Aa

Chống dịch: Nếu không góp sức thì đừng gây rối thêm!

Thứ Hai, 30/08/2021 - 06:00

Trong đại dịch toàn cầu Covid-19 này, mỗi người đều có thể tham gia chống dịch theo cách của mình và ở nhà cũng là chống dịch. Chỉ có chung sức đồng lòng và giữ nghiêm kỷ luật mới có thể sớm vượt qua đại dịch.

Ngõ nhà tôi nằm ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Xung quanh đã từng phát sinh những điểm dịch trong thời gian gần đây như ở Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Mai Hắc Đế, Đoàn Trần Nghiệp… Nhưng cụm dân cư khu vực tôi ở vẫn an toàn. Thế là đầu tháng 8, ở đầu ngõ mọc lên một gác chắn bảo vệ “Vùng xanh”. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra cái sáng kiến “Vùng xanh” này, nhưng tôi thấy nó thật ý nghĩa.

Trước đây khi xuất hiện những điểm dịch, chính quyền lập tức khoanh vùng đó lại để ngăn chặn không cho dịch phát tán tiếp ra cộng đồng. Điều đó là cần thiết, nhưng mang tính thụ động, nghiêng về hướng phản vệ – xuất hiện dịch rồi mới bao vây, khoanh vùng khống chế.

Thế rồi sáng kiến “Vùng xanh” xuất hiện. Thay vì thụ động chờ có dịch ở đâu thì chống ở đó, bây giờ ta chủ động khoanh những vùng không có dịch để bảo vệ không cho dịch xâm nhập. Như vậy không những giữ an toàn cho cư dân trong vùng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, mà còn góp phần quan trọng chặn đứng đại dịch, giảm áp lực cho công tác điều trị, giảm áp lực cho ngành y tế, các ngành chức năng và chính quyền các cấp. Và còn có một cái lợi lớn khác, là tạo sự an tâm, tin tưởng cho người dân.

Cái hay của sáng kiến vùng xanh là việc trực chốt, duy trì trật tự hoàn toàn do cộng đồng dân cư tự quản. Ở Hà Nội có nơi do tổ dân phòng thực hiện gác chốt, có nơi do Hội Phụ nữ, nhưng phần lớn là do Hội Cựu chiến binh cơ sở đảm nhiệm. Vậy là, những người lính áo xanh không những cùng với nhiều lực lượng khác đang tập trung chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, mà cả những người đã hoàn thành nhiệm vụ cũng vẫn góp sức mình cho cuộc chiến cam go này. Phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ lại một lần nữa phát huy, tỏa sáng.

Chốt gác “Vùng xanh” ở đầu ngõ nhà tôi cũng do lực lượng cựu chiến binh đảm trách. Chốt trực hoạt động từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát người ra vào, chỉ cư dân trong khu vực mới được vào nhưng cũng chỉ là đi bộ, còn xe máy phải đi lối vào ở đầu ngõ Vân Hồ thông ra đường Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Người lạ hoặc người ship hàng, đưa hàng chỉ được đứng đầu ngõ gọi điện cho cư dân trong ngõ ra nhận hàng.

Chi hội Cựu chiến binh phân công mỗi kíp trực hai người, thời gian trực 2 tiếng mỗi ngày. Đều là tự nguyện ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng ai cũng vui vẻ và tự giác thực hiện vì đó là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cư dân và cho chính gia đình mình, bản thân mình. Đến phiên đều ra sớm dăm mười phút, mưa nắng cũng không nề hà.

Ấy vậy mà đâu đã được yên…

Thực ra thì người ủng hộ là chính. Có nhóm thanh niên thiện nguyện đi qua tặng thùng nước uống, có nhóm tặng nước giải khát, có nhóm lại tặng tấm chắn giọt bắn… Thậm chí có người còn tặng kíp trực tối cả trứng luộc “để ăn cho đỡ đói”… Có người dân trong ngõ không trực tiếp gác được thì lại tặng tiền để bồi dưỡng cho những người tham gia trực. Còn chính quyền phường Lê Đại Hành thì quan tâm bằng cách ưu tiên lực lượng trực gác chốt tiêm vaccine trước…

Thế nhưng cũng có số ít người khi thấy việc lập chắn này cản trở đến việc đi lại thì phản ứng. Có người không chịu khai báo y tế; có người cứ xông bừa vào đòi vượt qua chốt, không vượt được thì cự cãi, dọa dẫm. Có lần có hai thanh niên xăm trổ đầy người trông tướng ngổ ngáo đi xe máy định vượt chốt bị ngăn lại thì quay ra cãi cọ, dọa dẫm. Rồi hạch sách, quát nạt:

- Ông bà có quyền gì mà cấm đoán?

Một bác cựu chiến binh gác chốt điềm tĩnh trả lời:

- Đấy là quyền bảo vệ sức khỏe cho mọi người, trong đó có cả anh đấy!

- Ai quy định?

- Chúng tôi làm theo chỉ đạo của phường, muốn biết cụ thể anh lên phường để hỏi. Hay để tôi gọi điện cho cán bộ phường đến giải thích.

Thấy bác gác chốt rút điện thoại định bấm máy gọi, hai thanh niên cũng bớt hung hăng, nhưng vẫn hậm hực:

- Gớm… Gác cái chốt dịch chứ làm vương làm tướng gì mà cũng tinh vi…

Bác cựu chiến binh vẫn ôn tồn:

- Các anh thấy chúng tôi ngần này tuổi đầu rồi mà phải ra đây đội mưa đội nắng là sung sướng lắm sao. Đáng lẽ giờ này chúng tôi được ở nhà cho con cháu hầu hạ, vậy mà vì cái con Covid phải ra ngồi đây để giữ an toàn cho mọi người, trong đó có cả người thân của các anh và chính các anh. Vậy mà các anh sức dài vai rộng thế kia, chẳng giúp được chúng tôi thì chớ lại còn gây rối thêm…

Đến đó thì hai thanh niên lầm lũi bỏ đi. Thì còn biết nói gì nữa. Nhưng rồi những chuyện như vậy vẫn cứ xảy ra như cơm bữa.

Mới chỉ là cái chốt chắn ở đầu một con ngõ không phải là sầm uất, đông người xe qua lại mà còn như thế, thì các lực lượng y tế, công an, quân đội, cán bộ các cấp chính quyền… ở tuyến đầu chống dịch còn vất vả và phức tạp đến nhường nào.

Tuyến đầu chống dịch
Tuyến đầu chống dịch
Tuyến đầu chống dịch
Tuyến đầu chống dịch

Ảnh: Internet

Cả hệ thống chính trị, cả nước căng mình chống dịch. Ấy vậy mà vẫn có những người đã không góp sức mình vào trận chiến ác liệt này thì chớ, lại còn gây rối, làm phức tạp thêm công cuộc chống dịch. Có người khi bị ngăn lại kiểm tra giấy đi đường thì cãi cọ, hành hung; có kẻ thì đâm thẳng xe máy vào lực lượng chức năng đang thi hành công vụ… Thế là, đã thiếu người làm nhiệm vụ kiểm soát thì chớ, giờ lại mất thêm thời gian, công sức để xử lý, giải quyết vụ việc…

Nhiều người quen thói hạch sách, chất vấn các chiến sĩ công an, các anh dân phòng, các bác cựu chiến binh như đoạn đối thoại trên kia mà tôi trực tiếp chứng kiến, nhưng đã bao giờ họ tự chất vấn mình, rằng bản thân họ đã làm gì để “chia lửa”, góp sức cho trận chiến ác liệt chống đại dịch toàn cầu này?

Những người ấy đã bao giờ nghĩ đến bao nhiêu người ở tuyến đầu kia đã phải để lại gia đình, quên cả sự an toàn của bản thân khi từng giây từng phút đối diện với dịch bệnh, chỉ với một mong muốn bảo vệ sự an toàn của mọi người, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và mong đại dịch sớm được dập tắt để họ được trở về với gia đình, được ăn một bữa cơm quây quần cùng gia đình…

Những người ấy đã bao giờ nghĩ đến lời kêu gọi thống thiết của các bác sĩ và nhân viên y tế, rằng: Mong mọi người ở nhà để chúng tôi sớm được trở về nhà.

Những người ấy có biết rằng, thêm mỗi một ca bệnh là thêm một áp lực lên hệ thống y tế, đè nặng thêm lên vai các bác sĩ, nhân viên y tế, lên các lực lượng chức năng, lên mỗi cán bộ các cấp chính quyền. Mà dịch bệnh đâu có chừa ai, chỉ cần sơ ý, bất cẩn, không thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng tránh bệnh là nhiễm như chơi, kể cả hai anh thanh niên hay cãi cọ nói trên…

Vì thế, chưa lúc nào câu “Ở nhà là yêu nước” lại trở nên thấm thía và thiết thực như lúc này.

Vẫn biết dịch bệnh gây đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng đến mỗi người. Nhưng để nhanh vượt qua đại dịch thì không có gì khác hơn là từng người phải tuân thủ những quy định của Chính phủ, của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Hãy hình dung tất cả chúng ta đang ngồi chung trên một con thuyền vượt qua giông bão. Sóng càng to, gió càng lớn thì lại càng phải chung sức, đồng lòng, tuân theo hiệu lệnh của thuyền trưởng thì mới có thể sớm vượt qua sóng gió. Còn nếu mỗi người hành động theo ý mình thì con thuyền không những không tiến lên được, mà còn khiến cho con thuyền tròng trành và có thể lật nhào bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, ở nhà cũng là chống dịch.

Hãy để yên cho mọi người chống dịch.

Nếu không trực tiếp góp được sức, thì cũng đừng gây rối thêm công cuộc chống dịch cam go này. Chỉ có như vậy, mới có thể sớm vượt qua được đại dịch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top