Vì sao loạt cán bộ để xảy ra sai phạm trong “đường dây” cấp GCNQSDĐ tại Cô Tô vẫn “bình yên vô sự”?
Những sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ và quản lý đất đai tại Cô Tô đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ và yêu cầu xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, những người trực tiếp để xảy ra sai phạm, đến nay vẫn “bình yên vô sự”, thậm chí thăng tiến ở cấp bậc cao hơn!
Câu chuyện “dở khóc”, “dở cười” của người dân Cô Tô nhiều năm qua chưa bao giờ hết “nóng” bởi cách quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) “không giống ai” của các đơn vị chức năng huyện đảo Cô Tô. Hàng chục hộ dân nhiều năm phải “khăn gói” gửi đơn đi cầu cứu tứ phương, trong khi chính quyền địa phương chưa có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.
Chia sẻ với Reatimes, ông Vũ Hữu Toẻ, trú tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, từ ngày gửi đơn đến nay đã gần 3 năm nhưng sự việc của gia đình ông dường như vẫn cứ đi vào “ngõ cụt”.
Ông Tỏe cho biết, năm 1979, nghe theo tiếng gọi của Đảng, gia đình ông cùng các hộ sinh sống tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng ra xây dựng vùng kinh tế mới tại thôn Bắc Vàn, xã Cô Tô, huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Gia đình ông đã tiếp nhận nhà, nhận đất trồng cây, ruộng vườn với khoảng hơn 6.000m2 của người Hoa và ăn ở ổn định từ đó đến nay không có tranh chấp.
Đến năm 2003, gia đình ông được cấp giấy GCNQSDĐ là 450m2, trong đó đất ở là 396m2, số diện tích còn lại gia đình vẫn quản lý, sử dụng ổn định, canh tác và trồng các loại cây ăn quả, bạch đàn…
Đến tháng 8/2019, ông Tỏe tiến hành cải tạo lại vườn đồi và cho chặt hạ một số cây không cần thiết thì bỗng dưng bị cán bộ Kiểm lâm huyện Cô Tô đến lập biên bản về hành vi phá rừng phòng hộ.
Theo biên bản số 02, ngày 6/8/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Cô Tô: “Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề” đối với ông Vũ Hữu Tỏe, tang vật gồm: 37 lóng gỗ tròn từ 1,05m - 1,65m, đường kính từ 13 - 30cm với tổng khối lượng là 1,234m3”.
Tiếp đó, ngày 30/8/2019, UBND huyện Cô Tô đã có Quyết định số 486 do ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông Vũ Hữu Tỏe, số tiền 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ông Tỏe phải trồng lại rừng trên diện tích bị phá.
Không đồng tình với quyết định xử phạt của UBND huyện Cô Tô, ông Tỏe đã làm đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh. Ông cho rằng, việc xử phạt gia đình ông như vậy là không đúng, bởi gia đình ông đã khai hoang, canh tác vườn đồi này từ năm 1979.
Cũng theo hồ sơ ông Toẻ cung cấp, UBND huyện Cô Tô đã 2 lần có văn bản trả lời kiến nghị của ông (văn bản số 856, ngày 19/9/2019 và văn bản số 736, ngày 19/12/2019). 2 văn bản trả lời này đều căn cứ Quyết định số 3722, ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 133 ngày 1/3/2019 của UBND huyện Cô Tô về việc công bố công khai quyết định về quy hoạch rừng để mọi tổ chức và công dân biết.
Tuy nhiên, theo đối chiếu, 2 văn bản này trả lời cách nhau 3 tháng nhưng số liệu lại có sự mâu thuẫn. Văn bản số 856, ngày 19/9/2019 ghi diện tích rừng bị chặt phá là 1.170m2 còn văn bản số 736, ngày 19/12/2019 xác định diện tích rừng bị chặt phá khoảng 1.300m2.
“Gia đình tôi được cấp GCNQSDĐ từ năm 2003, sơ đồ thửa đất thể hiện các mặt giáp ranh liền kề thửa đất ghi là đất vườn và đất màu. Việc UBND huyện Cô Tô trả lời tôi và căn cứ vào Quyết định, Kế hoạch được ban hành vào các năm 2018 và 2019 như vậy rõ ràng là việc không bình thường”, ông Toẻ cho hay.
Cũng theo loạt đơn tố cáo của người dân gửi đến các cơ quan chức năng, sự việc ly kỳ này không chỉ diễn ra riêng với cá nhân gia đình ông Toẻ mà còn hàng chục những hộ dân khác.
