PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông - Vận tải và xin trích ý kiến của PGS về câu chuyện cấm ô tô hay xe máy, hay chọn giải pháp nào phù hợp hơn cho giao thông Thủ đô hiện nay:
"Ùn tắc do đâu? Do quản lý thôi. Ở ta có kiểu không quản lý được thì cấm, không thì thu phí. Quản lý khó, cấm thì dễ.
Hiện nay Hà Nội mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, còn 90% là giao thông cá nhân. Cấm xe máy hay ô tô đều bất khả thi khi phương tiện công cộng chưa đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu người dân và đường xá, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn quá kém.
10 năm tới giao thông công cộng Hà Nội có phát triển được đến mức đồng bộ, hiện đại được để thực hiện cấm xe cá nhân? Lúc đó hoàn thiện được bao nhiêu tuyến tàu điện ngầm khi mà đến năm 2020 mới có tuyến đường sắt trên cao số 3, các tuyến khác vẫn phải… chờ? Cách quản lý của thành phố hiện còn nhiều bất cập, tiến độ các công trình chậm chạp. Chưa kể huy động vốn để làm đường sắt trên cao rất tốn kém và khó khăn, mỗi tuyến mất đến 1-2 tỷ USD. Cấp tập “đòi” hoàn thiện hệ thống metro, cải thiện hệ thống giao thông trên toàn thành phố trong vài năm tới là không tưởng.
Trước mắt, để giảm bớt phần nào tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, thành phố Hà Nội cần cấm các xe tải nhỏ, xe rác cồng kềnh, xe đỗ lòng đường hay những phương tiện không cần thiết đi vào trung tâm giờ cao điểm. Việc thi công đường đẩy vào ban đêm, ban ngày trả lại mặt đường cho dân…
Đường phố giờ cao điểm chỉ nên dành cho xe máy, xe buýt. Phải phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt. Người dân đi xe buýt vài lần thấy chậm giờ, lề mề, khó chịu, họ sẽ không đi nữa. Thử hỏi trong tất cả các trạm chờ xe buýt, có bao nhiêu trạm có mái che, đủ ghế sạch sẽ cho dân? Các bảng chỉ dẫn ở các trạm xe buýt đa phần cũ kỹ, khó nhìn… Chính Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên của Bộ phải đi làm ít nhất 1 lần/tuần bằng xe buýt, rồi có thực hiện được đâu? Vì chất lượng chưa ổn: xe bỏ bến, giờ cao điểm chứa vượt số người quy định…
Còn về lâu dài, cách duy nhất và hiệu quả nhất để giải quyết ùn tắc vẫn là cải thiện hệ thống giao thông đường bộ (thêm phố, thêm làn...), phát triển đa dạng hệ thống công cộng để tạo nhiều lựa chọn trong di chuyển cho người dân, đặc biệt là các tuyến metro. Không chỉ 3 tuyến mà phải 10-20 tuyến, đi đến được khắp các nơi trong thành phố hay lân cận, mọi người có nhiều lựa chọn thay vì chỉ xe máy hoặc ô tô như hiện nay. Đây là giải pháp hiệu quả nhất trong vấn đề giảm kẹt xe cho các thành phố đông dân."
Được biết, hiện đề án hạn chế xe máy ở Hà Nội đang lấy ý kiến của đông đảo chuyên gia, người dân. Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở Hà Nội sẽ chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021, sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7-19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2: Từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3: Đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. |