Trả lời PV, GS. TS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam khẳng định, các biện pháp chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian qua tại Việt Nam?
GS. TS. Andreas Stoffers: Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu, vì vậy không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế và chính trị toàn cầu. Sau sự phục hồi nhẹ của kinh tế toàn cầu trong năm qua, sự bùng nổ xung đột ở vùng Trung cận Đông đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với sự ổn định của thị trường toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức với chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam. Trong 10 tháng qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các điểm nghẽn trên thị trường. Tôi ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế tích cực liên tục thông qua các công cụ chính sách tài khóa.
Có thể kể đến như: Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm 30% tiền thuê đất vào năm 2023. Điều này chắc chắn sẽ giúp ích trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tốt hơn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Tôi hoan nghênh đề xuất của Chính phủ với Quốc hội về việc gia hạn mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến hết tháng 6/2024. Cùng với đó, việc tiếp tục giảm 50% thuế môi trường đối với xăng, dầu... vào năm 2024 cũng cần được xem xét theo Nghị quyết số 30/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cắt giảm thuế giúp thúc đẩy tiêu dùng và cuối cùng mang lại lợi ích cho các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giám sát để đảm bảo rằng việc cắt giảm thuế phải được chuyển sang người tiêu dùng chứ không chỉ lấp đầy túi tiền của các công ty bán lẻ.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 993/ CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng nhằm ngăn chặn sự hình thành bong bóng bất động sản. Nên tăng cường sử dụng các đơn vị xếp hạng độc lập nhằm đánh giá và quản trị rủi ro tốt hơn…
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò, hiệu quả của chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, coi doanh nghiệp làm trung tâm đối với sự phục hồi kinh tế Việt Nam thời gian qua?
Chính sách tài khóa hỗ trợ hiệu quả nền kinh tế
Theo GS. TS Andreas Stoffers, Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, khác với nhiều quốc gia khác. Các chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp đồng bộ sẽ đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả.
GS. TS. Andreas Stoffers: Dựa vào những ví dụ tôi đưa ra ở trên, có thể nói rằng các chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng. Một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ổn định như Việt Nam có thể thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hơn nếu chính sách này đi đôi với tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các khoản nợ quốc gia của nhiều nước phương Tây sẽ là một lời cảnh báo không nên đi vào con đường nợ nần không thể quản lý được. Nợ quốc gia quá mức luôn dẫn đến lạm phát và do đó mất giá tiền hoặc phá sản. Hiện nay tôi không thấy mối nguy hiểm này ở Việt Nam. Tỷ lệ nợ công đang ở mức an toàn.
PV: Theo ông, Việt Nam cần những lưu ý gì trong công tác điều hành chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng?
GS. TS. Andreas Stoffers: Khi năm 2023 sắp kết thúc, điều quan trọng là nhìn lại và phân tích tác động của các biện pháp trong 10 tháng qua, đâu là điểm cần cải thiện và lĩnh vực nào có thể tiếp tục chính sách tài khóa hiện tại. Một mục tiêu quan trọng là tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao về chất và lượng trong nền kinh tế. Thúc đẩy phía cung là biện pháp đặc biệt quan trọng, vì chỉ những doanh nghiệp mạnh mới có thể tạo việc làm, duy trì việc làm và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Cắt giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hỗ trợ các sáng kiến hợp lý là chìa khóa thành công. Bên cạnh những dự án lớn được thảo luận nhiều trên các phương tiện truyền thông và công chúng, chẳng hạn như giảm thuế GTGT, thì còn nhiều sáng kiến nhỏ như thúc đẩy ý tưởng OCOP cũng rất hữu ích trong trung và dài hạn. Tóm lại, chính sách tài khóa và tiền tệ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay.
Việc tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam có thể được Chính phủ hỗ trợ bằng cách đẩy nhanh cải cách thể chế, hiện đại hóa luật pháp và khuôn khổ pháp lý, điều phối chính sách và quan trọng nhất là khắc phục tình trạng tê liệt và yếu kém trong quá trình ra quyết định hiện đang tồn tại ở một số lĩnh vực hành chính.
Cùng đóng góp vào sức mạnh của đất nước sẽ là sự gia tăng tính bền vững, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, số hóa mạnh mẽ các quy trình hành chính và bảo vệ môi trường. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc tăng cường đầu tư công, đồng thời giảm bớt các cơ cấu kém hiệu quả, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước.
Điều này cũng bao gồm việc đẩy nhanh giải ngân cho đầu tư công. Để kích thích đầu tư, lãi suất có thể được hạ thấp hơn nữa một cách thận trọng, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh lại khi nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Cuối cùng, các biện pháp kích cầu cũng cần được quan tâm hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng
Bình luận về những triển vọng của kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm cũng như trong trung hạn, GS. TS Andreas Stoffers khẳng định, trước những con số đầy hứa hẹn trong 10 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Ở đây, những nỗ lực về chính sách tài khóa của Việt Nam nhằm khôi phục thị trường và đảm bảo cân bằng kinh tế vĩ mô đang đóng một vai trò quan trọng. Đến cuối năm, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam sẽ hoạt động trở lại tốt hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 5%/năm trong năm 2023 và hơn thế nữa. Ngoài đầu tư trực tiếp nước ngoài, điều cần thiết hơn hết là tăng cường đầu tư công và tiêu dùng tư nhân.
Các tác động ngoại sinh có thể kể đến như: cuộc khủng hoảng ở vùng Trung cận Đông; cuộc xung đột Ukraine chưa được giải quyết; những khó khăn ở một số nước đối tác của Việt Nam, trong đó có EU nói riêng, càng trở nên trầm trọng hơn do những xung đột nêu trên; sự phục hồi chậm ở nhiều thị trường khác nhau; nguy cơ lạm phát tăng trở lại trên toàn thế giới do chính sách nợ tiếp tục được duy trì và nguồn cung tiền mở rộng; "bóng ma" lạm phát toàn cầu chưa thể biến mất trong ngắn hạn. Tất cả những điều này đều có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Để vượt qua mọi cuộc khủng hoảng trong tương lai và “sống sót” thành công vào năm 2023, nền kinh tế Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi của chính mình. Cam kết của Việt Nam về thương mại tự do, sự hội nhập vững chắc của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và chính sách kinh tế thị trường, kết hợp với sự ổn định xã hội, tạo điều kiện tiên quyết cơ bản cho sự phát triển kinh tế tích cực hơn nữa trong trung và dài hạn. Trong thời gian tới cũng cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục và nguồn nhân lực.