Aa

Chính sách cho đặc khu: Tổ đón phượng hoàng hay chỉ vừa chim sẻ?

Thứ Bảy, 09/06/2018 - 06:00

Ngay từ thời điểm được "thai nghén", đặc khu kinh tế đã được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế nước nhà. Để thu hút nhà đầu tư như mục tiêu đặt ra, các chính sách sẽ được ban hành và áp dụng như thế nào, là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nhưng cũng có câu hỏi được đặt ngược trở lại rằng, chính sách mà chúng ta áp dụng cho đặc khu kinh tế sẽ trở thành chiếc tổ cho chim phượng hoàng hay chỉ dành cho chim sẻ?

Những ngày qua, không chỉ dư luận đang ồn ào tranh cãi về câu chuyện đặc khu mà cả một số chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng, cần tạm dừng việc thông qua Luật để “xem xét, bàn luận và sửa chữa lại những lỗ hổng” trong dự thảo.

Phải hiểu rằng, bản chất vấn đề không nằm ở mô hình đặc khu kinh tế, "đối tượng" đang bị coi là “tội đồ”, mà ở những chính sách ưu đãi, vượt trội mà dự thảo Luật đã đưa ra với mong muốn tạo thành chiếc tổ đẹp để đón phượng hoàng.

Song những chính sách kinh tế mà dự thảo Luật đưa ra có phải là chiếc bản lề chắc chắn để trở thành bệ phóng cho một mô hình đặc khu kinh tế thành công? Hay chỉ là mở đầu của hàng loạt diễn biến phức tạp, khó kiểm soát trong tương lai, giống như sự phản ứng dữ dội của dư luận những ngày gần đây?

Để có cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện này, cùng theo dõi những ý kiến, nhận định dưới đây của các chuyên gia.

Những chính sách dành cho nhà đầu tư mà dự thảo luật đưa ra khiến tôi cảm thấy một sự loay hoay trong việc tạo dựng nền tảng tốt thu hút nguồn vốn nước ngoài. Chúng ta đang có quá nhiều ưu đãi dành cho nhà đầu tư nhưng lại thiếu đi cái cơ bản nhất là một thể chế vượt trội.

Cái cần thì chưa chạm đến, cái không nhất thiết phải có lại xuất hiện quá nhiều gây ra các tranh cãi. Nhìn lại các nước trên thế giới, yếu tố quyết định sự thành công của Dubai, Incheon,... đều xuất phát từ một thể chế hiện đại và vượt trội. Họ mở cửa thực sự để hòa nhập với xu hướng phát triển của thế giới.

Việc xây dựng quá nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt là ưu đãi về thuế sẽ nảy sinh ra các tệ nạn. Tôi lấy ví dụ, nếu cơ chế quản lý không chặt, sẽ có những nhà đầu tư quá quen với tiêu cực sẽ bỏ tiền ra để chạy ưu đãi. Điều gì sẽ xảy ra khi một đặc khu vẫn còn tồn tại hiện tượng “chạy ưu đãi” và hệ lụy của nó sẽ xuất hiện như thế nào? 

Liên quan tới việc thời hạn thuê đất khiến dư luận quan tâm, theo tôi, không quan trọng chúng ta cho thuê đất 70 năm hay 99 năm, cũng không nhất thiết phải đưa ra một danh sách dài các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Mà Việt Nam muốn thành công buộc phải là tạo một môi trường kinh doanh thực sự cởi mở.

Các quyết định kinh doanh cần phải trao cho nhà đầu tư. Họ vào kinh doanh thì phải tạo cơ hội cho họ phát triển, không thể đưa ra hàng loạt các chính sách ưu đãi nhưng lại thiếu cho họ quyền tự quyết. Chúng ta cần có một bộ máy mà người Việt Nam nắm quyền tự quyết về chủ quyền quốc gia còn phía nhà đầu tư sẽ có quyền về kinh doanh. Như vậy, cán cân về kinh tế và chủ quyền dân tộc sẽ được đảm bảo.

Tại Trung Quốc, họ không cần phải thành lập một dự thảo luật đặc khu. Họ chỉ đưa ra một quyết định, định hướng cơ bản khoảng 5 - 6 trang về xây dựng đặc khu kinh tế là gì. Đối với mỗi đặc khu, tùy thuộc vào tình hình phát triển, mục tiêu đề ra mà lại xây dựng những bộ chính sách riêng biệt. Tôi cho rằng, Việt Nam cũng cần áp dụng để hệ thống hóa những thế mạnh và đưa ra hướng phát triển cụ thể cho từng đặc khu vì mỗi đặc khu có một nhiệm vụ chiến lược riêng. Và chúng ta cần phải xác định, lập đặc khu là nên xây dựng để thu hút nhà đầu tư Âu - Mỹ.

 

Phải khẳng định rằng trong dự thảo luật có rất nhiều ưu đãi dành cho nhà đầu tư mà chỉ thiếu 1 câu nữa là có thể gọi đặc khu là thiên đường thuế. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng đến các chính sách ưu đãi mà quên nhấn mạnh việc xây dựng thể chế dân chủ hiện đại, rõ ràng, minh bạch với chi phí thực thi thấp thì vướng mắc sẽ bắt đầu nảy sinh. Cái mà nhà đầu tư cần là một thể chế nhanh gọn lại chưa đáp ứng được đúng mong muốn, nhu cầu của họ.

Đối với nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, tính an toàn trong môi trường đầu tư luôn được đặt lên hàng đầu. Họ mong muốn an toàn trong mọi lĩnh vực. Nhưng đánh giá khách quan rằng, trong thể chế nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng, thực sự cơ chế của của Việt Nam là phức tạp nhất thế giới. Chúng ta có quá nhiều văn bản pháp luật xuất hiện. Điều này xuất phát từ lý do rất nhiều cơ quan phát hành văn bản pháp luật. Hệ quả là tạo ra sự chồng chéo văn bản pháp luật, nảy sinh những mâu thuẫn. Không chỉ vậy, năng lực thực thi luật của chủ thể tại Việt Nam cũng khó tiếp cận và thực hiện.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, tôi đề nghị cần có một thể chế nói chung và pháp luật nói riêng của đặc khu phải được thiết lập, tiếp cận với văn minh của nhân loại, hạn chế bớt các thủ tục. Nhưng đừng biến yếu tố đặc khu trong pháp luật trở thành “điểm yếu” và gây ảnh hưởng đến giá trị văn minh.

Do đó, chúng ta cần cố gắng làm thế nào để xây dựng một bộ luật thể hiện sự phân quyền đầy đủ, rõ ràng, rành mạch đến mức khi chính thức được thông qua, phải đi được vào cuộc sống. Chúng ta nên bỏ qua các nghị định, thông tư. Mối quan hệ giữa các ngành, các bộ cũng hạn chế bớt các chỉ thị thông tư hành chính.

Nếu có những vấn đề riêng, chưa rõ thì hãy giao quyền cho hội đồng nhân dân đặc khu giải đáp và cao hơn nữa chỉ có một cơ quan pháp luật ở chính quyền đặc khu có quyền trả lời. Chúng ta phải rõ ràng rành mạch thì mô hình đặc khu mới có thể vận hành được.

Luật đã tốt rồi chúng ta lại càng cần những con người có năng lực thực thi tốt. Điều tôi băn khoăn chính là vấn đề nhân sự, chọn ai, cán bộ nào với cơ chế tuyển dụng ra sao để đáp ứng được hiện tại, đảm bảo được thách thức lớn. Nếu càng có nhiều cán bộ giỏi, tâm tốt thì chắc chắn những ý tưởng tốt đẹp của chúng ta sẽ đi vào cuộc sống.

Một bộ máy hoạt động trơn tru cùng nguồn nhân lực tốt chắc chắn là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề cốt lõi của một đặc khu kinh tế là dám chơi và biết chơi. Dám chơi thì Đảng và Nhà nước đã quyết. Theo cá nhân tôi, dù là đã muộn, dù có rủi ro và đầy thách thức nhưng Việt Nam vẫn cần phải tham gia cuộc chơi này. Lý do mà thế giới thay đổi thì Việt Nam càng cần sự đột phá về thể chế, cải cách, mở cửa.

Chúng ta phải mở cửa. Chúng ta thu hút được các nhà đầu tư như Âu - Mỹ, đó là cái cần đánh giá cao. Nhưng những cái cao đấy là cái nền để chúng ta đối chiếu lại một lần nữa với Việt Nam. Nếu chỉ dán mỗi chữ “tự do”, thì tôi nghĩ không cần. Thực chất cái cao ấy chưa đủ vì còn rất nhiều vấn đề liên quan tới tài chính, dịch chuyển con người, hội nhập pháp luật…

Nếu nói về đặc khu có 3 câu hỏi quan trọng nhất cần bàn tới. 

Câu hỏi thứ nhất là tự do dịch chuyển các loại nguồn lực. Mặc dù có sự cạnh tranh khác nhưng về bản chất, Việt Nam có thực sự muốn vượt lên trên theo hướng tự do dịch chuyển nguồn lực hay không. Nếu xét theo hướng này, tôi chưa hài lòng với dự thảo luật. Mặc dù chúng ta không cần phải chuẩn chỉ 100%, sẽ phải sửa đổi trong tương lai. Nhưng đối chiếu với những gì chúng ta đang cần, so với khu  vực và thế giới vẫn đang thiếu rất nhiều.

Thứ hai là về thể chế. Chúng ta cần xác định các tiêu chí cho một thể chế là phải cương quyết minh bạch, giải trình nhanh gọn, đáp ứng thông lệ quốc tế, và bắt kịp công nghệ quốc tế. Nhưng điều tôi muốn hơn đó là bộ máy chính quyền phải là tốt nhất Việt Nam, hiện đại, vận hành hiệu quả nhất và phải gắn với bộ máy của trung ương. Nhưng dự thảo luật đề ra các chính sách vẫn chưa tới.

Nền tảng thứ ba là chính sách ưu đãi dành cho người chơi. Chúng ta quá thiên về thu nhập và lợi nhuận. Giữa cái cần và cái không cần, chúng ta chưa cân bằng được. Với một thông lệ tốt, Việt Nam sẽ là nước đi đầu nếu kết hợp với cách thức triển khai tốt. Và việc triển khai tốt phải gắn liền với tài sản chiến lược tương lai của Việt Nam. Như vậy, nền tảng của luật cần phải đặt ra là dám chơi dám cược, tự do dịch chuyển, thể chế và ưu đãi hỗ trợ. Nhưng tất cả những điều này, luật của chúng ta vẫn chưa tới.

Để mô hình đặc khu kinh tế thành công, chúng ta cần đề cập tới 3 yếu tố đầu tiên. Trước hết phải là quy trình và một môi trường pháp quy minh bạch. Đây là một tiêu chí mà doanh nghiệp luôn hướng tới khi bỏ vốn đầu tư vì nó sẽ ảnh hưởng tới chi phí vận hành doanh nghiệp. Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng của chuỗi giá trị cũng như kết nối với cổng ra của thế giới nhanh chóng, đảm bảo việc xuất nhập khẩu. Thứ ba là các chính sách ưu đãi như miễn thuế địa phương, giảm thuế. Chúng ta cần hướng tới những ưu đãi thông minh.

Điểm kết nối then chốt giữa 3 yếu tố là cần phải thu hút được đầu tư kiến thức và hình thành một ngành năng lực quản lý hiện đại, tiến bộ. Rõ ràng, xét ở Việt Nam, mô hình đặc khu kinh tế đã biến các đặc khu kinh tế tương lai trở thành những phòng thí nghiệm sự thành công của chính sách kinh tế. Hệ quả nghiêm trọng nhất chính là việc tạo ra sự phân mảnh môi trường pháp quy, tạo một sân chơi không bình đẳng về kinh tế giữa các địa phương, tạo ra lợi thế trên một địa phương mà những địa phương khác không có.

Điều quan trọng nhất là sự lầm tưởng cho rằng, càng nhiều ưu đãi sẽ càng thu hút nhà đầu tư. Nhưng thực tế, một số ưu đãi về thuế sẽ bị lạm dụng và điều này sẽ chỉ là điểm tắc cho sự phát triển của các đặc khu.

Để thu hút một nhà đầu tư thì ưu đãi về thuế chỉ là một tiêu chí rất nhỏ trong nhiều ưu đãi khác. Thực tế Việt Nam đã trở thành một nước thu hút vốn đầu tư nước ngooài rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ USD nên ở các đặc khu mới, điều tiên quyết vẫn là cần chọn đúng điểm để thu hút đầu tư.

Các chính sách phải tính đến môi trường quốc tế, vì nếu không chúng ta sẽ bỏ qua những yếu tố có lợi cho tương lai. Trước sự thay đổi của bối cảnh thế giới, đặc khu kinh tế được lập ra trong một nền kinh tế ống. Hiện nay, Việt Nam đã là một nền kinh tế mở nhất thế giới thì cần đòi hòi phải có những công cụ khác để phục vụ cho thị trường mới. Nhà đầu tư sẽ so sánh lợi ích khi rót vốn vào Việt Nam khi chúng ta có sự “đầu tư” đặc biệt khác.

Sự đầu tư này không phải là dạng ưu đãi về thuế. Việt Nam cần phải chuyển dịch theo một bước là tạo lập được tài nguyên chiến lược như về con người. Đây mới chính là yếu tố quyết định với luật Đặc khu sắp ban hành và đồng thời tạo ra môi trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặt quá nhiều chính sách ưu đãi sẽ tạo sự thiếu bền vững ngay từ ban đầu, làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư. Cái cần thiết là cơ sở hạ tầng chất lượng, môi trường kinh doanh hiệu quả. Chúng ta cũng cần quan tâm tới trách nhiệm trong việc phân tích chi phí và lợi ích khi phát triển mô hình đặc khu, cần tính tới phương pháp quản trị hiệu quả.

Cải cách theo bề ngang sẽ tạo điều kiện để đẩy mạnh sự phát triển của một đất nước. Khuyến khích đầu tư theo quy hoạch tổng thể các ngành, tập trung vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ít tiêu thụ năng lượng.

Một chính sách mới cho đặc khu mà chúng ta nên quan tâm và thực hiện là tập trung vào đặc điểm chiến lược (kỹ năng, thể chế và cơ sở hạ tầng), tập trung vào thu hút các nhà đầu tư giá trị cao, phân tích chi phí lợi ích toàn diện ở cấp độ quốc gia để đo lường tác động của luật đối với cả nền kinh tế, có khuôn khổ quản trị và trách nhiệm giải trình mạnh

Chính sách mới nên tránh việc sử dụng quá nhiều sự ưu đãi mà đặc biệt là thuế, tránh tình trạng phân mảnh quản lý./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top