Aa

Chính sách nhà ở xã hội “đang bị bóp méo và trục lợi”

Thứ Ba, 15/11/2016 - 20:51

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương, chính sách nhà ở xã hội trên thực tế “đang bị bóp méo và trục lợi”…

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, chính sách nhà ở xã hội trên thực tế “đang bị bóp méo và trục lợi”…

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, chính sách nhà ở xã hội trên thực tế “đang bị bóp méo và trục lợi”…

Trong chất vấn gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu vấn đề: Nhà ở xã hội là chính sách tốt đẹp của Nhà nước dành cho người thu nhập thấp. Đi liền với chính sách đó, Chính phủ đã phải dành một phần ngân sách không nhỏ để thực hiện chính sách này. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách này đang bị bóp méo để trục lợi, mà nguyên nhân là do buông lỏng quản lý nhà nước.

Ông Cương dẫn chứng một số căn hộ thuộc nhà ở xã hội như tòa nhà Bắc Hà Lucky Building (30 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị đập thông nhau thành những phòng có diện tích lớn hơn 100m2, sai với thiết kế ban đầu.

Ông Cương chất vấn Bộ trưởng: "Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ có nắm được thông tin này không? Quan điểm của Bộ khi chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi?

Cạnh đó, một trong những ưu đãi với người mua nhà ở xã hội là gói vay 30.000 tỉ đồng nhưng những đối tượng được vay lại làm sai mục đích ban đầu, như vậy xử lý thế nào? Có phải bồi hoàn hay trả lãi theo lãi suất vay thương mại hay không?". 

Với dự án cụ thể dẫn chứng ở trên, ông Cương cho biết sau khi nghe báo chí phản ánh, Sở Xây dựng đã thanh tra từ ngày 22-9, tuy nhiên sau hơn một tháng, Sở vẫn chưa thông báo kết quả, không trả lời báo chí. Trách nhiệm của Sở Xây dựng TP Hà Nội và việc xử lý trách nhiệm được xác định như thế nào trong vụ việc này?

Ngày 7/11, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã có văn bản trả lời ông Cương. Nội dung cho biết: 

Bộ Xây dựng đã nắm được thông tin về tòa nhà Lucky Building và đề nghị Sở Xây dựng TP Hà Nội kiểm tra làm rõ và thực hiện việc xử lý những sai phạm (nếu có) hoặc báo cáo UBND TP để xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Bộ trưởng.

Đến nay, Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo chính thức của Sở Xây dựng TP Hà Nội về việc này. Theo báo cáo sơ bộ của Thanh tra Sở Xây dựng thì tại một số tầng của tòa nhà có một số căn hộ ghép căn, tuy nhiên, theo đơn trình bày và hồ sơ tài liệu của các chủ sở hữu căn hộ cung cấp thì các căn hộ ghép này đều có quan hệ trong gia đình (bố-con, anh-chị-em) và các hộ cho rằng việc ghép căn để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình, các hộ vẫn sử dụng điện nước riêng, hộ khẩu thường trú đúng với địa chỉ của căn hộ mua mà không phải để cho thuê hay mua đi bán lại.

“Việc đục thông tường giữa các căn hộ mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng. Hiện Sở Xây dựng đang chỉ đạo đơn vị chức năng xem xét, xử lý các hành vi đục thông nhau giữa hai căn hộ sai với thiết kế ban đầu, kiểm tra, rà soát lại các đối tượng được mua nhà ở xã hội tại dự án này để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết” - văn bản trả lời của Bộ Xây dựng cho biết.

Theo quy định tại Điều 3 và điểm c khoản 3 Điều 55 Nghị định số 121/2-13/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản...), hành vi tự ý đục phá, cải tạo, tháo dỡ kết cấu của phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng của nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với tổ chức, từ 25 đến 30 triệu đồng đối với cá nhân.

Trường hợp kê khai không đúng đối tượng và điều kiện để được mua nhà ở xã hội thì hợp đồng mua bán nhà ở xã hội không có giá trị pháp lý, bên mua nhà ở xã hội phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội, trường hợp không bàn giao thì UBND TP Hà Nội có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.

Trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đúng điều kiện theo quy định thì bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.

Đối với hành vi vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội sai mục đích sẽ bị thu hồi lại số tiền đã giải ngân.

“Việc Sở Xây dựng TP Hà Nội chậm xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở (nếu có) thì UBND TP Hà Nội cần yêu cầu làm rõ trách nhiệm để xử lý”.

“Quan điểm của Bộ Xây dựng là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách về nhà ở xã hội nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật” - văn bản trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ./.

Cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng.

Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 58 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 29.700 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.240 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 110 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 70.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 38.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết, đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ việc bố trí nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 10/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top