Aa

Chính sách tài khóa đã tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó

Chủ Nhật, 15/10/2023 - 06:20

TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội giống như liều thuốc “hà hơi tiếp sức” cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn sau Covid-19.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing, đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Nhìn lại gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, ông có bình luận gì về kết quả của việc thực hiện nghị quyết này của Việt Nam sau đại dịch Covid-19?

TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing.

TS. Nguyễn Văn Hiến: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội có thể thấy, chính sách này được thực hiện đúng thời điểm và đã phát huy được tác dụng, đem lại kết quả rất tốt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân trong suốt 2 năm vừa qua.

Biểu hiện cụ thể là trong năm 2022 khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19, cùng với tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế trên 8%, trong khi cả thế giới gần như suy thoái.

Đến năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, độ trễ tác động của những khó khăn trong năm 2022 kéo dài đến năm 2023 tác động lên kinh tế Việt Nam, cộng với những khó khăn mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tổng cầu thế giới giảm sút, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều bị thu hẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh chung cũng như những diễn biến của kinh tế Việt Nam, có thể thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam khá thấp chỉ 3,8% nhưng sang quý II đã tăng trưởng trên 4% và quý III tốc độ tăng trưởng đã đạt trên 5,3%.
Những con số trên cho thấy kinh tế Việt Nam đã dần dần vượt qua được những khó khăn của năm 2022-2023 và bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng trở lại. Có nhiều lý do nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ đã kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khắc phục những khó khăn sau đại dịch và phục hồi được kinh tế.

"Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có sự phối hợp rất nhịp nhàng và hiệu quả giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Các biện pháp như khoanh nợ, giãn nợ, hoặc giảm lãi suất của chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa giúp giảm nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với Nhà nước, trong lúc các doanh nghiệp đang khó khăn đã hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế". TS. Nguyễn Văn Hiến.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của các chính sách tài khóa trong quá trình phục hồi này? Theo ông, đâu là điểm nhấn đáng lưu ý?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành rất nhiều những chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ví dụ như: các chính sách về miễn giảm thuế, giảm phí, miễn một số loại phí đối với các doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với hầu hết các nhóm mặt hàng.

Những chính sách tài khóa này giống như liều thuốc “hà hơi tiếp sức” cho doanh nghiệp. Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngưng hoạt động, rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Vì vậy, chính sách này giống như một “liều thuốc” vực dậy các doanh nghiệp tránh khỏi tình trạng đóng cửa hàng loạt.

Điểm nhấn của chính sách tài khóa trong 2 năm vừa qua là chính sách này được thực hiện rất linh hoạt, chủ động để ứng phó với các tác động cả trong và ngoài nước. Sự chủ động và linh hoạt này rất quan trọng.

Ví dụ như khi tình hình giá nhiên liệu, xăng dầu thế giới tăng cao thì dùng các biện pháp tài khóa để khống chế giá xăng dầu như miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, dùng quỹ bình ổn giá để ổn định mặt bằng giá trong nước. Khi giá thế giới xuống thì dần điều chỉnh cho thị trường trong nước hòa nhập với thị trường quốc tế. Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo duy trì được nguồn thu ngân sách nhưng cũng đồng thời hỗ trợ được cho mặt bằng giá và kiểm chế được lạm phát.

PV: Từ thực tiễn triển khai gói chính sách này 2 năm qua, ông thấy đâu là những bài học kinh nghiệm cần rút ra trong việc ban hành và triển khai các chính sách thời gian tới?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Việc thực hiện Nghị quyết 43 để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó nổi lên 3 bài học lớn.

Một là, chủ động ứng phó với các tác động xấu từ thị trường trong nước cũng như quốc tế, dự báo tốt tình hình để chủ động đưa ra các kịch bản, chủ động đối phó tránh việc bị động. Chính vì chủ động và đưa ra được các kịch bản từ trước nên khi diễn biến bất thường, chúng ta đã có sẵn kịch bản để đối phó, không rơi vào thế bị động.

Bài học thứ 2 là cần có sự linh hoạt trong từng thời điểm, phối hợp nhịp nhàng giữa 2 chính sách tài khóa và tiền tệ để cùng lúc thực hiện được 2 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát nhưng phải hỗ trợ phát triển sản xuất và ổn định đời sống của người dân, nhất là người lao động. Tùy từng giai đoạn khác nhau mà ưu tiên đặt mục tiêu nào cao hơn, không để “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” triệt tiêu tác động của các chính sách.

Bài học thứ 3 cũng rất quan trọng là công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách thông suốt từ nhà nước đến doanh nghiệp và người dân để cùng đồng hành, cùng chia sẻ, cùng chung sức để vượt qua khó khăn. Nếu ban hành chính sách tốt nhưng không có sự thông suốt sẽ dễ xảy ra tình trạng thực hiện bị ách tắc hoặc chậm dẫn tới giảm tác dụng rất lớn của chính sách đưa ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top