Trải qua một năm 2021 đầy biến động, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư an toàn và có lợi nhuận tốt. Các nhóm ngành thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong năm 2021 bao gồm: Tài chính, năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích, công nghiệp và bất động sản.
Theo dự báo của các chuyên gia, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục là một biến số trong năm 2022. Những yếu tố như nguồn cung vắc-xin cho mũi thứ ba, sự hoành hành của biến thể Omicron và liệu sự xuất hiện của các biến chủng mới sẽ ảnh hưởng thế nào tới niềm tin của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, thị trường chứng khoán năm 2022 được tiên đoán sẽ bao gồm những đợt tăng giảm xen kẽ, nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế sau dịch đang được duy trì.
Những nhóm cổ phiếu đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường trong năm 2021 được dự đoán sẽ tiếp tục hấp dẫn trong năm 2022, trong đó phải kể đến nhóm cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng và xem xét nhiều yếu tố trước khi quyết định xuống tiền.
Hầu hết theo khuyến nghị của các chuyên gia và công ty chứng khoán đều cho rằng, nhà đầu tư nên ưu tiên chọn các mã cổ phiếu đầu ngành, có chỉ số vốn hoá lớn hơn 500 tỷ đồng, tính thanh khoản cao và an toàn.
Bên cạnh đó, các mã có chỉ số P/E cao cũng được đánh giá là tiềm năng do đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá một mã cổ phiếu trên thị trường. P/E càng cao cho thấy báo cáo tài chính của doanh nghiệp tốt, tăng trưởng ổn định.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến các doanh nghiệp có chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E, chỉ số D/E<1 sẽ tối ưu nhất để đánh giá năng lực hoạt động của doanh nghiệp); có hoạt động chia cổ tức định kỳ và đều đặn; bộ máy lãnh đạo ưu tú, có năng lực và tầm nhìn dài hạn.
Đáng chú ý, trong một buổi livestreams gần đây, ông Hà Tiến Hoàng - Chuyên gia cao cấp Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, trong năm 2022, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sẽ là ngành "dẫn sóng" khi những thông tin nóng hổi về việc mở rộng đầu tư công, nâng quỹ đất khu công nghiệp cũng như các dự án lớn của doanh nghiệp liên tiếp được triển khai.
"Tuy kỳ vọng đã được phản ánh một phần vào giá cổ phiếu, song con sóng ở nhóm cổ phiếu khu công nghiệp dường như vẫn chưa kết thúc. Nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm của cổ phiếu bất động sản song không phải mã nào cũng có thể bứt phá", ông Hà Tiến Hoàng nhấn mạnh.
Thực tế, Báo cáo tài chính năm 2020 và quý III/2021 cho thấy, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản không mấy khả quan. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh âm, gánh nặng nợ vay lớn và tồn kho bất động sản tăng mạnh.
Dù các chỉ số này chưa ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng sẽ là nỗi lo trong dài hạn nếu không sớm khắc phục, đồng thời ảnh hưởng tới việc đánh giá đúng giá trị thật cổ phiếu của các nhà đầu tư.
Thậm chí, có những cổ phiếu tăng nhiều lần trong thời gian qua, đưa mức giá cổ phiếu lên cao ngất ngưởng, vượt qua cả các mã đầu ngành, trong khi tiềm lực và kết quả kinh doanh khá kém làm dấy lên những lo ngại về dấu hiệu bong bóng ở những cổ phiếu bất động sản có quy mô vừa và nhỏ.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Thọ - Chuyên gia phân tích ngành bất động sản của Dragon Capital, việc hạch toán doanh thu và lợi nhuận của các công ty bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào tiến độ bàn giao sản phẩm tới các khách hàng.
Do đó, lợi nhuận một quý tốt chưa chắc là công ty đó hoạt động tốt mà nhà đầu tư cần quan tâm đến cả tốc độ bán hàng của doanh nghiệp bao gồm tốc độ bán hàng năm trước, năm nay và triển vọng năm sau.