Aa

Chính quyền “đùn đẩy“ trách nhiệm, người dân mòn mỏi chờ giải quyết?

Chủ Nhật, 14/11/2021 - 14:13

Người dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh) "tố" hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai nhưng nhiều năm chính quyền chưa xử lý dứt điểm, trong khi đó, lãnh đạo huyện thì bị cho rằng đã "bội tín".

Vì sao Bí thư, Chủ tịch huyện Cô Tô bị đình chỉ công tác?

Theo báo chí đăng tải, ngày 12/11, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn đã bị đình chỉ công tác liên quan đến tố cáo cưỡng hiếp. Theo đó, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, sáng 12/11, ông Nguyễn Xuân Ký,  Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô và đề xuất của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy.

Sau khi thảo luận, phân tích, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất chỉ đạo: Đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Lê Hùng Sơn vì có biểu hiện tiêu cực, vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống; vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp; vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Bí thư cô tô Lê Hùng Sơn đình chỉ công tác
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất chỉ đạo: Đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng giao tổ chức Đảng các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật chỉ đạo nghiên cứu nội dung đơn tố cáo của công dân về hành vi cưỡng hiếp của ông Lê Hùng Sơn; khẩn trương vào cuộc điều tra, xem xét, sớm có kết luận cụ thể về vụ việc và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật (nếu có).

Vụ việc trên diễn ra không chỉ khiến người dân địa phương mà dư luận cả nước đều bất ngờ, không hiểu vì sao một vị lãnh đạo đương chức và đứng đầu huyện Cô Tô lại vướng phải "lùm xùm" như vậy?

Trước khi xảy ra vụ việc chấn động trên, vị Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn từng bị “tố” bội tín, sau khi vị lãnh đạo này “thỏa thuận” khi người dân có đơn tố cáo một vị lãnh đạo huyện? Trước đó, Reatimes đã phản ánh, ông Vũ Hữu Toẻ (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) cung cấp một biên bản thoả thuận giữa ông và Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn. Theo ông Toẻ, đây là “giao dịch ngầm” mà ông Sơn là người chủ động trước thời điểm diễn ra đợt bầu cử HĐND các cấp (tháng 5/2021).

Nội dung thoả thuận ngày 13/5/2021 mà ông Lê Hùng Sơn viết và ký nêu rõ: “Nếu ông Vũ Hữu Toẻ, thường trú tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh rút đơn tố cáo ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (đã gửi ngày 5/5/2021) thì tôi cam kết đảm bảo không có các cơ quan chức năng pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền công dân của ông Vũ Hữu Toẻ sau khi rút đơn. Sau khi ông Toẻ rút đơn, tôi cam kết sau đợt bầu cử tôi sẽ giải quyết triệt để vấn đề đất đai của gia đình ông Toẻ theo quy định pháp luật”.

Vi phạm đất đai tại Cô tô quảng ninh
Theo ông Toẻ, đây là “giao dịch ngầm” mà ông Sơn là người chủ động trước thời điểm diễn ra đợt bầu cử HĐND các cấp (tháng 5/2021).

Ông Toẻ cho biết: “Thời điểm chuẩn bị bầu HĐND các cấp, tôi có gửi đơn tố cáo ông Hiển. Nhưng thời điểm đó, anh Sơn mới về thay Bí thư, Chủ tịch huyện, anh ấy có gặp riêng và bảo tôi rút tờ đơn tố cáo ông Hiển. Tôi nhất trí, bởi lúc ấy tôi tôn trọng cá nhân ông Sơn”.

Vậy nhưng, đã nhiều tháng trôi qua, ông Tỏe không thấy vị lãnh đạo trên giải quyết việc khiếu kiện của mình. Ông Toẻ cũng cho biết: “Nhiều lần tôi đã gọi điện thoại nhưng ông Sơn không trả lời. Sau này ông ấy có nhắn và bảo rằng, đã giao đồng chí Hùng, Phó Chủ tịch huyện giải quyết nhưng rồi cũng quanh co không làm, chỉ thấy thi thoảng đến thăm tôi lúc ốm đau”.

Trong khi ông Tỏe và người dân địa phương đang trông chờ vị lãnh đạo huyện thực hiện lời hứa của mình, thì bất ngờ họ nghe tin ông Sơn bị đình chỉ chức vụ. Không biết rằng, rồi đây ai sẽ là người thực hiện lời hứa của vị lãnh đạo huyện là "giải quyết triệt để vấn đề đất đai" của gia đình ông?

Dân kêu cứu, chính quyền "đùn đẩy" trách nhiệm?

Theo phản ánh của một số hộ dân trú tại huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), trước đó họ đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện đến chính quyền huyện Cô Tô. Thế nhưng, gần chục năm qua, người dân vẫn chưa được chính quyền huyện Cô Tô giải quyết thoả đáng.

