽ càng gian nan. Diễn tả một buổi sáng với bầu trời bảng lảng, nên thơ, mơ màng là một thách thức. Buổi chiều muộn chuyển sang tối với những luồng sáng ấm dần, sâu dần đến ám ảnh cũng không kém phần hóc búa. Kinh nghiệm của chị thì chỉ có lao động mới mang đến. Ngoài tìm tòi chất liệu, màu sắc, chị còn cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng kỹ thuật chồng xếp. Bởi lẽ đó, bầu trời trong tranh của chị thường có ba, bốn lớp vải. Lớp trước, lớp sau sẽ hòa quyện, tôn nhau lên để diễn tả trọn vẹn độ sâu, độ xa và dụng ý.
30 năm lặng lẽ bước đi, trụ vững trước mọi vui buồn, dấu ấn về tình yêu Hà Nội là món quà họa sĩ tặng cho bản thân, gia đình và cuộc sống với lòng biết ơn sâu nặng, với dấu mốc ghi nhận một bước chuyển trong nghề nghiệp, khi đam mê vẫn dồn nén, bung tỏa thành ngọn lửa nồng nàn, ấm áp.
Một gánh hàng bán hoa đĩa, hoa gói hay dáng dấp một bậc tu hành trước ô cửa chùa thiêng liêng uy nghiêm mà gần gụi… người xem có thể thoáng qua, nhưng họa sĩ đã gửi trọn rất nhiều tâm sức. Tôi cảm nhận được tình yêu sâu nặng của chị trong từng chi tiết nhỏ. Một bức tường lớp lang nhiều màu sắc, trầm tích… để tạo tác hẳn cần đến nhiều lớp vải chồng xếp, những tưởng tượng và sáng tạo không ngưng nghỉ. Chỉ có một tâm hồn đẹp, một nghị lực bền bỉ, một tấm lòng tươi trong hồn nhiên mới có thể níu giữ tất cả nét sang trọng, kiêu sa, cổ kính của Hà Nội hòa trong âm hưởng đổi thay, chuyển mình, hội nhập hôm nay. Tất cả khiến người ta rưng rưng, bâng khuâng và tìm được chút niềm an ủi.
Cho tới bây giờ, người đàn bà đẹp ấy vẫn không thể cắt nghĩa một cách rõ ràng rằng vì sao mình lại chọn một con đường khó thế. Nhưng tình yêu Hà Nội, tinh thần thiết tha với cuộc sống này lại là điều chắc chắn. Nó đủ sức thổi bùng ngọn lửa đam mê, dẫn dụ người nghệ sĩ bước đi, dồn hết mọi tài năng, tâm sức để theo đuổi. Qua câu chuyện rủ rỉ tâm tình, tôi gặp chị trong chân dung thuở mười tám đôi mươi, cô sinh viên tỉnh lẻ trong veo ngày nghỉ xách bảng vẽ lang thang phố cổ, vỉa hè. Vẽ như chưa bao giờ được vẽ. Vẽ như không vẽ nhanh ngôi nhà nọ, góc phố kia sẽ biến mất. Và lại đối diện với chị, khi đã qua thời thanh xuân, vết chân chim khóe mắt, nụ cười đằm lắng yêu thương vẫn đủ níu lòng, níu dạ. Chợt ngẫm, những nghệ sĩ thật may mắn vì có Hà Nội gợi thương, gợi nhớ. Nhưng một phần tinh hoa, hồn cốt của mảnh đất kinh kỳ này cũng được tạo nên từ trầm tích của tình yêu đầy tha thiết, bao dung mà những người lặng lẽ như Trần Thanh Thục đã âm thầm vun đắp./.