Ngày 24/10/2019, Công ty Cổ phần May Lê Trực nhận được Thông báo số 50/TB-UBND ngày 20/12/2019 về việc tiếp tục thực hiện nội dung Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 09/01/2016 của UBND quận Ba Đình áp dụng biện pháp cưỡng chế phá dỡ để thi hành Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 12/10/2015 của UBND quận Ba Đình về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng tại công trình xây dựng số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên.
Theo đó, việc cưỡng chế phá dỡ sẽ tiếp tục từ ngày 23/12/2019 đến khi hoàn thành.
Theo quan sát của phóng viên, sáng 31/12, tòa nhà 8B Lê Trực được bao quanh bởi một rào chắn mới, nằm ngoài phần rào chắn trước đó của công trình. Hàng rào làm bằng tôn, được dựng bên ngoài hàng rào cũ của tòa nhà, ôm trọn vỉa hè, sát với lòng đường Trần Phú. Cùng với đó, chính quyền phường Điện Biên cũng chuẩn bị dựng một trục tháp cẩu nhằm phục vụ việc phá dỡ giai đoạn 2 đối với cao ốc 8B Lê Trực.
Trước thông báo trên của quận Ba Đình, Công ty Cổ phần May Lê Trực cho biết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình phá dỡ phần công trình vi phạm, UBND TP. Hà Nội và Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản hướng dẫn trình tự và các nội dung yêu cầu trong việc tổ chức lập phương án, thẩm tra, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ trong trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình vi phạm.
Theo đó, các cơ quan chức năng phải lựa chọn được đơn vị đủ năng lực phá dỡ, lên phương án phá dỡ phù hợp và phương án này phải được phê duyệt mới bắt đầu phá dỡ.
Tuy nhiên, khi cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 1, dù chưa được phê duyệt phương án phá dỡ nhưng tháng 3/2016, UBND phường Điện Biên đã giao cho Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Hải Anh Phát và đến ngày 1/7/2016 thay đổi đưa nhà thầu khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc cưỡng chế phá dỡ tầng 19 và tầng mái 20 công trình 8B Lê Trực mà không thực hiện các nội dung hướng dẫn nêu trên của Sở Xây dựng và ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội.
Đến tháng 10/2016, UBND phường Điện Biên thực hiện phá dỡ xong tầng 19, tầng mái 20 nhưng không giải quyết dứt điểm, dẫn đến việc xử lý kéo dài suốt 4 năm qua, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Công ty May Lê Trực, đến ngày 31/10/2018, công ty chuyển số tiền chi phí phá dỡ là 1.847.269.000 đồng theo hồ sơ phê duyệt của Sở Xây dựng Hà Nội.
Đối với các chi phí phá dỡ còn lại chưa có cơ sở và cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt của Sở Xây dựng Hà Nội mặc dù Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có văn bản thông báo phong tỏa số tiền hơn 5 tỷ đồng trong thời hạn 90 ngày của Công ty May Lê Trực để sẵn sàng thanh quyết toán chi phí phá dỡ. Số tiền này sẽ tự động giải tỏa chuyển vào Kho bạc Nhà nước khi ngân hàng nhận được đầy đủ Hồ sơ phương án phá dỡ và Hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ theo đúng quy định.
"Ngày 31/7/2019, Công ty May Lê Trực tiếp tục gửi văn bản số 966/KTTC đề nghị UBND quận Ba Đình và UBND phường Điện Biên bàn giao cho công ty Hồ sơ phương án phá dỡ và Hồ sơ thanh quyết toán chi phí phá dỡ tầng 19 theo đúng quy định của luật xây dựng, luật kế toán và luật thuế nhưng không được giải quyết", đơn khiếu nại của Công ty May Lê Trực nêu rõ.
Đối với thông báo số 50 về việc cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 2 của công trình, Công ty May Lê Trực yêu cầu việc phá dỡ phải được thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật. Cụ thể, phải có phương án thiết kế tháo dỡ, được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Phòng quản lý đô thị xem xét cho ý kiến giải pháp phá dỡ trước khi trình UBND quận ra quyết định phê duyệt.
Trước khi UBND phường Điện Biên đưa nhà thầu vào công trường để thực hiện việc phá dỡ thì doanh nghiệp phải được nhận Hồ sơ Phương án phá dỡ kèm theo Dự toán chi phí được các nhà tư vấn có đủ năng lực lập và thẩm định và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phải bàn giao cho công ty Hồ sơ phương án phá dỡ và Hồ sơ thanh quyết toán chi phí phá dỡ tầng 19, tầng mái 20 (giai đoạn 1) theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hiện nay UBND quận Ba Đình đang căn cứ vào Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội để xử lý giai đoạn 2 tại công trình 8B Lê Trực là không đúng với quy định của pháp luật, cần phải làm rõ Giấy phép xây dựng này có được cấp đúng quy định của pháp luật hay không.
Về việc xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Thứ nhất, sai phạm của dự án 8B Lê Trực được căn cứ theo Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cấp ngày 24/3/2014, nhưng giấy phép này lại vi phạm quy định, vậy việc xử lý có đúng hay không?
Thứ hai, việc cưỡng chế phá dỡ giai đoạn 1 trước khi phê duyệt phương án phá dỡ là trái quy định của pháp luật, ai chịu trách nhiệm cho việc làm này?
Tuy nhiên đến nay, những câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp.