PV: Ông đánh giá như thế nào về việc hiện nay, nhiều “ông lớn” trong ngành BĐS bắt đầu chuyển hướng đầu tư, quan tâm hơn đến phân khúc nhà ở giá rẻ cho đại bộ phận người tiêu dùng có thu nhập thấp?
Ông Phan Hữu Thắng: Sự thanh lọc sau thời kỳ khủng hoảng những năm trước đã để lại cho thị trường phần lớn là những doanh nghiệp đủ mạnh, chuyên nghiệp, có tầm nhìn và biết tính đến nhu cầu của thị trường, đến cộng đồng.
Để phát triển bền vững, hiệu quả trong tương lai, các doanh nghiệp này phải nắm bắt được xu thế của thị trường trong từng giai đoạn phát triển, phải cùng Nhà nước chung tay phát triển nền kinh tế nói chung bền vững, hiệu quả. Trong đó lĩnh vực BĐS có một vai trò đặc biệt quan trọng vì gắn trực tiếp đến đời sống, nhu cầu ở của đại bộ phận dân chúng từ các thành phố lớn, đến các địa phương khác trong cả nước.
Biểu hiện ở chỗ, các doanh nghiệp này bên cạnh việc tiếp tục cung cấp các sản phẩm BĐS cao cấp, trung cấp cho các tầng lớp trung lưu đang phát triển theo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, họ đã không bỏ qua việc cung cấp các sản phẩm giá rẻ cho một thị trường với hàng chục triệu người dân có thu nhập thấp. Đây là chiến lược không thể thiếu trong định hướng phát triển sản phẩm của họ, đồng thời tạo chỗ đứng cho doanh nghiệp trong lòng xã hội khi tích cực hưởng ứng chiến lược phát triển nhà ở xã hội cho toàn dân của Nhà nước.
PV: Để phát triển dạng căn hộ giá rẻ, chủ đầu tư phải có lợi thế nhất định về quỹ đất, có tầm nhìn dài hạn và chấp nhận biên độ lợi nhuận thấp để chia sẻ với khách hàng hạn chế về tài chính. Theo ông, liệu các doanh nghiệp có vượt qua được những trở ngại này để đầu tư dài hạn đối với phân khúc nhà ở giá rẻ, hay đây chỉ là giải pháp tạm thời khi phân khúc cao cấp đang được cho là "bão hòa"?
Ông Phan Hữu Thắng: Từ góc độ nghiên cứu của mình, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư thực hiện chương trình nhà ở xã hội sẽ không bị thất bại khi đầu tư vào lĩnh vực này, bởi họ có quá đủ kinh nghiệm để thực hiện các dự án loại đó trong chiến lược chung về đầu tư – kinh doanh BĐS.
Doanh nghiệp sẽ biết tận dụng những ưu đãi mà Nhà nước dành cho các dự án loại này... và bên cạnh họ, các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Xây dựng cũng đã và đang kiến nghị việc hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính, về tín dụng, về thuế... liên quan đến nhà ở xã hội, để hỗ trợ cho việc đầu tư của các doanh nghiệp vào nhà ở xã hội.
PV: Vậy thì, trong cuộc đua làm nhà giá rẻ, doanh nghiệp sẽ phải có sự đổi mới như thế nào so với trước đây để khách hàng có thể yên tâm “rẻ vẫn chất”?
Ông Phan Hữu Thắng: Trước hết nhà đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội phải có tâm – làm nhà đúng với giá trị bán ra của nó, cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý giám sát các thủ tục hành chính của mình, thực hiện đúng các ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, để đồng tiền đầu tư cho loại hình này không bị “rơi vãi” dọc đường... Lúc đó khách hàng sẽ được yến tâm là “rẻ mà vẫn chất” – nét đặc trưng của một xã hội đầy tính nhân văn, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, một xã hội văn minh, hiện đại mà cả cộng đồng đang hướng tới.
Xin cảm ơn ông!