Nói về “bánh vẽ” dự án bất động sản trong giai đoạn 2001 - 2004, ông Vũ Anh Cường và cộng sự đã lập ra hàng loạt công ty để làm môi giới, kinh doanh bất động sản, như: Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ Kinh doanh Đất Lành do ông Vũ Anh Cường làm Giám đốc – người đại diện pháp luật, Công ty TNHH Đất Lành (nay là Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành), Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21… Các công ty này nhanh chóng thâu tóm, liên kết kinh doanh dự án nhà ở tiềm năng tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Năm 2003, bằng con đường hợp tác kinh doanh với Công ty CP Xây dựng số 14 làm dự án tiểu khu 12A (thuộc Khu nhà ở Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM), Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành do ông Vũ Anh Cường làm Tổng giám đốc được kinh doanh dự án. Tuy nhiên, khi chưa đủ điều kiện kinh doanh, công ty này đã nhanh chóng huy động vốn từ người mua đất “trên giấy”. Nhưng sau đó, không bàn giao đất như cam kết, cũng không trả lại tiền khiến khách hàng bức xúc, tố cáo ông Vũ Anh Cường và Đất Lành lừa đảo chiếm dụng vốn…
Đầu năm 2010, nhóm ông Vũ Anh Cường tiếp tục thành lập Công ty TNHH thế kỷ 21 Bình Trưng Tây để triển khai làm dự án Khu nhà ở Bình Trưng Tây (quận 2, TP.HCM) với diện tích 14,59ha.
Thời điểm đó, công ty này được tạm giao đất để giải phóng mặt bằng, làm dự án. Nhưng cũng với “bài cũ soạn lại”, chủ dự án lại tiếp tục huy động vốn từ nhiều người dưới dạng hợp đồng góp vốn, bán đất dù chưa có hạ tầng cơ sở, bất chấp quy định pháp luật.
Vụ việc này đã gây lùm xùm suốt thời gian dài khi hàng trăm khách hàng phản ánh bị lừa mua đất trên giấy, không được giao đất hay trả lại tiền. Một dự án đình đám nhất phải kể đến là khu tổ hợp nhà ở, chung cư tại số 26 đường Mai Chí Thọ (khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM) do Công ty CP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (trước là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21) làm chủ đầu tư. Đây chính là một công ty do ông Vũ Anh Cường sáng lập từ năm 2002, nằm trong hệ sinh thái hàng chục công ty “họ Đất Lành” của vị đại gia địa ốc nổi tiếng này.
Khu đất dự án có diện tích 30ha, nằm trong quy hoạch khu nhà ở tái định cư rộng 160ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là quỹ đất đẹp hiếm có ở trung tâm Thủ Thiêm mà nhiều doanh nghiệp bất động sản mơ ước, không đặt chân vào được.
Vì sao quỹ đất tái định cư này lại được giao cho doanh nghiệp của ông Vũ Anh Cường thực hiện và giá trị khu đất được định giá bao nhiêu, tại sao không bán đấu giá… đến giờ vẫn là điều khó hiểu?
Thông tin hiếm hoi được tiết lộ là từ năm 2007 - 2009, UBND TP.HCM chỉ đạo cắt hơn 30,1ha đất tái định cư trong quỹ đất 90ha tái định cư Nam Rạch Chiếc ở Thủ Thiêm để hoán đổi lấy 30,2ha đất ở vị trí khác của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21. Thông qua đó, doanh nghiệp đã nghiễm nhiên sở hữu khu đất ở vị trí “kim cương” tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó, chủ dự án đuối năng lực tài chính này đã vội vã sang tay cả doanh nghiệp cùng với dự án dở dang cho Novaland với giá hơn 5.500 tỉ đồng.
Ngân hàng có “buông lỏng” cho vay? Khi tìm hiểu về nhóm công ty “họ Đất Lành”, điều ngạc nhiên là những khu đất rộng lớn, có vị trí đắc địa nằm trong các khu đô thị lớn ở TP.HCM đều được giao cho nhóm doanh nghiệp có liên quan đến ông Vũ Anh Cường thực hiện.
Sau nhiều năm “ôm” dự án, doanh nghiệp đều triển khai dự án ì ạch, dở dang, có dự án “treo” hàng chục năm không hẹn ngày về đích. Thậm chí, dự án tiểu khu 12A Bình Trưng Đông đã bị thu hồi vào năm 2014 do không hoàn thành giải phóng mặt bằng sau 13 năm nhận đất.
Liên tục dính lùm xùm tố cáo bán đất trên giấy, dự án “đắp chiếu”, tài chính đuối sức nhưng nhóm doanh nghiệp của ông Vũ Anh Cường vẫn không ngừng mở rộng dự án, có hoạt động quảng bá rầm rộ để huy động vốn vay.
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 khi triển khai dự án nhà ở tại Thủ Thiêm đã được ngân hàng BIDV – CN Bắc Sài Gòn cho vay vốn nghìn tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn được xác định ở thời điểm bán công ty này vào năm 2016 là hơn 1.356 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng nợ phải trả của công ty (riêng số nợ thuế hoãn lại là hơn 658 tỷ đồng).
Do khó khăn tài chính nên Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 đã phải “bán mình” cho Novaland trong năm 2015 - 2016, kết thúc số phận “hẩm hiu” của dự án ì ạch gần chục năm.
Bên cạnh đó, hai công ty thuộc “họ Đất Lành” khác từng là khách hàng thân thiết được BIDV cho vay vốn, song sau đó lại gây nợ xấu lớn khó thu hồi. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành và Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây. Tổng số nợ xấu được ghi nhận lên tới hơn 118 tỷ đồng, đều được phân loại nợ nhóm 5 - có nguy cơ mất vốn từ năm 2015.
Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây còn có khoản nợ xấu 22 tỷ đồng tại Sacombank, rất khó thu hồi. Sau đó, ngân hàng này đã phải bán phần lớn nợ xấu đã được Sacombank bán sang cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), số còn lại không có tài sản nên chấp nhận “khoanh” lại trên sổ sách, chưa rõ khi nào thu hồi được.
Nghịch lý ở chỗ, một công ty có vốn điều lệ trăm tỷ đồng, năng lực tài chính yếu kém, có dấu hiệu vi phạm kinh doanh dự án… song không hiểu vì lý do gì vẫn được các ngân hàng gật đầu, ký duyệt cho vay vốn lớn, có nợ lên tới cả nghìn tỷ đồng?
Hàng loạt công ty đã được ra đời chớp nhoáng để lập ra các dự án bất động sản, huy động vốn từ khách hàng, vay nợ nhà băng… liệu đây có là những giao dịch cho vay bình thường?
Từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng siết chặt cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung thu hồi nợ xấu, ngăn chặn cho vay sai phạm. Theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, ngân hàng không được phép cho vay vốn tập trung vượt quá giới hạn cho phép vào một nhóm khách hàng doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Điều kiện bắt buộc để được phê duyệt cho vay, giải ngân tiền là doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, nguồn thu trả nợ khả thi, cũng như chịu sự kiểm soát chặt chẽ sau giải ngân vốn vay…
Cho nên, quá trình cho vay “phớt lờ” quy định quản trị rủi ro, con nợ mất khả năng thanh toán, năng lực đầu tư yếu kém và vi phạm quy định kinh doanh bất động sản… thì trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng cho vay để xảy ra nợ xấu, mất vốn lớn sẽ không thể vô can?