Aa

Chính phủ chủ động nhận diện khó khăn để đồng hành, trợ giúp doanh nghiệp

Thứ Sáu, 26/05/2023 - 11:11

Năm 2023 là năm thứ hai sau khi chúng ta bước sang trạng thái "bình thường mới", mở cửa trở lại nền kinh tế và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp cho doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định không chờ đến giai đoạn này, mà từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã dự báo những khó khăn của nền kinh tế. Mặc dù thực tế diễn ra khốc liệt hơn nhưng việc chủ động từ ban đầu giúp đưa ra những chính sách tương đối phù hợp.

Chính phủ phản ứng chính sách tương đối linh hoạt

Từ cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023 và hiện nay, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với những khó khăn lớn bởi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và điều chỉnh. Khó khăn dẫn đến một số động lực tăng trưởng của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, như: Xuất khẩu giảm tốc do tác động từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ; đầu tư FDI thận trọng hơn với chiều hướng chững lại; hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước gặp nhiều thách thức. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đã chủ động chỉ rõ những nguy cơ, thách thức. Năm 2023 là năm thứ hai sau khi chúng ta bước sang trạng thái "bình thường mới", mở cửa trở lại nền kinh tế. Chính phủ ban hành nhiều chính sách trợ giúp cho doanh nghiệp, chẳng hạn như Nghị định về giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp.

Chính phủ cũng đang trình Quốc hội về tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế GTGT 2% với hầu hết các mặt hàng. Điều này thể hiện sự chủ động, đồng hành của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI. 

"Tôi nhận thấy, đối với một số lĩnh vực đặc biệt có nhiều "điểm nghẽn", như bất động sản, trái phiếu, du lịch…, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp,  để thảo luận, tìm ra những giải pháp gỡ khó", ông Tuấn cho biết.

Cũng theo Phó Tổng Thư ký VCCI, mặc dù có những chính sách mới được ban hành (chỉ khoảng hơn 1 năm) nhưng vì thực tế biến động nhanh và khó lường, chính sách không còn phù hợp với bối cảnh mới. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có những chỉnh sửa rất kịp thời. 

Đơn cử như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế dù mới ban hành vào cuối tháng 12/2020 nhưng đối mặt với thách thức mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại nghị định này.

Hay như về kinh doanh xăng dầu, hiện Chính phủ đang thảo luận, xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về quản lý kinh doanh xăng dầu theo trình tự rút gọn, theo hướng đưa mặt hàng xăng dầu từng bước vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước.

Đánh giá mức độ phản ứng chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là tương đối kịp thời, tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế của VCCI lưu ý tình hình chung trên thế giới được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn, vì vậy quá trình từ phản ứng chính sách đến thực thi để chính sách đã ban hành đạt hiệu quả như kỳ vọng cần được đặc biệt quan tâm.  

Người đứng đầu Chính phủ luôn quan tâm và đề ra rất nhiều nhóm chính sách quan trọng, đồng thời luôn thúc giục bộ, ngành, địa phương quan tâm, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng theo thông tin mà VCCI nhận được từ phía doanh nghiệp, thực tế là một số dự án và hoạt động tại địa phương chưa nhanh như dự kiến, từ việc phê duyệt, thẩm định, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư...

"Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, chất lượng thực thi trong các hoạt động hỗ trợ cần được đẩy mạnh hơn, tiến hành rộng khắp hơn với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động, tích cực. Hiện nay, đâu đó vẫn có sự ngập ngừng, chờ đợi. Hy vọng với tinh thần mới được lan tỏa từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, vấn đề này sẽ được đẩy nhanh và cải thiện rõ", ông Tuấn chia sẻ.

Doanh nghiệp mong mỏi nhất điều gì?

Hằng năm, VCCI có khảo sát về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, cuối năm 2022, doanh nghiệp tư nhân được khảo sát cho biết khó khăn hàng đầu là tiếp cận vốn. Ông Tuấn cho biết, năm 2022, tỉ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ ngân hàng thương mại ở mức 17%, trong khi đó tỉ lệ các năm trước dao động từ 45-60%. 

Lý giải vấn đề này, Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định, nguyên nhân thứ nhất là do lãi suất cho vay dù giảm nhưng vẫn có mức trên 10%. Vì vậy, kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn như nhiều giai đoạn trước là rất cần thiết.

Thứ hai, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn nhiều vấn đề. Kế hoạch kinh doanh không thực sự lạc quan do hàng hóa, dịch vụ không như mong muốn và như kế hoạch đề ra. Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kế hoạch giảm thuế mà Chính phủ đề ra là giải pháp kích cầu quan trọng. 

Thêm vào đó, đẩy mạnh đầu tư công giúp tạo thêm nguồn lực, công ăn việc làm cho doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng, bất động sản. Bởi lẽ đó, giải pháp Chính phủ đề xuất đẩy mạnh, quyết liệt và nỗ lực thực hiện giải ngân đầu tư công là rất đúng. Từ đó, giúp giải phóng nguồn tiền, tránh như nhiều năm trước, tỷ lệ giải ngân thấp. 

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cũng cần có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa về đổi mới chính sách visa, liên kết đối tác cho ngành du lịch, để thu hút lượng khách quốc tế, tiệm cận dần với giai đoạn trước dịch Covid-19. Tháng 4 vừa qua, nước ta đón hơn 900 nghìn khách du lịch nước ngoài nhưng con số này vẫn khiêm tốn so với gần 2 triệu khách/tháng của thời kỳ trước dịch. 

"Nếu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì tôi tin khó khăn có thể là tạm thời trong ngắn hạn. Đây cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư trao đổi với chúng tôi. Với việc thực thi chính sách mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ, hy vọng chúng ta có thể nhìn thấy khởi sắc vào cuối năm nay và đầu năm sau", Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top