Aa

Chờ sóng cổ phiếu vua

Thứ Ba, 22/03/2022 - 16:55

Dù có những e ngại nhất định về việc dội cung khi ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng không ít nhà đầu tư đang gom hàng với niềm tin ngành này sẽ có sóng.

Tích lũy chờ sóng mới

“Một số cổ phiếu ngân hàng đang có mức giá khá hấp dẫn. Cùng với đó, các game như tăng vốn, nới room cho khối ngoại… đang đặt cổ phiếu nhóm này trước những cơ hội tạo sóng trở lại. Tôi vẫn đang canh thời điểm phù hợp để mua thêm”. Đây là chia sẻ của anh Đan, một nhà đầu tư khi nhìn nhận về triển vọng của cổ phiếu ngân hàng.

Anh Đan nhận xét, dù lãi suất giảm khiến tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng không duy trì mức tăng mạnh như những năm trước, nhưng nguồn tiền từ các doanh nghiệp, tổ chức gửi ở các ngân hàng vẫn rất khả quan, riêng tín dụng nhóm này năm 2021 vẫn tăng ở mức 15,73%. Do đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn có thể được đảm bảo. Mặt khác, từ cuối năm 2021, một số ngân hàng đã tăng dần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm. Ví dụ, SCB áp dụng lãi suất 7,6%/năm, TCB áp dụng lãi suất 7,1%/năm, MSB áp dụng lãi suất 7%/năm; LPB là 6,99%/năm; MBB là 6,9%/năm... Điều này cũng góp phần đảm bảo tốt hơn cho tăng trưởng và lợi nhuận của các ngân hàng.

Anh Đan tiết lộ, anh đang thực hiện mua gom cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội (MB) vì cổ phiếu này đang có mức giá tốt so với thực lực doanh nghiệp. Đây cũng là đơn vị được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Đơn cử, ngay trong quý I/2022 này, MB dự kiến lãi 5.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, nếu việc tham gia hỗ trợ “ngân hàng 0 đồng” thành công, nhiều khả năng MB sẽ được cấp mức tín dụng cao hơn, có thể thêm khoảng 10% nữa, mang đến cơ hội tăng trưởng mạnh về thu nhập và lợi nhuận từ dòng vốn chi phí thấp.

Theo dõi diễn biến một số cổ phiếu ngân hàng, không khó để nhận ra hiện mức giá trị đã giảm đáng kể nếu tính từ đỉnh giá hồi tháng 6/2021 đến thời điểm hiện tại. Điển hình, CTG từ mức 54.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 32.000 đồng/cổ phiếu; LPB từ 33.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 22.000 đồng/cổ phiếu. Hay BVB giảm từ mức 25.000 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng 19.000 đồng/cổ phiếu. MSB giảm từ mức 31.000 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu…

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại khiến không ít nhà đầu tư cho rằng, các cổ phiếu vua đang dò đáy, từ đó bắt đầu thực hiện gom mua dần.

Anh Hoàng, một nhà đầu tư cho biết, thị trường hiện tại chưa rõ xu hướng, nhưng với thanh khoản luôn lớn, cổ phiếu ngân hàng vẫn tiềm năng để mua vào trong những phiên thị trường giảm điểm, “cổ bank” đỏ lửa.

Một diễn biến khác cũng đáng lưu ý là nhiều nhà đầu tư vẫn có thói quen bám sát động thái từ các quỹ đầu tư. Với những tín hiệu tích cực của việc khối ngoại mua gom thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư càng tỏ ra lạc quan hơn về việc cổ phiếu ngân hàng chuẩn bị có được một chu kỳ tăng giá mới.

Đơn cử, với cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, đầu tháng 3 vừa qua, ngay khi VPB được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ, cổ phiếu này đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Ngay trong phiên giao dịch 4/3, khối ngoại đã mua ròng trên 20 triệu cổ phiếu VPB.

Câu chuyện diễn ra tương tự khi nhóm quỹ Dragon Capital mua 1,25 triệu cổ phiếu STB, nâng sở hữu lên 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,05% vốn tại ngân hàng này. Trước đó, Dragon Capital đã mua 916.800 cổ phiếu MBB, nâng số lượng nắm giữ của nhóm quỹ này lên gần 189,3 triệu cổ phiếu (hơn 5% vốn điều lệ của MB).

