Sắp tới đây rất có thể một loạt chính sách mới mang tính “mở cửa” sẽ được Việt Nam áp dụng liên quan đến việc miễn visa cho công dân các nước; đổi mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...
Điều này được kỳ vọng sẽ “hồi sinh” nền kinh tế xanh, là cú hích cho ngành "công nghiệp không khói" nước nhà.
Mở ra cơ hội vàng cho du lịch
Theo kết luận của Thường trực Chính phủ được Văn phòng Chính phủ thông báo, có 3 nội dung quan trọng được đánh giá “cởi mở” nhất từ trước tới nay sẽ được các bộ báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng Năm).
Ba nội dung được đề xuất bao gồm: Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Như vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và vô tư ghé thăm các nước khác rồi quay lại mà không cần xin lại visa. Để triển khai, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Nếu đề xuất sớm thông qua sẽ là cú hích cho ngành du lịch nước nhà. Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch đánh giá: “Cạnh tranh để phát triển du lịch của các nước trong khu vực rất khắc nghiệt. Do vậy, việc Chính phủ mạnh dạn đề xuất với Quốc hội nâng thời gian lưu trú và tăng thêm các nước miễn thị thực, nhất là thị thực điện tử là cơ hội cho chúng ta cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực, để du khách quốc tế sẵn sàng đến với chúng ta hoặc đến với nước khác rồi chọn ghé Việt Nam trên hành trình. Đây cũng là mong muốn của các nhà kinh doanh du lịch mà tôi nghĩ rằng điều này sẽ là cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển”.
Con đường bền vững hút khách ngoại
Lãnh đạo Tổng Cục Du lịch nhận định chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Do đó, nếu được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách khi đến Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn lâu dài về sau.
Để chuẩn bị cho những thay đổi cởi mở hơn của toàn ngành, du lịch cần truyền thông quảng bá mạnh mẽ hơn ra thế giới, đặc biệt các sản phẩm du lịch cần phải làm mới và thực sự hấp dẫn để giúp khách du lịch thiết kế được những tour trải nghiệm Việt Nam dài ngày.
“Vietjet sẵn sàng đưa hình ảnh của du lịch Việt Nam, đưa hình ảnh của địa phương có thế mạnh về du lịch theo những chuyến bay đến các sân bay quốc tế để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đã mua bản quyền bài hát rất hay là ‘Hello Việt Nam’ và sẵn sàng chia sẻ với ngành du lịch để chúng ta cùng đưa thông điệp tốt nhất của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới,” Giám đốc điều hành Vietjet Đinh Việt Phương chia sẻ.
Mở rộng cửa đón khách đến, rồi du lịch sẽ làm gì để “móc hầu bao,” tăng mức chi tiêu của khách quốc tế ở Việt Nam cũng là câu hỏi được đặt ra.
Về vấn đề này, ông Thủy cho rằng chúng ta cần phải làm mới các sản phẩm du lịch theo nhu cầu của khách chứ không phải làm mới các sản phẩm du lịch hiện có.
"Khác biệt của chúng ta chính là ẩm thực văn hóa, khám phá các di sản văn hóa… Chúng ta hãy từng bước để đưa du lịch thành ngành công nghiệp và nâng cấp dịch vụ văn hóa thông qua con đường du lịch. Đó là con đường bền vững để giúp tăng chi tiêu cho khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm quà tặng cũng là một yếu tố mà các địa phương, điểm đến du lịch cần phải nghiên cứu và xây dựng ra sản phẩm,” ông Thủy nhấn mạnh./.