Aa

Với doanh nghiệp, tạm gián đoạn có thể là đứt gãy thực sự

Thứ Sáu, 06/08/2021 - 06:34

Nhiều đứt gãy trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, lao động do dịch bệnh có thể không nối lại được. Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chia sẻ tâm tư này với doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

PV: Thưa ông, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đang liên tiếp gửi kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn nảy sinh của doanh nghiệp do biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng, như mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến... Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Phan Đức Hiếu: Chúng ta phải rất chia sẻ với doanh nghiệp, khi họ đang phải thực hiện cùng lúc 2 yêu cầu lớn, đó là phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục phức tạp, kéo dài hơn dự tính, khó khăn này thực sự rất lớn. Tôi đã trao đổi với một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tâm trạng lo lắng và bất an của doanh nghiệp như trong các báo cáo gửi Chính phủ; có một số nội dung đáng lưu tâm.

Thứ nhất, các mô hình mà nhiều địa phương đang áp dụng để cho phép doanh nghiệp duy trì sản xuất có một số tác động không lường trước khi kéo dài quá lâu. Có lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, trong khuôn viên nhà máy không được thiết kế cho số lượng lớn công nhân sinh hoạt tại chỗ, họ đã cố gắng thu xếp, động viên người lao động ở lại. Nếu thời gian là 1 - 2 tuần thì có thể động viên nhau, nhưng thời gian lâu hơn dẫn đến tâm lý người lao động đang trở nên bất ổn, nhiều người muốn về nhà đặc biệt trong tình huống phát hiện có trường hợp nhiễm Covid-19 trong đó. Trong trường hợp này, sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ của y tế địa phương là vô cùng quan trọng; nếu không thì khiến người lao động càng lo lắng, mất niềm tin, khủng khoảng, chứ không nói đến duy trì sản xuất.

Thứ hai, tình hình lưu thông hàng hóa, vận chuyển tiếp tục là vấn đề nóng. Nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp là khó khăn, thậm chí trong nội tỉnh, trong nước và cả cho xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến cả các kế hoạch kinh doanh và làm tăng thêm chi phí như chậm đơn hàng hoặc không giao được hàng…

Một số doanh nghiệp cho rằng, việc tạm đứt gãy hoặc gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp có nguy cơ dẫn đến đứt gãy thật, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm nay, cũng có thể ảnh hưởng tới đối tác, bạn hàng, các hợp đồng trong năm tới...

Tôi cho rằng, sẽ không có biện pháp phòng dịch mà lại không có tác động gì đến hoạt động sinh hoạt người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nêu trên của doanh nghiệp rất đáng lưu tâm khi xây dựng và áp dụng biện pháp phòng dịch, giảm thiểu tối đa tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, cần lưu tâm đặc biệt đến các giải pháp hỗ trợ kịp thời, chặt chẽ về y tế đối với doanh nghiệp trong xử lý khi có ca nhiễm covid và vai trò của chính quyền trong động viên tinh thần người lao động trong doanh nghiệp.

PV: Thực tế, trong khoảng 2 tuần qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến các giải pháp phòng chống dịch, theo hướng thực tiễn phát sinh gì thì gỡ ngay những ách tắc đó... Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Có doanh nghiệp than phiền là phòng chống dịch bệnh không có nghĩa là cắt đứt mọi hoạt động kinh tế, không có nghĩa là hàng hóa không ra được cảng, nguyên liệu không đến được nhà máy, người lao động, chuyên gia không đến làm việc được. Hay doanh nghiệp đang đề nghị cho phép chủ động tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, của người lao động...

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi chia sẻ áp lực của chính quyền địa phương trong trách nhiệm phòng chống dịch bệnh tại địa phương, cũng đồng ý với việc cần có những giải pháp khác nhau cho các địa phương đang có tình hình dịch bệnh khác nhau. Rất nhiều giải pháp phải được đưa ra trong thời gian rất ngắn và lại chưa có tiền lệ; nên ở chừng mực nào đó phải chấp nhận vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Nhưng tôi cũng nhận thấy một số đề suất của doanh nghiệp hợp lý.

Chúng ta nên phát huy sáng kiến của doanh nghiệp, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp trên cơ sở tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch.

Mục tiêu của Chính quyền là bảo đảm an toàn, hạn chế lây nhiễm. Nếu doanh nghiệp đề xuất mô hình mới, cách làm khác, phù hợp với hoàn cảnh thực tế doanh nghiệp, địa phương mà đảm bảo mục tiêu chống dịch thì nên được chấp thuận.

PV: Sự chủ động của doanh nghiệp trong bối cảnh này là gì, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Doanh nghiệp có nhiều đề nghị rất khả thi, có thể thực hiện ngay. Như cho phép doanh nghiệp mua bộ kít xét nghiệm Covid-19 để tự xét nghiệm cho người lao động. Việc này sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng cũng giảm tải cho các cơ sở xét nghiệm đang rất đông, nhiều khi không tuân thủ đúng yêu cầu giãn cách.

Nhiều doanh nghiệp cho phép tự lên phương án sản xuất, phương án đưa đón người lao động phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và tâm lý của người lao động.

Tất nhiên, để doanh nghiệp chủ động được, ngành y tế phải công bố công khai quy trình chuẩn trong phòng chống dịch bệnh ở các doanh nghiệp, các loại kít xét nghiệm được công nhận... để các địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện.

Nguyên tắc lưu thông hàng hóa cũng phải được công khai theo hướng không kiểm soát hàng hóa, chỉ kiểm tra y tế với người vận chuyển...  Việc kiểm tra y tế trên đường thực hiện theo tiêu chuẩn của ngành y tế, nhưng áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế tối đa tiếp xúc...

Đặc biệt, ưu tiên vắc xin cho người lao động trong các khu công nghiệp, các địa bản đang có dịch, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cũng cần được thực hiện ngay. Doanh nghiệp nói họ sẵn sàng dành chi phí, phối hợp với các cơ sở y tế của nhà nước, của tư nhân để tổ chức tiêm tại chỗ cho người lao động để hạn chế rủi ro khi người lao động phải di chuyển đến nơi tiêm tập trung, nhưng họ cần thông điệp nhất quán từ Chính phủ, chính quyền địa phương để trấn an người lao động...

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất... mà Chính phủ đang bàn tới, theo tôi trên đây là những giải pháp ngắn hạn, nhưng rất cần thiết cho bài toán dài hạn của doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top