Có người khiếu kiện từ những năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền huyện Cô Tô giải quyết thoả đáng. Cụ thể như gia đình bà Nguyễn Thị Thảo, trú tại Khu 2, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô. Hàng chục năm nay bà vẫn miệt mài đi tìm công lý nhưng bà cứ hy vọng rồi lại phải thất vọng.
Bà Thảo cho biết, sau hàng loạt đơn kiến nghị, tố cáo của gia đình bà, huyện Cô Tô vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Bà tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh thì ngày 28/9/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có phiếu chuyển đơn đến UBND huyện Cô Tô, quả bóng trách nhiệm như thế cứ tiếp tục được “đá đi”. Quá bức xúc, bà đã làm đơn gửi đơn lên các cơ quan Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương.
Bà cũng đại diện cho nhiều hộ dân khác đồng tố cáo những dấu hiệu sai phạm về công tác quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ tại huyện Cô Tô. Trong đó có gia đình các ông bà Bùi Đức Tuyến, Nguyễn Thị Men, Nguyễn Thị Nhóc…
Nội dung tố cáo về đường dây cấp đất lậu, bao che, bảo kê lợi ích nhóm của một số cán bộ huyện Cô Tô, trong đó có ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô; ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch huyện…
Cũng qua tài liệu tìm hiểu được biết, những sai phạm về công tác quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ của chính quyền huyện Cô Tô như nội dung tố cáo của người dân là có căn cứ. Điều này cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh chỉ rõ tại kết luận thanh tra số 317/KL-TNMT ngày 16/1/2020. “Qua thanh tra việc cấp GCNQSDĐ tại huyện Cô Tô cho thấy, công tác quản lý đất đai tại thị trấn Cô Tô và các xã chưa chặt chẽ; để nhiều hộ dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ du lịch và làm bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời”, kết luận nêu rõ.
Cụ thể, UBND huyện Cô Tô có 3 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 1 thị trấn và 2 xã. Qua kiểm tra 20 GCNQSDĐ đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn Cô Tô, cho thấy, quá trình thẩm định, lấy phiếu ý kiến khu dân cư, kiểm tra hiện trạng đều được thực hiện trước khi tiếp nhận hồ sơ.
Bản đồ địa chính đã được thành lập và bàn giao cho địa phương quản lý từ tháng 12/2017, nhưng từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra, 100% GCNQSDĐ đã cấp ghi không đúng số thửa, số tờ bản đồ địa chính. Tính sai thời hạn sử dụng đối với diện tích đất nông nghiệp đã cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân…
Đặc biệt, qua thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh phát hiện 40 sổ đỏ cấp sai trên địa bàn xã Đồng Tiến và huyện Cô Tô. Sở cũng yêu cầu huyện nhanh chóng kiểm tra, rà soát, thu hồi; ký lại các hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định…
Trong những năm qua, nhiều vụ việc “động trời” liên quan đến tham nhũng đất đai đã được dư luận lên án và đưa ra pháp luật. Nhiều quan chức cấp cao của Trung ương, địa phương, kể cả cán bộ cấp cao thuộc lực lượng vũ trang cũng vướng vòng lao lý hoặc bị kỷ luật ở mức độ nặng.
Tại Quảng Ninh, loạt quan chức của Sở Tài nguyên và Môi trường - nơi được coi là “vùng cấm” cũng vừa “lĩnh án” là câu chuyện đáng để suy ngẫm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Văn Chiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2015 - 2020, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Cao Văn Chiến đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu, xây dựng Quy chế làm việc của Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiệm kỳ 2015 - 2020, chưa đúng theo quy định.
Ông Chiến thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, Đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, nhiệm vụ chuyên môn được giao, để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại một số dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách.
Ông Phạm Văn Cường - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cũng bị “bêu tên”, nhận kỷ luật bằng hình thức khiển trách…
Trở lại với câu chuyện về quản lý đất đai và cấp GCNQSDĐ tại Cô Tô, những sai phạm này đã được thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường kết luận và yêu cầu các cá nhân tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình là những cán bộ để xảy ra sai phạm dường như vẫn “bình yên vô sự”, thậm chí không biết từng có kết luận hay sai phạm xảy ra.
Xin được dẫn lại nội dung trao đổi giữa Reatimes và ông Trần Như Long - nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (hiện ông đang giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh).
Trao đổi với Reatimes, ông Trần Như Long cho biết, ông không biết kết luận thanh tra xử lý sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Cô Tô. “Tôi mới về nhận nhiệm vụ, không biết kết luận thanh tra ấy có từ bao giờ. Tôi cũng đang tìm thông tin đó và chưa hề ký bất cứ văn bản nào liên quan đến việc thu hồi 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Cô Tô”, ông Long nói.
