Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch điều chỉnh, Gia Bình là cảng hàng không quốc tế kết hợp giữa mục đích dân dụng và nhiệm vụ an ninh - quốc phòng.

Bối cảnh sân bay Gia Bình. Nguồn ảnh: Internet
Trong giai đoạn 2021-2030, cảng hàng không này được xếp cấp 4E theo tiêu chuẩn Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) với công suất thiết kế khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Các loại tàu bay được khai thác bao gồm B777, B787, A350, A321 cùng với các tàu bay chuyên cơ và chuyên dụng khác.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế Gia Bình tiếp tục duy trì cấp sân bay 4E nhưng nâng công suất lên khoảng 15 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp tục khai thác các dòng tàu bay như hiện tại.
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các thành viên Hội đồng thẩm định đã thống nhất thông qua phương án điều chỉnh quy hoạch với mục tiêu chia sẻ lưu lượng, giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - sân bay lớn nhất khu vực miền Bắc hiện nay.
Theo phương án điều chỉnh, đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình được quy hoạch với công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay này sẽ có thể phục vụ khoảng 15 triệu hành khách/năm và khoảng 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 408,5ha. Mức đầu tư cho giai đoạn đến năm 2030 khoảng 25.614 tỷ đồng; giai đoạn tiếp theo đến năm 2050 cần thêm khoảng 12.083 tỷ đồng.