Vậy đâu là lý do để dòng tiền hướng đến nhóm này? Liệu rằng cơn sóng ngành này có bền vững và nhà đầu tư có thể tiếp tục tham gia hay không? Để giải đáp những câu hỏi này, chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp - CEO Công ty CP Tư vấn Đầu tư S-Talk đã vừa có những chia sẻ về nhóm cổ phiếu bất động sản.
Thứ nhất, trong bối cảnh tiền liên tục được bơm ra nền kinh tế từ giữa năm 2020 khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao, tiền đồng bị mất giá, giữ tiền không phải là giải pháp khôn ngoan cho giới đầu tư. Trong khi đó, bất động sản là một kênh nổi trội, có truyền thống từ ngàn đời nay ở bất cứ đất nước nào, đặc biệt là Việt Nam nên muộn nhất đến giữa năm 2022 giá bất động sản sẽ có đợt tăng giá mạnh. Chứng khoán luôn đi trước, nên nhóm cổ phiếu bất động sản tất nhiên sẽ được chú ý.
Thứ hai, đặc thù của nhiều công ty kinh doanh bất động sản đang niêm yết là có tài sản lớn nhưng những chỉ số cơ bản như ROE, P/E đã ở mức thấp, không thể so sánh với khối các công ty sản xuất hay ngân hàng. Tuy nhiên, họ lại có chỉ số P/B hấp dẫn dù giá vật liệu tăng cao nhưng không phải là rào cản với tiềm năng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản. Chỉ cần họ xử lý được những vấn đề pháp lý, triển khai được dự án, lợi nhuận sẽ là con số khổng lồ nên tạo dựng được niềm tin với giới đầu tư.
Thứ ba, tổng tài sản của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn, nhất là những doanh nghiệp có nhiều quỹ đất. Một điều cả thị trường đều biết, nhưng không thể hiện ra là tổng tài sản này còn lớn hơn nhiều lần nếu tính theo giá thị trường hiện nay. Khối tài sản của các doanh nghiệp đều được tính theo giá mua từ cách đây khá lâu, có công ty từ thế kỷ trước.
Thứ tư, doanh nghiệp bất động sản đứng trước cơ hội có khả năng bán hàng tốt, có quỹ đất sẽ tìm mọi cách để tiếp cận nguồn vốn triển khai dự án. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt cho vay, kênh phát hành trái phiếu cũng đang gặp khó do những tiêu chuẩn khắt khe hơn, cùng với đó là thanh khoản của thị trường chứng khoán đang tốt nên các chủ doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành thu hút dòng vốn thứ cấp. Muốn phát hành thuận lợi thì giá cổ phiếu phải tăng, do đó việc "đánh" lên cũng là sự mong muốn của phía doanh nghiệp.
Thứ năm, ngoài việc giá cổ phiếu phải lên đến vùng nào đó đủ cho mục tiêu phát hành, các doanh nghiệp còn phải đi vay thế chấp cầm cố bằng chính cổ phiếu của mình. Cho nên có hiện tượng một số doanh nghiệp đang đi vay tiền, phải giữ giá bằng được ở mức đã cam kết với ngân hàng.
Thứ sáu, dù nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng giá, nhưng thực ra nếu xem kỹ cũng ở tỷ lệ chưa quá cao. Trong khi nhiều dòng khác như chứng khoán, thép, phân bón, đã tăng 5 - 6 lần về giá, thì dòng bất động sản mới chỉ tăng 2 - 3 lần. Cho nên xét yếu tố cân bằng, không có lý do gì nói cao hay đã quá đắt được. Đặc biệt một số cổ phiếu penny của dòng bất động sản không hoàn toàn "lởm" như nhiều người nghĩ, giá vẫn còn khá tí hon, phù hợp với túi tiền và tâm lý đầu tư của số đông.
Thứ bảy, chính sách của Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển bất động sản để có nguồn thu ngân sách. Việc TP.HCM vừa đấu giá thành công lô đất Thủ Thiêm với giá kỷ lục 2,4 tỷ/m2 là cú hích lớn để các địa phương khác noi theo. Tới đây khi nhân sự sau Đại hội đã ổn định, chắc chắn việc thông qua dự án sẽ được khai thông, thủ tục sẽ dễ dàng hơn.
Thứ tám, một số "tay to" đang kẹp hàng ở phân khúc bất động sản với số lượng tương đối lớn. Đây là lượng tiền khổng lồ cần được đẩy vào nền kinh tế nên cũng phù hợp khi có sóng bất động sản. Đặc biệt, những doanh nghiệp có những lô đất cận kề vùng nóng khu Đông Sài Gòn đều có thể hưởng lợi lớn.
"Quan điểm của tôi là dòng bất động sản rất có tiềm năng trong năm 2022. Sự tăng giá của dòng này mới chỉ bắt đầu nhưng cần phải có sự tư vấn kỹ càng không nên chỉ vì nghe ngóng trên mạng xã hội, room miễn phí "phím hàng" mà sập bẫy ở vùng đỉnh, dẫn đến việc mất tiền", ông Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị./.