Lời tòa soạn:
Tại nhiều địa phương, tình hình vi phạm trật tự xây dựng bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền. Đơn cử tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Xây dựng, trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở này cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới.
Ghi nhận từ thực tế tại Hà Nội cho thấy, vi phạm xây dựng từ công trình xây dựng riêng lẻ đến những dự án với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những “siêu” dự án liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến phòng cháy, chữa cháy (PCCC) với hàng loạt quyết định xử phạt, thậm chí đình chỉ hoạt động.
Theo các chuyên gia, để xảy ra các sai phạm như vậy thì cần xem xét nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ chủ đầu tư đến chính quyền, cơ quan quản lý.
Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Chủ đầu tư chung cư Artemis có “đùa giỡn” với tính mạng cư dân?
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Bao giờ vi phạm PCCC mới được xử lý dứt điểm?
Mới đây, UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) đã ra quyết định Quyết định số 2566/QĐĐC-UBND ghi ngày 9/10/2020, về việc đình chỉ hoạt động khu vực tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ Artemis (chung cư Artemis, địa chỉ số 3 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) do Công ty Cổ phần ACC – Thăng Long nay đổi tên thành Công ty Cổ phần MHL làm chủ đầu tư. Quyết định trên của UBND quận Thanh Xuân ban hành có hiệu lực từ 8 giờ, ngày 10/10/2020.
“UBND quận Thanh Xuân đề nghị Công ty Cổ phần ACC – Thăng Long có trách nhiệm thi hành quyết định này và thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)”, văn bản của UBND quận Thanh Xuân nêu rõ.
Tuy nhiên, đến ngày 5/11/2020, UBND quận Thanh Xuân bất ngờ ban hành Công văn 1751/UBND-CATX, đồng ý việc gia hạn thời gian khắc phục các tồn tại về PCCC tại chung cư Artemis.
Theo lý do mà UBND quận Thanh Xuân đưa ra, ngày 14/10/2020, Công ty Cổ phần ACC – Thăng Long có văn bản số 283/2020/CV-MHL, gửi UBND quận Thanh Xuân về việc xin gia hạn và khắc phục các lỗi tồn đọng và hiện công ty đã có kế hoạch thực hiện khắc phục các tồn tại về PCCC. Hơn nưa, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, cũng như công ty làm thủ tục đổi tên và thay đổi trụ sở chính nên công tác triển khai, khắc phục các tồn tại còn chậm trễ và cam kết hoàn thành đến ngày 31/12/2020.
“Nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện công tác pháp khắc phục các tồn tại về PCCC, UBND quận đồng ý đề xuất của Công ty Cổ phần MHL, tại văn bản số 283/CV-MHL ngày 14/10/2020”, văn bản của UBND quận Thanh Xuân.
Cùng với đó, quận Thanh Xuân yêu cầu, trong quá trình khắc phục các tồn tại về PCCC, yêu cầu Công ty Cổ phần MHL chấp hành nghiêm về các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nếu để xảy ra cháy nổ thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trước thời gian UBND quận gia hạn cho Công ty Cổ phần ACC – Thăng Long đến nay, khu vực tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng vẫn hoạt động kinh doanh tấp nập. Khảo sát cho thấy, các tổ hợp siêu thị, nhà hàng ăn uống, phòng gym, văn phòng, lớp học,… vẫn hoạt động náo nhiệt như thường lệ.
Ngày 5/11/2020, UBND quận Thanh Xuân bất ngờ ban hành Công văn 1751/UBND-CATX, đồng ý việc gia hạn thời gian khắc phục các tồn tại về PCCC tại chung cư Artemis. Khảo sát cho thấy, các tổ hợp siêu thị, nhà hàng ăn uống, phòng gym, văn phòng, lớp học,… vẫn hoạt động náo nhiệt như thường lệ.
Một cư dân ở chung cư Artemis bức xúc nói: “Mặc dù bị các cơ quan chức năng lập biên bản đình chỉ hoạt động, nhưng Công ty Cổ phần ACC – Thăng Long không thi hành quyết định đình chỉ và bây giờ lại được gia hạn thời gian. Chúng tôi thấy trong văn bản gia hạn của UBND quận Thanh Xuân chỉ cho phép lùi thời gian để khắc phục các tồn tại về PCCC, chứ không hề cho phép Công ty Cổ phần ACC – Thăng Long tiếp tục cho thuê hoạt động kinh doanh, tại khu vực tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng. Hiện vẫn có khoảng hơn 10 đơn vị đang hoạt động các dịch vụ tại đây”.
Với việc hoạt động kinh doanh vẫn đang diễn ra rầm rộ tại khu vực từ tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis, thì nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cư dân cho rằng, chủ đầu tư đang “đùa giỡn” với tính mạng hàng nghìn người dân đang sinh sống tại các căn hộ thuộc tòa nhà Atemis?
Mặc dù UBND quận Thanh Xuân đã nhấn mạnh “nếu để xảy ra cháy nổ thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, tuy nhiên nếu việc cháy nổ và thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân không may xảy ra, thì chính quyền địa phương liệu có chối bỏ được trách nhiệm hay không?
“Dù biết chủ đầu tư sai nhưng UBND quận Thanh Xuân không mạnh tay xử lý, để các sai phạm của công ty này tồn tại dai dẳng, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cháy nổ tại chung cư”, một cư dân sống tại chung cư Artemis bức xúc nói.
Dự án cao cấp nhưng nhiều tai tiếng
Theo quảng cáo, dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis do Công ty Cổ phần ACC - Thăng Long (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần MHL) làm chủ đầu tư. Dự án Artemis có quy mô 18 tầng nổi, 3 tầng hầm và 6 tầng thương mại. Liên quan đến dự án tai tiếng này, từ năm 2018, các cư dân sinh sống trong tòa nhà Artemis đã có đơn phản ánh và “tố” nhiều vấn đề liên quan đến việc chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng khi chưa đủ điều kiện, cũng như xây dựng sai quy hoạch được phê duyệt,...