Vậy vai trò, trách nhiệm của ông Trần Như Long trên cương vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh là gì? Kết luận thanh tra số 317/KL-TNMT ngày 16/1/2020 do ông Nguyễn Ngọc Thu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh từng ký đã được công bố công khai, tại sao dư luận biết, mà một giám đốc mới như ông Long lại không hề hay biết? Đặc biệt, đây lại là những sai phạm xảy ra tại thời điểm ông Long còn đang tại vị với chức vụ Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (giai đoạn 2016 - 2020)?
Ông Trần Như Long không biết hay đang giả vờ không biết? Xin được nhường câu trả lời này cho các ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh!
Quá trình điều tra và tìm hiểu thực tế, bên cạnh những câu chuyện “vượt vùng cấm”, phóng viên Reatimes được ông Vũ Hữu Toẻ cung cấp một biên bản thoả thuận giữa ông và Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn. Theo ông Toẻ, đây là “giao dịch ngầm” mà ông Sơn là người chủ động trước thời điểm diễn ra đợt bầu cử HĐND các cấp (tháng 5/2021).
Nội dung thoả thuận ngày 13/5/2021 mà ông Lê Hùng Sơn viết và ký nêu rõ: “Nếu ông Vũ Hữu Toẻ, thường trú tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh rút đơn tố cáo ông Vũ Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (đã gửi ngày 5/5/2021) thì tôi cam kết đảm bảo không có các cơ quan chức năng pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền công dân của ông Vũ Hữu Toẻ sau khi rút đơn. Sau khi ông Toẻ rút đơn, tôi cam kết sau đợt bầu cử tôi sẽ giải quyết triệt để vấn đề đất đai của gia đình ông Toẻ theo quy định pháp luật”.
Tại sao ông Lê Hùng Sơn Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô lại phải “đàm phán” và thoả thuận như vậy với ông Toẻ? Mục đích ban đầu cho thấy rõ ràng là do “bầu cử”, tuy nhiên, liệu ông Sơn có thực hiện lời hứa hay đó chỉ là “chiêu bài”, hòng cho qua việc thì lại là chuyện khác.
Để làm rõ vấn đề này, PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hữu Toẻ. Ông Toẻ cho biết: “Thời điểm chuẩn bị bầu HĐND các cấp, tôi có gửi đơn tố cáo ông Hiển. Nhưng thời điểm đó, anh Sơn mới về thay Bí thư, Chủ tịch huyện, anh ấy có gặp riêng và bảo tôi rút tờ đơn tố cáo ông Hiển. Tôi nhất trí, bởi lúc ấy tôi tôn trọng cá nhân ông Sơn”.
“Thế nhưng đợi chờ mãi, bây giờ đã là tháng 10 rồi. Ông Sơn bầu cử xong đã lâu mà không hề đả động gì đến việc giải quyết khiếu kiện cho tôi”, ông Toẻ nói.
Ông Toẻ cũng cho biết: “Nhiều lần tôi đã gọi điện thoại nhưng ông Sơn không trả lời. Sau này ông ấy có nhắn và bảo rằng, đã giao đồng chí Hùng, Phó Chủ tịch huyện giải quyết nhưng rồi cũng quanh co không làm, chỉ thấy thi thoảng đến thăm tôi lúc ốm đau”.
Để làm rõ vấn để này, PV Reatimes đã chủ động liên hệ với ông Lê Hùng Sơn - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô nhưng được ông trả lời: “Đang bận họp”.
Dường như, trong mỗi kỳ bầu ĐBQH và HĐND các cấp, người ta lại thấy những lời hứa từ những ứng viên. Lời hứa dù chân thành hay vô tình thốt ra đều thể hiện bản lĩnh chính trị, trách nhiệm, đặc biệt là đối với người lãnh đạo. “Hứa với dân rồi thì phải làm, đừng hứa suông”, ông Lê Hùng Sơn cũng nên xem lại tư cách và việc mình đã hứa với dân, hứa với cử tri hay riêng cá nhân ông Toẻ.
Những bức xúc của người dân Cô Tô đã kéo dài cả chục năm nay, đã đến lúc Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phải vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc; vấn đề chiếm dụng, cấp GCNQSDĐ trên đất quốc phòng hay đất rừng phòng hộ cũng cần được kiểm tra, làm rõ.
Đã đến lúc phải trả lại sự bình yên cho huyện đảo Cô Tô!