Đà tăng trưởng đã đạt được từ năm 2020 và những tháng đầu năm sẽ mất đi. Nhiều kiến nghị và đề xuất để duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều tỉnh đang thực hiện giãn cách đã được nêu lên.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp và các hiệp hội, có 3 vướng mắc lớn nhất hiện nay đang khiến sản xuất đình trệ, chuỗi cung đứt gãy. Đó là sản xuất “3 tại chỗ” không phù hợp với 19 tỉnh phía Nam hiện nay; kiểm soát xe ra vào tỉnh ở các địa phương mỗi nơi một quy định đang làm ách tắc hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu; và việc tiêm vắc-xin đã muộn lại chậm.
Chủ tịch của Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trước tình trạng sản xuất ở Việt Nam đang gián đoạn, nhiều đối tác nước ngoài đã chuyển đơn hàng sang nước thứ 3. Nếu Việt Nam không nhận được hàng đúng hạn sẽ khiến chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã bị rút đơn hàng. Ngành dệt may đối diện với rủi ro mất tiếp các đơn hàng của năm sau.
“Để có được các đơn hàng cho năm sau, chúng tôi phải ra mẫu và gửi cho khách hàng từ bây giờ. Nhưng chính quyền sở tại lại không cho phép những người làm ở bộ phận tạo mẫu đi làm. Không có mẫu chúng tôi sao có thể có đơn hàng cho năm sau”, Chủ tịch VITAS nói.
Đang chiếm 30 - 40% thị phần xuất khẩu cho các hãng Nike, Adidas... nhiều doanh nghiệp dệt may đang khó giữ được thị phần.
Câu chuyện của ngành dệt may cũng là câu chuyện của các ngành sản xuất khác. Số liệu thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2021 của TP.HCM giảm 19,4%, Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%...
Với việc lưu thông khó khăn vì các biện pháp phòng dịch hiện nay, ngành chế biến thực phẩm còn đang lo không có đủ hàng cung cấp cho thị trường nội địa trong vài tuần tới, khi chuỗi cung đang đứt, nguyên liệu không có đủ. Còn người nông dân và các hộ chăn nuôi lại không bán được hàng. Cá, gà, lợn ứ đọng.
“Nếu không kết nối lưu thông và mở lại cơ sở giết mổ, nhiều doanh nghiệp phá sản, khả năng tới dịp Tết sẽ không đủ nguồn thực phẩm”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết.
Trong ngành thủy sản và nông sản cũng chỉ có 30% doanh nghiệp duy trì sản xuất. Nhưng với sản xuất “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp trong ngành cũng chỉ cầm cự được 3-4 tuần. Chuỗi cung đứt gãy, xuất khẩu suy giảm.
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng của Tổ công tác phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cho biết do giãn cách từ nửa cuối tháng 7, sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản sụt giảm 15 - 20%. Công suất các nhà máy chế biến thuỷ sản của cả vùng giảm còn 30 - 40%. Tổ công tác dự báo có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết, thiếu rau củ quả xuất khẩu. Đồng thời, lo ngại nếu chuỗi cung nông sản thực phẩm đứt gãy sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu lương thực, thực phẩm người dân, cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia về lâu dài.
Cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội đang đề nghị Thủ tướng cho phép doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, của người lao động; đề nghị sớm tiêm vắc-xin cho những người trực tiếp sản xuất; và cho áp dụng “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc”.
Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ có một chiến lược chống dịch bài bản, một kịch bản với các quy định thống nhất không để mỗi địa phương hiểu một cách, làm một kiểu gây ách tắc lớn như hiện nay.
Một đề nghị nữa là để doanh nghiệp tự mua kit test Covid-19 cho người lao động, như vậy sẽ giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.
Là một người cập nhật tình hình từ doanh nghiệp hàng ngày trong cả tháng qua, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, nhiều ý kiến lo ngại đang có sự đứt gãy lưu thông, cung ứng tạm thời do việc áp đặt các giải pháp phòng chống dịch bệnh của các địa phương, nhưng thực tế có những đứt gãy không thể nối lại được. Khi đối tác không tiếp tục đặt đơn hàng mới như vậy, đứt gãy là dài hạn chứ không phải là tam thời.
“Tôi chia sẻ áp lực phải thực hiện và chịu trách nhiệm phòng chống dịch bệnh tại địa phương, Rất nhiều giải pháp phải được đưa ra trong thời gian rất ngắn và lại chưa có tiền lệ, nên ở chừng mực nào đó phải chấp nhận vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tôi cũng nhận thấy một số đề xuất của doanh nghiệp hợp lý”, ông Hiếu nói.
“Chúng ta nên phát huy sáng kiến của doanh nghiệp, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trên cơ sở tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch”, ông Hiếu góp ý.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng ưu tiên hàng đầu là chống dịch nhưng chống dịch và phát triển kinh tế không đối đầu nhau. Phát triển kinh tế chính là sinh kế người dân. Ưu tiên hàng đầu là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhưng bảo đảm sinh kế người dân, duy trì sản xuất cũng quan trọng không kém. Dịch bệnh còn phức tạp, nên cần phải tính toán các giải pháp kỹ càng.
Cộng đồng doanh nghiệp mong chờ, sau cuộc họp ngày 8/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ với các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, sẽ có được một kịch bản chống dịch và phát triển kinh tế phù hợp. Sản xuất được duy trì, giữ được đà tăng trưởng./.