Aa

Mở rộng không gian chính sách tài khóa

Thứ Bảy, 23/09/2023 - 14:00

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, cần nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công.

Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Duy trì chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả.

Trong nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025, có thể nói Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã ban hành hồi đầu năm ngoái chính là điểm nhấn quan trọng. Thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển, gói hỗ trợ về tài khóa đóng vai trò then chốt. Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Chưa bao giờ, số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế lớn như những năm nay.

Dư luận đánh giá cao những quyết sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về việc duy trì một chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, coi doanh nghiệp làm trung tâm sẽ đảm bảo sự thành công vì nó mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

Nhắc đến những chính sách nổi trội, phải kể đến việc Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn, giảm là 79 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.

Hàng loạt những giải pháp về miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã cho thấy Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Chính sách tài khóa không chỉ giúp giảm áp lực lạm phát, mà còn giúp chính sách kích cầu của Chính phủ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ?

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong điều hành, Bộ Tài chính sẽ bám sát Nghị quyết 13 của Đảng, lãnh đạo ngành Tài chính quốc gia phục vụ phát triển ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi tiên phong và đóng góp tối đa các mục tiêu triển khai phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thời gian tới, tiếp tục điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước theo hướng tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế chính sách tài chính - ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài chính sách tiền tệ đang nới lỏng trở lại hay chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc miễn, giảm các loại thuế, phí, theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp quan trọng hơn và có sức lan tỏa nhanh hơn, đó chính là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các dự án lớn, có sức lan tỏa.

Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, bên cạnh đầu tư công, các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại cũng là cách hỗ trợ tổng cầu. Nợ vẫn ở mức bền vững và Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để sử dụng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho tổng cầu.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cho rằng, cần tiếp tục mở rộng không gian cho chính sách tài khóa. Lúc này cần sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Tài khóa nghịch chu kỳ là khi kinh tế suy giảm thì Chính phủ phải chi nhiều hơn, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn nhưng cũng lại phải giảm thuế để giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh và người dân.

“Chúng ta đang có dư địa vì ngân sách vẫn đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Nợ công giảm và ổn định. Đồng thời, có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho hay.

Trong bối cảnh đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa để kích thích tiêu dùng được các chuyên gia đánh giá cao. Việc thực hiện giải pháp kích thích tiêu dùng qua trợ cấp an sinh này đạt được cả 2 mục tiêu: an sinh xã hội và kích cầu. Bên cạnh các giải pháp về chính sách tài khóa, một trong những điểm mấu chốt thúc đẩy tăng trưởng đó là tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công.

Tuy nhiên, phải tránh dàn trải, cần tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, liên vùng và có sức lan tỏa cao. Đây là những chính sách vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn lại tạo cung dài và hạn chế tác động phụ. Bên cạnh đó, để kích thích tổng cầu cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vốn vay.

 

Thúc đẩy tăng trưởng phải gắn với hiệu quả đầu tư công

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, việc thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là thực sự cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ. Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện chính sách theo hướng khơi thông các nguồn lực của nền kinh tế; phân bổ và sử dụng có hiệu quả, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế; đảm bảo nguồn thu bền vững, đáp ứng các nhiệm vụ chi của Nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội…

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đối với chính sách tài khóa, nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ công.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua cải thiện quy trình thủ tục, xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện và chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng vào các khu vực tăng trưởng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top