Người xưa quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm qua. Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, trong mâm cúng của người Việt không thể thiếu cá chép.
Chợ cá Yên Sở trước ngày cúng ông Công ông Táo vắng vẻ hơn so với mọi năm
Mọi năm, cứ đến Tết ông Công ông Táo, chợ cá lớn nhất miền Bắc tại làng Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) lại tấp nập bởi các tiểu thương và người dân tìm tới mua cá chép đỏ. Ghi nhận của PV Reatimes, năm nay không khí tại chợ cá đầu mối có phần trầm lắng hơn.
Cá chép đỏ được nhập chủ yếu từ Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định
Từ 2/2 (tức ngày 21 tháng Chạp) nhiều xe tải lớn đã chở cá về phục vụ người dân. Phần lớn cá chép đỏ ở đây được mua từ các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… Phiên chợ đông đúc nhất là đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng Chạp - Ngày cúng Táo quân chầu trời.
Một tiểu thương cho biết: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt cùng với một số nơi ở Hải Dương bị phong toả do dịch Covid-19 khiến cho không thể vận chuyển cá lên Thủ đô để tiêu thụ được nên thị trường cá có phần khan hiếm”.
Cá chép đỏ được người mua ưa chuộng hơn cả
Bà Toán, một tiểu thương buôn bán cá ở chợ cá làng Sở Thượng cho biết: “Năm cao điểm bán được 5 - 6 tấn cá chép đỏ. Tuy nhiên, năm nay cá chép không nhiều nên tôi đoán chỉ bán được khoảng 2 - 3 tấn”.
Để bán ra thị trường đúng dịp 23 tháng Chạp, cá chép đỏ được người dân gây giống, chăm sóc bắt đầu từ khoảng tháng 6. Tiêu chuẩn của một con cá đẹp là mình đỏ đẹp, mắt đen và có bụng mỡ...
Mỗi thùng có thể chứa hàng trăm con cá chép đỏ
Cá sau khi được bắt từ ao lên sẽ cho vào bể tạm, sục oxy để tạo điều kiện tốt nhất cho cá sinh sống. So với cá chép vàng thì cá chép đỏ được nhiều người lựa chọn hơn bởi cá khỏe, màu sắc tươi tắn. Những ngày cận lễ, người dân bắt đầu bán, số lượng bán ra hiện tại có thể lên tới vài tạ một ngày.
Trong mùa dịch Covid-19, khẩu trang là vật dụng không thể thiếu của các tiểu thương và người dân mua bán tại chợ.