Người dân sau đó cũng gửi hàng loạt đơn kiến nghị, tố cáo đến UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngày 28/9/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có phiếu chuyển đơn đến UBND huyện Cô Tô để giải quyết. Vậy là "quả bóng" trách nhiệm như thế cứ tiếp tục được “đá đi đá lại", còn quyền lợi của người dân thì vẫn bị "treo" nhiều năm qua. Quá bức xúc, bà đã làm đơn gửi đơn lên các cơ quan Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương. 

Bên cạnh đó, một số hộ dân cũng đồng loạt tố cáo những dấu hiệu sai phạm về công tác quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ tại huyện Cô Tô. Cụ thể, có gia đình các ông bà Bùi Đức Tuyến, Nguyễn Thị Men, Nguyễn Thị Nhóc… Nội dung tố cáo về đường dây cấp đất lậu, bao che, bảo kê lợi ích nhóm của một số cán bộ huyện Cô Tô, trong đó có ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch huyện và vị lãnh đạo vừa mới bị đình chỉ công tác là ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô,...

Vi phạm đất đai tại cô tô quảng ninh
Qua thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh phát hiện 40 sổ đỏ cấp sai trên địa bàn xã Đồng Tiến và huyện Cô Tô. Sở cũng yêu cầu huyện nhanh chóng kiểm tra, rà soát, thu hồi; ký lại các hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định…

Câu chuyện này liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân huyện Cô Tô, như gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (trú tại Khu 2, thị trấn Cô Tô) hay của gia đình ông Vũ Hữu Toẻ (trú tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến) cùng nhiều hộ dân khác bao lâu nay dường như vẫn cứ đi vào “ngõ cụt”. 

Căn cứ vào tài liệu cho thấy, những sai phạm về công tác quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ của chính quyền huyện Cô Tô như nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở. Điều này cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh chỉ rõ tại kết luận thanh tra số 317/KL-TNMT ngày 16/1/2020.  “Qua thanh tra việc cấp GCNQSDĐ tại huyện Cô Tô cho thấy, công tác quản lý đất đai tại thị trấn Cô Tô và các xã chưa chặt chẽ; để nhiều hộ dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ du lịch và làm bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời”, kết luận nêu rõ. 

Cụ thể, UBND huyện Cô Tô có 3 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 1 thị trấn và 2 xã. Qua kiểm tra 20 GCNQSDĐ đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn Cô Tô, cho thấy, quá trình thẩm định, lấy phiếu ý kiến khu dân cư, kiểm tra hiện trạng đều được thực hiện trước khi tiếp nhận hồ sơ.

Bản đồ địa chính đã được thành lập và bàn giao cho địa phương quản lý từ tháng 12/2017, nhưng từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra, 100% GCNQSDĐ đã cấp ghi không đúng số thửa, số tờ bản đồ địa chính. Tính sai thời hạn sử dụng đối với diện tích đất nông nghiệp đã cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân…

Đặc biệt, qua thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh phát hiện 40 sổ đỏ cấp sai trên địa bàn xã Đồng Tiến và huyện Cô Tô. Sở cũng yêu cầu huyện nhanh chóng kiểm tra, rà soát, thu hồi; ký lại các hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định.

Vi phạm đất đai cô tô quảng ninh
Nhiều hộ dân đồng loạt tố cáo những dấu hiệu sai phạm về công tác quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ tại huyện Cô Tô.

Đối với những sai phạm trên đã được thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường kết luận và yêu cầu các cá nhân tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình là những cán bộ để xảy ra sai phạm dường như vẫn “bình yên vô sự”, thậm chí không biết từng có kết luận hay sai phạm xảy ra.

Việc này thể hiện trong nội dung trả lời của ông Trần Như Long - nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô  (hiện ông đang giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh). Ông Long cho biết, ông không biết kết luận thanh tra xử lý sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Cô Tô. “Tôi mới về nhận nhiệm vụ, không biết kết luận thanh tra ấy có từ bao giờ. Tôi cũng đang tìm thông tin đó và chưa hề ký bất cứ văn bản nào liên quan đến việc thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Cô Tô”, ông Long nói.

Câu trả lời của ông Long dường như cho thấy một sự bình thản đáng ngạc nhiên, trước những vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại huyện Cô Tô mà chính Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra thời kỳ trước đó. Dư luận đặt ra dấu hỏi, liệu rằng việc thực hiện theo kết luận thanh tra và khắc phục những vi phạm trong kết luận này liệu có bị "chìm xuồng"? Và nếu nội dung kết luận thanh tra có được thực hiện, thì các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh có ngăn được tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" hoặc xử lý kiểu "nửa vời" hay không?

Với những sai phạm xảy ra tại thời điểm ông Long còn đang tại vị với chức vụ Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (giai đoạn 2016 - 2020), để đảm bảo tính khách quan và minh bạch, thiết nghĩ, UBKT Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung Kết luận thanh tra số 317/KL-TNMT ngày 16/1/2020. Đồng thời, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần có động thái vào cuộc rốt ráo để giải quyết những kiến nghị, tố cáo liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Cô Tô và có câu trả lời thỏa đáng cho người dân được biết./.

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top