"Siêu cường châu Á" Trung Quốc vừa hoàn thành dự án đường hầm dưới nước Hoàng Cương Tế Nam tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Đây là một công trình minh chứng cho những tiến bộ công nghệ vượt bậc của ngành xây dựng nước này. Đường hầm không chỉ đối mặt với hàng loạt thách thức địa hình, kỹ thuật mà còn lập kỷ lục thế giới về độ dài và thời gian xây dựng nhanh chóng.
Đường hầm Hoàng Cương Tế Nam băng qua sông Hoàng Hà (con sông dài thứ hai ở Trung Quốc) với thiết kế hai cấp độ, mỗi hướng có 6 làn xe, vận tốc giới hạn 60km/giờ. Với đường kính lên tới 17,5m, công trình này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết nối giữa thành phố Tế Nam và các khu vực khác, giúp thúc đẩy thương mại và công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực kinh tế mới nổi.
Dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025, đường hầm sẽ giúp Tế Nam trở thành trung tâm phát triển kinh tế của miền Đông Trung Quốc nhờ khả năng kết nối vượt trội.
Xây dựng đường hầm dưới nước là một trong những nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt khi phải đối mặt với áp lực nước lớn từ sông Hoàng Hà. Để xử lý áp lực nước lên tới 7,5 bar, đội ngũ kỹ sư sử dụng máy khoan "Shanhe" tiên tiến, được phát triển bởi Herrenknecht, tích hợp hệ thống cân bằng áp suất đệm khí tự động. Công nghệ này giúp đảm bảo sự ổn định của đường hầm, ngăn chặn nguy cơ sụp đổ hoặc ngập lụt.
Các kỹ sư còn triển khai hệ thống xả nước để giảm thiểu sự cố kẹt bánh xe cắt, cùng với camera giám sát dụng cụ cắt và tường hầm. Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và quy trình kiểm soát chặt chẽ đã giúp giảm thiểu nguy cơ khi thi công dưới áp lực cao, đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động.
Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của dự án là tốc độ xây dựng đoạn đường hầm dưới nước chỉ trong 110 ngày, lập kỷ lục thế giới. Máy khoan "Shanhe" với hiệu suất vượt trội đã đạt tốc độ đào từ 16-18m mỗi ngày, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện công trình.
Dự án đường hầm Hoàng Cương Tế Nam không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn tạo ra động lực kinh tế lớn. Việc huy động nguồn lực đáng kể, thu hút nhiều công ty và lao động tham gia, đã tạo thêm việc làm và kích thích tăng trưởng địa phương. Ngoài ra, khả năng kết nối mà đường hầm mang lại có tiềm năng thu hút thêm đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trong khu vực.
Từ góc độ công nghệ, dự án này khẳng định khả năng của Trung Quốc trong thiết kế và sản xuất các thiết bị xây dựng tiên tiến, đồng thời nâng cao uy tín quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng.