Aa

Chính sách giãn thuế và tiền thuê đất tăng "sức đề kháng" cho doanh nghiệp BĐS

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 10/04/2020 - 15:00

Các doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc ban Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Ánh sáng cuối đường hầm

Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, có 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng. 60% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh khiến thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn và cạn kiệt dòng tiền kinh doanh, 82% cho rằng doanh thu đã bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Việc không có doanh thu, không thể quay vòng vốn, dẫn đến mất thanh khoản kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp đi vào bờ vực phá sản.

Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn, có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là bất động sản với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 1.000 sàn giao dịch bất động sản thì có tới 500 sàn đóng cửa, các sàn còn lại cũng chỉ giao dịch cầm chừng.

Quý I/2020 cũng chưa có dự án nào được động thổ, khởi công, ngoại trừ một số dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội và TP.HCM.

Các doanh nghiệp bất động sản đang chịu tác động kép từ dịch bệnh và việc đình chỉ dự án.

Không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh doanh nghiệp các ngành đang khó khăn, chính các doanh nghiệp bất động sản cũng đang phải hỗ trợ đối tác bằng cách giảm giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê hay thậm chí miễn tiền thuê. Tình cảnh “ngủ đông” này được nhiều chuyên gia đánh giá còn “tồi tệ” hơn các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây.

Trong bối cảnh này, các chính sách tài khóa trong đó có Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được ban hành nhanh chóng, kịp thời là một tin mừng cho các doanh nghiệp nói chung, được ví như “ánh sáng cuối đường hầm” giúp các doanh nghiệp vượt qua những tác động bất lợi của dịch bệnh, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.

Ngày 8/4, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hận nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo đó, đối với thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu), gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày 31/5/2020. 

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, phạm vi đối tượng hỗ trợ lần này có tác động bao trùm, xử lý được cả vấn đề mối liên quan giữa các bộ phận khác nhau trong nền kinh tế. Đây chính là điểm mấu chốt của một chính sách tài khóa được sử dụng đồng bộ để đạt được đa mục tiêu như vừa hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, vừa đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị quốc gia.

“Việc liên tục điều chỉnh mở rộng quy mô, đối tượng hỗ trợ được cơ quan soạn thảo căn cứ trên những đánh giá thực tế về tình hình, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tại từng thời điểm, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn để cộng đồng doanh nghiệp có thêm cơ hội vượt qua những khó khăn, giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, với 98% trong tổng số hàng trăm nghìn doanh nghiệp của Việt Nam được hưởng gói hỗ trợ theo tinh thần Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thì gần như tuyệt đại đa số doanh nghiệp sẽ được hưởng sự hỗ trợ rất tích cực này từ phía Nhà nước. Đây là một tín hiệu rất mừng trong bối cảnh những tác động của dịch bệnh khá toàn diện và tiêu cực đối với nền kinh tế”, ông Ánh cho hay.

Hỗ trợ theo tình hình dịch bệnh

“Nền kinh tế của mình bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng vì dịch bệnh. Tuy bất động sản có độ trễ hơn, nhưng cũng đi vào trầm lắng và khó khăn. Rất hoan nghênh giải pháp hỗ trợ của Chính phủ trong việc cho giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế và tiền thuê đất”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chia sẻ với Reatimes.

Tuy nhiên, theo ông Đực, Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3 của dịch, chưa khẳng định được khi nào dịch mới đi qua và kinh tế mới phục hồi được. Sinh mạng của nền kinh tế, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang nằm trong giai đoạn 3, giai đoạn 4 này. Do vậy, còn quá sớm để nói rằng khi nào hết dịch nên việc giãn thuế theo tinh thần Nghị định 41 chỉ có tác động tạm thời trong ngắn hạn.  Theo đó, nếu dịch kéo dài qua tháng 6 thì doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ.

“Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, được gia hạn thêm tháng nào thì mừng tháng đó thôi. Không thế khẳng định là 5 tháng hay 8 tháng hay 10 tháng mới là tốt vì chưa biết tình hình dịch bệnh sẽ như thế nào.

Nếu đang ở đỉnh dịch và đi xuống thì nền kinh tế sau 3 - 4 tháng nữa sẽ ổn định lại dần thì việc giãn thuế và tiền thuê đất 5 tháng là đủ. Nhưng nếu giai đoạn 3 của dịch bệnh kéo dài hơn và còn kéo sang giai đoạn 4 nữa thì 5 tháng là không đủ”, ông Đực nói thêm.

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ dựa trên thực tiễn tác động của dịch bệnh. 

Chia sẻ với Reatimes, ông Trần Đình Quý, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Tây Nha Trang cũng đánh giá, thị trường bất động sản đang chịu khó khăn kép do dịch bệnh và việc các dự án bị đình trệ lâu dài trong do quá tình thanh, kiểm tra. 

Do vậy, ông Quý cho rằng, về trước mắt, người dân, doanh nghiệp rất hoan nghênh và ghi nhận động thái tích cực này của Nghị định 41. 

"Nghị định 41 được ban hành giống như một ánh nắng chiếu vào thị trường vốn đang xám xịt, góp phần tăng “sức đề kháng” và tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Khi được gia hạn thời gian nộp các loại thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp sẽ không phải lo ngay quỹ tiền mặt vốn đang khó khăn trong thời điểm này. Điều này hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn, giúp doanh nghiệp có thể cầm cự , chờ dịch bệnh đi qua”, vị này nói. 

Tuy nhiên, ông Quý cũng cho rằng, trước mắt việc giãn thời hạn nộp thuế và tiền sử dụng đất 5 tháng đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên cần căn cứ vào những diễn biến tiếp theo để có sự lồng ghép, hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp.

“Nghị định 41 thể hiện sự phản ứng rất nhanh của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thông thường một Nghị định khi ban hành, bên dưới Nghị định sẽ có một thông tư hướng dẫn thi hành. Nhưng Nghị định này đã được xây dựng một cách chi tiết, cụ thể để có thể triển khai ngay vào trong thực tiễn. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài trên 6 tháng, gia hạn nộp thuế theo Nghị định này sẽ không có tác dụng nhiều trong thời điểm dài hạn”, ông Quý nói thêm.

Đánh giá về mức hỗ trợ của ngành thuế khi Nghị định 41 còn là dự thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng Bộ Tài chính cho doanh nghiệp chậm nộp thuế 5 tháng là “rất quý”, nhưng đề nghị nếu tăng thêm thời gian giãn thuế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chủ tịch BRG đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Trước đó, ngày trong băn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đề xuất xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của dịch Covid-19, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề xuất xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, UBND TP.HCM cũng đã có kiến nghị lên Chính phủ, đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.

Tuy nhiên, chính sách giãn thuế chỉ là một phần, theo các doanh nghiệp, về lâu dài cần có giải pháp tăng sức cầu của thị trường trở lại, đồng thời trong giai đoạn này, nên khơi thông các dự án đang bị tắc nghẽn do quá trình thanh tra, kiểm tra trong năm qua.

“Dự án nào nào đã thanh tra xong, xử lý xong thì nên khơi thông, cho doanh nghiệp tái khởi động lại, để tạo nguồn cung cho thị trường, doanh nghiệp có thể tái tạo nguồn vốn. Nhiều dự án bị đình trệ kéo dài rất khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trần Đình Quý, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Tây Nha Trang nói thêm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top