Aa

Chính quyền địa phương im lặng khi công ty Đại Kim lại lấn vỉa hè, lòng đường

Thứ Ba, 25/08/2020 - 13:20

Tiếp tục ngang nhiên lấn chiếm lòng đường để thi công dự án, Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Kim đang sai phạm một cách công khai nhưng không biết vì sao chính quyền địa phương vẫn "làm ngơ" chưa xử lý.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Tiếp tục sai phạm công khai

Dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty Cổ phần (CP) đầu tư xây dựng Đại Kim làm chủ đầu tư (CĐT) lấn chiếm một phần làn đường Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Công Thái (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) để thi công dự án, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông của người đi bộ và các phương tiện khác tại khu vực. Sau hàng loạt phản ánh của người dân, khi chính quyền địa phương chưa có bất cứ động thái nào kiểm tra, xử lý thì mới đây, công trình này tiếp tục sai phạm một cách công khai.

Dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty Cổ phần (CP) đầu tư xây dựng Đại Kim làm CĐT tiếp tục sai phạm công khai. Video ghi nhận thực tế ngày 19/8/2020.

Ngày 19/8/2020, lòng đường Nguyễn Công Thái - cổng số 1 chân công trình lại được trưng dụng làm "bến đỗ" cho các xe trộn bê tông, xe tải phục vụ vận chuyển các nguyên vật liệu xây dựng, chắn toàn bộ lối di chuyển của các phương tiện giao thông, buộc ô tô, xe máy phải đi vòng một lối khác mới ra được phía đường ngoài.

Dự án lấn chiếm lòng đường phục vụ quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực

"Đây là lần thứ tư, thứ năm dự án này gây ảnh hưởng, cho người dân xung quanh khu vực. Từ giờ cho đến lúc công trình này hoàn thành, không biết bao nhiêu lần vi phạm nữa xảy ra. Không những gây bất tiện cho việc lưu thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khi những chiếc xe to này "bành trướng" trên đường vào những giờ có đông người dân qua lại. Chúng tôi vẫn đang chờ việc thanh tra, xử lý sai phạm của các cấp chính quyền địa phương" - một người dân thuộc chung KĐT Đại Kim cho biết.

Toàn bộ 1 phần làn đường Nguyễn Công Thái bị lấn chiếm công khai

Ngày 21/8/2020, sai phạm lại diễn ra, khi xe trộn bê tông của dự án đã lấn chiếm đến 1/2 làn đường Nguyễn Cảnh Dị, vỉa hè chân công trình cũng bị trưng dụng khiến người đi bộ phải đi ra giữa đường còn các phương tiện tham gia giao thông phải vô cùng vất vả khi di chuyển qua khu vực này. 

Người đi bộ đi ra giữa đường, sát xe trộn bê tông.

"Nguy hiểm như vậy nhưng không biết đến bao giờ chính quyền địa phương, CĐT mới có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn cho người dân" - cư dân tại Lô 6 B1 KĐT Đại Kim lo lắng cho biết.

Sai phạm công khai nhưng không bị xử lý ? (Video ghi nhận ngày 21/8/2020)

Theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố, việc sử dụng tạm thời hè phố để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình phải được UBND cấp huyện và Sở GTVT cấp phép. Thời gian sử dụng chỉ từ 22h đến 6h và phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, phải dành lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Được biết, dự án này đã "năm lần bảy lượt" sử dụng vỉa hè, lòng đường phục vụ thi công vào thời điểm sai quy định, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Dự án này "năm lần bảy lượt" sử dụng vỉa hè, lòng đường phục vụ thi công vào thời điểm sai quy định

Cuối tháng 6/2020, nguyên vật liệu xây dựng dự án để tràn hết lòng đường Nguyễn Công Thái ngay sát chân công trình, chắn lối đi và để biển hiệu yêu cầu người dân, người tham gia giao thông di chuyển đường khác mới vòng ra được đường phía ngoài.

Tháng 7/2020, dự án này tiếp tục "bành trướng" ra đường khi xe trộn bê tông "ôm trọn" một làn đường của đường Nguyễn Cảnh Dị. Các phương tiện giao thông gặp khó khăn khi lưu thông, nếu đi sang làn ngược chiều thì nguy hiểm, đi đúng làn thì không có chỗ đi.

Tháng 8/2020, dự án này tiếp tục ngang nhiên trưng dụng gần hết lòng đường Nguyễn Công Thái làm "bến đỗ" cho 3, 4 xe trộn bê tông phục vụ cho việc thi công công trình, chỉ chừa lại một phần đường rất nhỏ cho các phương tiện lưu thông ngay sát cạnh (ngày 13/8/2020).

Thông tin dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao

Nghịch lý là những sai phạm này diễn ra công khai trong suốt mấy tháng qua nhưng không bị xử lý. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV đã liên hệ với ông Phạm Hải Bình - Chủ tịch UBND phường Đại Kim để xác minh, làm rõ nhưng đến thời điểm hiện, chính quyền địa phương vẫn giữ thái độ im lặng và chưa có công văn phản hồi cụ thể về sự việc trên. 

Dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty Cổ phần (CP) đầu tư xây dựng Đại Kim làm chủ đầu tư (CĐT) xây dựng công trình Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao tại ô đất số 8 khu đô thị (KĐT) mới Đại Kim Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Dự án có số GPXD: Số 67/GPXD ngày 25/09/2019. Quy mô công trình là 06 tầng nổi và 02 tầng hầm. Nhà thầu thi công là Công ty CP Licogi 13 - nền móng xây dựng. Khởi công tháng 12/2019 và dự kiến hoàn thành quý IV/2020.