Chị Thúy, một nhà đầu tư cho biết, dù dòng tiền khối ngoại không còn giữ vai trò lớn như trước trên thị trường, nhưng đây vẫn là một chỉ báo tốt mà chị thường tham khảo. Khi cần cân nhắc giữa các cổ phiếu cùng loại, ví dụ như giữa các cổ phiếu dòng ngân hàng chẳng hạn, chị Thúy cũng sẽ chú ý nhiều hơn đến cổ phiếu nào đang được khối ngoại gom hàng.

Thách thức đỉnh cũ

Theo ông Lê Thanh Hòa, Trưởng nhóm ngành Ngân hàng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2021, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo các ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt. Điều này dường như không có tác động nhiều tới cổ phiếu ngành ngân hàng khi mà các cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá tốt trong năm này. Bước sang năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo không chia cổ tức bằng tiền mặt để hỗ trợ nền kinh tế. Có lẽ nhà đầu tư đã quen với việc này nên sẽ không có sự ảnh hưởng tiêu cực lên giá “cổ phiếu vua”.

Khi các nhà băng không trả cổ tức bằng tiền mặt thì sẽ có hệ số CAR tốt hơn, cũng như có nhiều nguồn vốn hơn để tăng trưởng.

Ông Lê Thanh Hòa, Trưởng nhóm ngành Ngân hàng, BVSC

Nhìn dài hạn hơn, ông Hòa cho rằng, khi các nhà băng không trả cổ tức bằng tiền mặt thì sẽ có hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) tốt hơn, cũng như có nhiều nguồn vốn hơn để tăng trưởng và điều này có thể tác động tích cực lên giá cổ phiếu.

Ông Hòa cũng cho rằng, với việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng không thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt thì nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trả cổ tức bằng cổ phiếu như những gì đã diễn ra trong năm 2021. Cùng với đó, một số ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ hay phát hành cho nhà đầu tư chiến lược như Vietcombank, BIDV, VPBank…

Ngoài ra, Ngân hàng Agribank cũng đang trong tiến trình cổ phần hóa. Đây là ngân hàng có quy mô lớn nhất nhì hệ thống và khi được cổ phần hóa thành công sẽ tạo ra một nguồn hàng lớn và mới mẻ cho nhà đầu tư lựa chọn.

Từ một góc nhìn khác, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, thời gian gần đây, dòng tiền không thực sự chú ý đến “cổ bank”, trừ một số mã đơn lẻ. Hiện các nhà đầu tư đang tập trung nhiều vào quan sát lợi nhuận quý I/2022 của ngân hàng, cùng câu chuyện giải quyết nợ xấu rồi mới đưa ra các quyết định đầu tư.

Cũng theo ông Nam, các ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai bộ chuẩn mực quản trị rủi ro Basel 2 để đảm bảo an toàn hoạt động nên cần bổ sung nguồn vốn lớn và vẫn đang trong giai đoạn tăng vốn. Điều này có thể mang đến cho thị trường nguồn cung mới.

“Tuy nhiên, với việc chiếm trên 30% khối lượng toàn thị trường, việc thu hút lại sự chú ý của cổ phiếu nhóm này là không dễ. Năm 2022, có thể vẫn có những cổ phiếu tốt cho nhà đầu tư, nhưng rất khó để vượt qua được mốc đỉnh ở quý II/2021”, ông Nam nhận định.

Theo ghi nhận của phóng viên, cùng với những thông tin tích cực nói trên, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu của Quốc hội kéo dài đến ngày 15/8/2025, thay vì hạn cuối là 15/8/2022.

Điều này được cho là sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian để xử lý hiệu quả nợ xấu, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của các món nợ lên thành quả hoạt động trong thời gian tới.

Trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, tức nếu đề nghị kéo dài thời gian áp dụng Nghị định 42, hệ thống ngân hàng có thể sẽ giải quyết thêm được khoảng 203.760 tỷ đồng nợ xấu (5.660 tỷ đồng x 36 tháng).

Năm 2022 này, BIDV cũng sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hàng loạt các ngân hàng khác như: VietinBank, ABBank, Vietbank, ACB, MB, MSB, VIB, OCB... có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022, với tỷ lệ tăng thêm phổ biến từ 20 - 30%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top