Các cư dân cho rằng, Công ty Cổ phần ACC-Thăng Long đã không thực hiện đúng Giấy phép quy hoạch số 5366/GPQH ngày 19/09/2016; sự chỉ đạo của Thành Ủy Hà Nội tại Thông báo số 83-TB/TU; Quyết định số: 5469/QĐ-UBND ngày 30/09/3016. Về nội dung này, hiện các cư dân cũng đề nghị phía chủ đầu tư và chính quyền địa phương công khai những nội dung lấy ý kiến cư dân, phê duyệt điều chỉnh (nếu có).
Đến ngày 27/9/2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 8798/SXD - TTR, gửi UBND quận Thanh Xuân về việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư chung cư Artemis.
Nội dung công văn ghi rõ: “Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng việc kinh doanh dịch vụ tầng 2 và tầng 3 của khối nhà kỹ thuật tại khu vực đất số 3 cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc điều chỉnh; Thực hiện theo đúng yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nêu tại văn bản số 4456/QHKT-KHTH ngày 26/7/2018. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định, đề nghị chủ đầu tư liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được chấp thuận điều chỉnh và có văn bản báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố, Sở Xây dựng trước ngày 20/9/2018".
Cũng liên quan đến những vấn đề tồn tại ở chung cư Artemis, đầu năm 2019, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những tồn tại trong dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (địa chỉ số 3 Lê Trọng Tấn, TP. Hà Nội).
Nội dung chất vấn này được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chuyển tới Bộ Xây dựng, yêu cầu trả lời đối với kiến nghị xử lý sai phạm tại dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis, kèm theo đơn kiến nghị của công dân về dự án này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng xác định các vi phạm được đại biểu quốc hội phản ánh và đề nghị làm rõ tại dự án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng, cụ thể: Vi phạm trong việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế để trục lợi, phục vụ nhóm lợi ích, lợi ích riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng.
Vi phạm về chỉ định chủ đầu tư không qua đấu thầu, huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp ngoài Quốc phòng dẫn đến thất thoát tài sản công, đặc biệt là đất quốc phòng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng; Vi phạm về thực hiện hợp đồng mua bán căn hộ: Bên bán là Công ty ACC Thăng Long thuộc Quân chủng phòng không không quân - Bộ Quốc phòng, nhưng nay chủ đầu tư lại là Công ty cổ phần ACC-Thăng Long trực thuộc Công ty CP đầu tư IMG thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vi phạm về việc trốn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Hà Nội.
Vi phạm về trật tự xây dựng: Chủ đầu tư xây dựng nhà hàng 3 tầng (thời điểm tháng 10/2018) để kinh doanh trục lợi trên diện tích theo quy hoạch được duyệt là công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật (sân vườn, đường giao thông, cây xanh chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng…) thuộc thẩm quyền giải quyết thuộc UBND TP. Hà Nội.
Hiện tòa nhà Artemis có hơn 300 hộ dân, với hơn 1.000 con người luôn sống trong thấp thỏm, lo sợ “bà hỏa” có thể viếng thăm bất cứ lúc nào.
Cũng theo phản ánh của các cư dân, hiện tòa nhà này có hơn 300 hộ dân, với hơn 1.000 con người luôn sống trong thấp thỏm, lo sợ “bà hỏa” có thể viếng thăm bất cứ lúc nào. Cư dân còn chỉ ra nhiều tồn tại ở chung cư Artemis như: một loạt hạng mục kỹ thuật bị lỗi, nhiều hạng mục cơ bản còn đang thi công dang dở, chưa được hoàn thiện, chủ đầu tư chậm bàn giao sổ hồng,...
Cực chẳng đã, ngày 2/3/2020, cư dân chung cư Artemis tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ, đề nghị thanh tra toàn diện tính pháp lý đối với dự án và làm rõ các vấn đề liên quan đến tổ hợp chung cư Artemis.
Trao đổi với PV Reatimes, lãnh đạo UBND phường Khương Mai xác nhận, trước đó UBND quận Thanh Xuân đã ban hành văn bản đình chỉ hoạt động đối với khu vực từ tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis.
“Sau khi chủ đầu tư có văn bản báo cáo, UBND quận Thanh Xuân đã gia hạn cho chủ đầu tư thời gian khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy đến ngày 31/12/2020”, lãnh đạo phường Khương Mai thông tin.
Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về PCCC!
Sáng 8/7/2020, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 và biểu dương các điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục tham mưu, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch trong công tác PCCC; phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Khoa học hình sự, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp triển khai sớm các hồ sơ, thủ tục để báo cáo Hội đồng Thẩm phán tối cao hướng dẫn, quy định cụ thể khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về PCCC.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về PCCC, trong đó sơ kết, rút kinh nghiệm liên quan đến những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, củng cố các lực lượng với phương châm “4 tại chỗ”; đánh giá lại việc thành lập các Đội PCCC cấp huyện có chuyên tâm, đạt hiệu quả.
Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và PCCC
Ngày 30/7/2020, Công an TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, kết quả thực hiện Chương trình số 15/CTr UBND ngày 17/1/2020 của UBND TP Hà Nội về công tác PCCC, CNCH năm 2020.
Để hạn chế xảy ra cháy và hậu quả do cháy gây ra, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội yêu cầu, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng như đối với lực lượng cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC cho cơ sở theo quy định của pháp luật. Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và PCCC đối với cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các vi phạm an toàn PCCC.
Đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, cần chủ động đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản hơn nữa, khảo sát nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy hiệu quả; Tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng y tế cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH...