Hoàn cảnh của Tòa nhà 8B Lê Trực hiện nay là vậy, cứ như là một khối u ác tính trêu ngươi sự bất lực của chính quyền TP. Hà Nội đến nay đã vừa tròn 10 năm, cắt không được mà để cũng không xong.
Vì thế, tôi rất mong các cơ quan quản lý liên quan của Hà Nội cần công tâm và tĩnh trí để xem xét nguyên nhân gốc gác của vụ việc, mà từ đó có những quyết định ít xấu nhất (vâng, tôi xin nhấn mạnh cụm từ “ít xấu nhất”) cho dự án này.
Như những bài phân tích trước đây trên Reatimes, bộ hồ sơ pháp lý để Tòa nhà 8B Lê Trực sinh ra và tồn tại cho đến nay đang được “bảo hộ” bằng hàng chục con dấu đầy uy quyền của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương tới địa phương.
Đầu tiên là Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng.
Đây là văn bản có ý nghĩa quyết định, chi phối nhiều văn bản cấp dưới buộc phải tuân theo vì đây là văn bản quy phạm pháp luật, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.
Muốn đập bỏ tòa nhà 8B Lê Trực, trước hết phải có văn bản cấp cao hơn bãi bỏ giá trị pháp lý của Quyết định này. Nhưng đến nay, văn bản đó chưa xuất hiện.
Tiếp theo là Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tổng diện tích khu đất 5.683,5m2 (trong đó, 1.941,82m2 đất để mở đường của thành phố; 3.741,68m2 là đất dự án). Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).
Đây cũng là một văn bản rất quan trọng, nó một lần nữa xác định tính pháp lý về quy hoạch và kiến trúc của dự án. Tuy nhiên, đến nay, văn bản này đã bị 2 văn bản khác vô hiệu hóa. Một là Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội điều chỉnh công trình này xuống còn 18 tầng, chiều cao công trình 53m. Hai là khi UBND quận Ba Đình ra quyết định cắt ngọn của Tòa nhà xuống còn 18 tầng.
Nếu chiếu theo các quy định hiện hành thì 2 văn bản này được ban hành không tuân thủ với các quy định của pháp luật và không có giá trị về mặt pháp lý. Tuy nhiên, hai văn bản nêu trên vẫn tồn tại và điền chỉnh hầu hết hành vi của các cơ quan hành pháp cấp dưới.
Một văn bản quan trọng nữa chứng minh Tòa nhà 8B Lê Trực được xây dựng hợp pháp, đó là Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 7/4/2009 của Sở Xây dựng Hà Nội thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cở sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành, trong phần những lưu ý, yêu cầu đối với chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế có đoạn viết: “Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở, Chủ đầu tư cần gửi hồ sơ về Sở Xây dựng để xác nhận và lưu trữ trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Các bước thiết kế tiếp theo do Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt (sau khi dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) nhưng không được trái với thiết kế cơ sở đã được thẩm định...".
Chỉ cần nêu sơ 3 văn bản trên đây đã có thể thấy rằng, về căn cứ pháp lý, đến giờ này không thể tiếp tục phá dỡ Tòa nhà 8B Lê Trực được nữa, kể cả phần giật cấp. Bởi lẽ, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP, ngay từ khi UBND quận Ba Đình ra quyết định phá dỡ tầng 20 và tầng 19 của Tòa nhà thì mặc nhiên, Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã bị coi là vô hiệu. Vậy phần giật cấp của Tòa nhà được quy định trong văn bản đã bị vô hiệu này còn có lý do gì để tồn tại?
Chưa hết, một lý do không thể tiếp tục phá dỡ của Tòa nhà liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Theo các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư kết cấu và chuyên gia của Công ty TNHH tư vấn Đại học xây dựng, tại nóc tầng 18 tòa nhà còn dầm treo cao 1,8m và vượt nhịp 17m thiết kế treo 2 cột công trình mặt đường Trần Phú.
Do vậy, việc phá dỡ dầm, sàn, cột, vách từ tầng 18 tới cao độ +55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 ảnh hướng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá dỡ mất dầm treo trên nóc tầng 18), mất nút giằng định vị đầu cột tổng thể của công trình.
Vì thế, để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố 2 cột từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng chạm sỏi cuội. Nhưng trên thực tế, để gia cố được 2 cột này thì phải đưa máy móc thiết bị vào, bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn... Nhưng công trình đã thi công hoàn thiện rồi nên không thể đưa máy móc vào để thi công. Do vậy, không thể gia cố được 2 cột dầm đảm bảo kỹ thuật an toàn.
Dưới đây là lời khuyên của một chuyên gia uy tín hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực này, đó là PGS. TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng - Bộ Xây dựng): Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Với công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội), nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà.
Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…
Phải cân nhắc lắm tôi mới nhắc lại lời chia sẻ với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại bài viết cách đây ít lâu, rằng trong một lần tiếp xúc với cử tri về việc xử lý vi phạm ở cao ốc 8B Lê Trực suốt hơn 4 năm không xong, ông Nguyễn Đức Chung giãi bày: “Nói thật, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một. Quá trình xử lý sai phạm cho thấy chủ đầu tư tòa nhà này rất cùn”.
Như đã trình bày ở phần trên, muốn đập cả tòa nhà này tuy rất khó nhưng lại không hề khó, nếu vì một mục tiêu lớn lao hơn, có thể xóa bỏ tất cả những hàng rào pháp lý đang bảo vệ sự tồn tại của tòa nhà.
Giả như, UBND TP có một quyết định hủy bỏ toàn phần hay một phần Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng.
Đương nhiên, khi ra một quyết định quan trọng như vậy, phải có căn cứ, thí dụ như vì an ninh quốc gia, vì quốc kế dân sinh, vì giá trị văn hóa cao cả... và liền với đó là kế hoạch bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan theo luật định.
Nói thế thôi, chưa tính đến thiệt hại về tinh thần, chỉ riêng về vật chất thôi, cũng trên dưới nghìn tỷ đấy! Con số này không hề nhỏ đối với ngân sách thành phố hiện nay và với trách nhiệm bồi thường của các công chức gây ra hậu họa.
Vấn đề tiếp theo, công trình này có đáng đập không?
Qua cuộc điều tra dài ngày của các phóng viên Tạp chí Reatimes thì hầu hết các căn hộ của tòa nhà đã được bàn giao cho khách hàng, tức là những người dân vô can và vô tội. Đây là tài sản hợp pháp, họ đều có mong muốn trở về căn nhà của mình đã được pháp luật bảo hộ.
Rồi lại có những ý kiến khác từ lãnh đạo UBND TP, chỉ cần cắt ngọn đến hết tầng 18 và 17 là ổn, có nghĩa là các yếu tố quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, vì quốc kế dân sinh, vì giá trị văn hóa cao cả... sẽ không xảy ra.
Đến đây, sẽ xuất hiện 3 khả năng đến với số phận tòa nhà 8B Lê Trực: Thứ nhất, phá toàn bộ; thứ hai, cắt đến hết tầng 17; thứ ba, tìm giải pháp tối ưu so với hiện trạng.
Với trường hợp thứ nhất, đã tròn 4 năm kể từ ngày UBND quận Ba Đình quyết định phá dỡ đợt 1 là tầng 20 và 19 của tòa nhà, đến nay quận cũng chỉ dám đề nghị thành phố và Bộ Xây dựng hỗ trợ phương án phá dỡ giai đoạn 2, có nghĩa là việc phá dỡ toàn bộ tòa nhà gần như chắc chắn không xẩy ra. Phần vì tầng “bảo hộ” của các văn bản pháp lý kia khó lòng một lần nữa qua mặt; phần khác, hàng nghìn tỷ đồng bồi thường thiệt hại kia không biết bao nhiêu “chiếc ghế” có thể gánh nổi. Đó là chưa kể đến những rủi ro về an toàn, an ninh trong quá trình tháo dỡ nếu xảy ra, ai chịu trách nhiệm.
Khả năng thứ hai là cắt hết đến tầng 17 của tòa nhà. Cho đến giờ này, mọi thông tin cho hay, cũng rất khó xảy ra vì 2 lý do. Thứ nhất, khi ra quyết định phá dỡ giai đoạn 1, nhiều chuyên gia đã khuyên rằng, một khi UBND TP và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cho phép xây đến 20 tầng, nay cấp quận lại quyết định cắt còn 18 tầng, người dân và doanh nghiệp không kiện vụ việc này ra Tòa hành chính đã là may lắm rồi.
Nay, quận thử ra một quyết định tương tự như thế nữa xem, “tức nước vỡ bờ” là khó tránh khỏi. Lại nữa, các chuyên gia đã khuyên rằng, nếu tiếp tục phá dỡ nữa sẽ không an toàn. Liệu mấy ai đủ dũng cảm dám mang sinh mạng chính trị trong bộ máy công quyền để bước vào một sự kiện đầy rủi ro như vậy?
Vậy chỉ còn khả năng thứ ba, tìm giải pháp tối ưu so với hiện trạng. Thật tiếc dưới đây không phải là thông tin chính thống như lại rất logic so với những sự kiện diễn ra trong suốt 5 năm qua, đó là vì tòa nhà được xây quá cao, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ an ninh khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình.
Vì là thông tin không chính thống nên tôi không thể bình luận về vấn đề này, như lại rấ lưu tâm đến đề xuất của Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng: “Xây bịt các căn hộ tầng 17 và 18 không cho phép sử dụng”.
Tôi nghĩ, đây là một hướng tư duy tích cực, ít xấu nhất, tìm một biện pháp từ không thể đến có thể. Nhưng xin bổ sung một chút: Những lỗi lầm này có phần do các cơ quan công quyền của Hà Nội mắc sai sót trong quá trình thực thi pháp luật. Vì thế, Nhà nước nên trưng mua 2 tầng này vào mục đích phi dân sự.
Thiết nghĩ, như thế sẽ hài hòa cho tất cả các bên hơn.