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý dự án

Với tư cách là người quản lý nguồn vốn đồng thời có quyền lựa chọn đơn vị thầu, CĐT là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư của các công trình xây dựng. CĐT phải tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình triển khai dự án cũng như khắc phục những hậu quả của dự án nếu có. CĐT cũng là cá nhân/đơn vị được quyền yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình hay yêu cầu nhà thầu khắc phục hậu quả khi công trình vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường. trong quá trình thi công.

Nhà thầu thi công dự án này là Công ty CP Licogi13 - nền móng xây dựng.

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng được quy định tại Điều 24 Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Nghị định mới: 46/2015/NĐ-CP.

1. Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có), thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác.

2. Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện.

3. Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 72 của Luật xây dựng.

4. Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình.

5. Kiểm tra việc huy động và bố trí nhân lực của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình so với yêu cầu của hợp đồng xây dựng.

6. Kiểm tra và giám sát trong quá trình thi công xây dựng công trình, bao gồm:

a) Kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng khi cần thiết;

b) Kiểm tra biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình của nhà thầu thi công xây dựng công trình;

c) Kiểm tra, đôn đốc, giám sát nhà thầu thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác triển khai công việc tại hiện trường;

d) Yêu cầu nhà thầu thiết kế điều chỉnh khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế;

đ) Kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu;

e) Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.

7. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

8. Tổ chức kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình và toàn bộ công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng hoặc khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.

9. Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng.

10. Tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.

11. Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn.

12. Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong thi công xây dựng công trình và xử lý, khắc phục sự cố theo quy định của Nghị định này.

13. Lập báo cáo hoàn thành đưa công trình xây dựng vào sử dụng hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu và gửi cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo quy định tại Nghị định này.

14. Chủ đầu tư có thể thuê nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc nêu tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6, Khoản 9, Khoản 10, Khoản 13 Điều này và một số công việc khác khi cần thiết.

Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện của nhà thầu tư vấn giám sát theo yêu cầu của Hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

CĐT phải có trách nhiệm cầu dừng thi công xây dựng công trình hay yêu cầu nhà thầu khắc phục hậu quả nếu công trình vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Pháp luật đã quy định rõ ràng, thế nhưng trách nhiệm quản lý của Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim đối với những sai phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao vẫn là "dấu hỏi lớn" đối với dư luận.

"Xử phạt vi phạm hành chính trên hè đường - phạt tiền thôi thì chỉ mang tính chất tức thời. Gốc rễ của vấn đề là ý thức của nhà thầu, trách nhiệm quản lý của CĐT. Đối với các trường hợp cố tình tái phạm nhiều lần, báo cáo lãnh đạo Sở GTVT, đề nghị Sở Xây dựng đình chỉ thi công công trình vi phạm, gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ATGT cho tới khi nhà thầu chấp hành tốt, giải quyết xong hậu quả gây ra" - Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Bùi Ngọc Tân từng đề cập rất gay gắt đến vấn nạn này.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương: Nhìn từ thực tiễn quản lý

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp khi nhiều công trình xây dựng sai phép vẫn diễn ra, việc tìm một mô hình quản lý hiệu quả đã được Hà Nội thực hiện. Cùng với điều chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về UBND cấp huyện, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quy định mới về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhằm tăng cường hiệu quả công tác này.

Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố (Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2019). Theo đó, quyết định này quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; đặc biệt nêu cao vai trò của người đứng đầu, quy định trách nhiệm cụ thể đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện...

Ngoài ra, một số chế tài xử lý mạnh cũng được đưa ra: Xem xét không giao thực hiện dự án đối với chủ đầu tư vi phạm; Xem xét không cấp chứng chỉ năng lực hành nghề cho các nhà thầu (thi công, tư vấn giám sát) có vi phạm; Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng...

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội từng cho biết: "Từ thực tiễn quản lý, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Chỉ những nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó hiệu quả - việc xử lý vi phạm mới kịp thời, triệt để".

UBND phường Đại Kim vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào về những sai phạm trên.

Ngoài ra, để xử lý dứt điểm và hạn chế tình trạng nhà thầu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tập kết nguyên vật liệu, phục vụ thi công công trình nhà cao tầng, các lực lượng chức năng đều cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn. Mỗi công trình trị giá hàng ngàn tỷ đồng, chỉ xử phạt vài triệu hay vài chục triệu đồng sẽ không đủ sức răn đe vi phạm. Phải nâng mức phạt lên cao hơn nữa, có thể phạt hàng trăm triệu đồng hoặc buộc ngừng thi công ngay lập tức khi phát hiện vi phạm. Có như vậy mới khiến các nhà thầu biết “sợ” mà tuân thủ đúng quy định.

Quay trở lại sự việc trên, trong khi cả thành phố đang ráo riết giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì việc hàng loạt các công trình nói chung và dự án Dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao do Công ty CP đầu tư xây dựng Đại Kim làm CĐT nói riêng thản nhiên lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ mà không bị xử lý đã khiến dư luận vô cùng bức xúc và vẫn đang chờ những hành động giải quyết triệt để từ các cấp chính quyền địa phương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top