Ngày 19/4, tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 của Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, tức tới hết năm nay theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Thời gian qua nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất kéo dài chính sách này, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02/2022/TT-NHNN đến hết năm 2024.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề, là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng.
Thông tư 02/2022/TT-NHNN quy định: Các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ). Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Cũng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ cuối năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây; trong đó, có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động...
Sang đến tháng 3, tín dụng đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ.
Đối với thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, trong đó có nguyên nhân, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông…
Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.
Trong điều hành tỷ giá, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND. Qua đó, giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau bốn lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống...
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024. Rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ để xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2022/TT-NHNN.