Aa

Chính phủ quyết giải bài toán đất đai khi cổ phần hóa DNNN

Thứ Năm, 20/09/2018 - 14:01

Nói về việc siết chặt đất đai khi cổ phần hóa, theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nên quy hoạch lại, ở khu vực nào thì kinh doanh ngành nghề gì cho hợp lý, để không gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới không gian sống.

Mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Nâng hiệu quả Doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị". Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan tới phát triển Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đó chính là việc siết chặt đất đai khi cổ phần hóa (CPH).

Các chuyên gia tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Các chuyên gia tham dự tọa đàm "Nâng hiệu quả Doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị". Ảnh: VGP

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Chính phủ đã đi trước một bước, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo bằng việc quy định các DNNN trước khi CPH phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng việc khác, còn doanh nghiệp làm ngành nghề gì thì kinh doanh đấy, không nhập nhằng giữa các ngành nghề.

"Đây là giải pháp đổi mới sát với thực tiễn, quy định ở Nghị định số 126 về sắp xếp đất đai và Nghị định số 32 của Chính phủ về thoái vốn. DNNN sắp xếp xong đất đai đi thì hãy CPH, thoái vốn theo đúng lộ trình đặt ra. Trước đây là làm ào ào, có bao nhiêu tài sản thì đưa luôn vào báo cáo để bán, tạo ra lợi thế giả tạo. Doanh nghiệp cơ khí mà lấy đất đai của mình tạo ra giá trị gia tăng là không phải...

Khi CPH Nhà nước đều có mục tiêu nhất định là phục vụ cộng đồng, chứ không phải là để biến tướng đi. Nếu biến tướng (chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật: Đấu giá đất, nộp thuế đầy đủ, đúng giá trị cho Nhà nước", ông Tiến nói.

Nhất trí với quan điểm của Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, chủ trương rà soát đất đai của DNNN trước CPH là giải pháp quan trọng đúng đắn.

"Thời gian trước có trường hợp làm chưa chặt chẽ đã ảnh hưởng thất thoát tài sản Nhà nước. Giờ làm rõ rồi, đất đấy tham gia ra sao trong quá trình CPH vào hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở công khai minh bạch, định giá đúng thị trường như chúng ta mong muốn để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào. Ngoài ra, Nhà nước tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sẵn sàng đổ vốn theo quy định của thị trường và cam kết hội nhập của kinh tế Việt Nam", ông Hùng đề nghị.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khẳng định, đất đai là đại sự. Trước đây đất đai đã bị chia đi chỗ khác mà không thực sự về sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, vì vậy theo ông Lưu Bích Hồ, DNNN quản lý đất đai đó nên phải chuyển về Nhà nước.

"Sắp tới Quốc hội cũng nên xem xét lại quy định chuyển quyền sử dụng đất linh hoạt hơn. Giờ có những khu đất tồn tại quy định mục đích sử dụng mấy chục năm rồi. Thời đại công nghệ 4.0, vòng đời sản phẩm, chu kỳ kinh doanh ngắn lại rất nhiều nên không thể kinh doanh mãi 1 loại sản phẩm được, gây khó cho các doanh nghiệp.

Nên quy hoạch lại, ở khu vực nào thì kinh doanh ngành nghề gì cho hợp lý, để không gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới không gian sống. Chính phủ cũng cần tính tới các loại cổ phần rộng rãi hơn để người dân tham gia đóng góp, chứ không chỉ là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nếu không nền kinh tế của chúng ta khó tự chủ được", ông Hồ đề xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top