Aa

Chủ đầu tư nợ phí bảo trì đã gián tiếp gây nên vụ cháy chung cư Carina

Thứ Năm, 05/04/2018 - 20:01

Khoản tiền 2% phí bảo trì rất lớn, nhiều chủ đầu tư không bàn giao cho cư dân để vận hành tòa nhà an toàn, hiệu quả, dẫn đến sự cố, mà điển hình là vụ cháy chung cư Carina vừa qua.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện có khoảng 50% chung cư trên địa bàn chưa có Ban quản trị nên việc vận hành đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, nguồn phí bảo trì 2% tại nhiều chung cư vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị, khi cần bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy, cư dân cũng không có kinh phí.

Phí bảo trì là nguyên nhân không bầu được Ban quản trị

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, nói nhiều chủ đầu tư viện lý do khách quan không tổ chức hội nghị chung cư để bầu ra Ban quản trị, rất nguy hiểm trong vận hành chung cư.

“Chung cư cao tầng với hệ thống PCCC tự động nếu được đầu tư đúng chuẩn, bảo trì hiệu quả thì rủi ro thấp hơn nhiều so với các khu dân cư tập trung truyền thống khác. Ngược lại, nếu tổ chức không tốt thì nguy cơ có sự cố rất lớn, trong đó bao gồm cả cháy nổ.

Sống trong những chung cư bầu được Ban quản trị là rất may mắn với cư dân, sinh hoạt và vận hành có tổ chức hơn. Vai trò của Ban quản trị rất lớn, nếu không có sẽ rất nguy hiểm cho cư dân”, ông Thành cho biết.

Chuyên gia khẳng định cư dân sẽ rất may măn khi sống ở những chung cư bầu được Ban quản trị. Ảnh: Lê Trai/ Zing

Chuyên gia khẳng định cư dân sẽ rất may măn khi sống ở những chung cư bầu được Ban quản trị. Ảnh: Lê Trai/ Zing

Vị này khẳng định Luật về quản lý vận hành nhà chung cư ở Việt Nam đầy đủ không thua gì các nước phát triển, nhưng việc thi hành luật là vấn đề đáng bàn. Quy định có nhưng thực hiện nửa vời, và nếu không thực hiện cũng không sao.

Lý giải việc khó bầu Ban quản trị, đại diện đơn vị quản lý vận hành nhà Song Ngọc, cho rằng khoản 2% quỹ bảo trì đang là rào cản lớn nhất. Khoản quỹ bảo trì này khiến cư dân, Ban quản trị, chủ đầu tư nghi kỵ lẫn nhau.

Cụ thể, cư dân lo chủ đầu tư sử dụng quỹ bảo trì sai mục đích, trong khi chủ đầu tư lại lo giao tiền thì có được sử dụng thật hay không? Đây là một khoản tiền rất lớn, ai cũng nhìn vào để trì hoãn việc bầu Ban quản trị.

Tiền của cư dân phải trả về cho dân

Tại Hội nghị về phòng cháy chữa cháy do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức sáng nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng Luật Nhà ở 2005 đã quy định, người dân khi mua chung cư sẽ góp thêm một khoản tiền, tương đương 2% giá trị hợp đồng vào quỹ bảo trì phần sở hữu chung của chung cư, trong đó có công trình PCCC. Đây là tiền của cư dân thì phải trả về cho cư dân, mà đại diện là Ban quản trị.

Thị trường căn hộ đang chững lại sau khi vụ cháy xảy ra. Ảnh: Lê Quân/ Zing

Thị trường căn hộ đang chững lại sau khi vụ cháy xảy ra. Ảnh: Lê Quân/ Zing

Chủ đầu tư phải bàn giao tiền bảo trì cho Ban quản trị chung cư sau khi tổ chức này được thành lập trong vòng 15 ngày. Nếu chủ đầu tư không bàn giao thì UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính, để giao số tiền cho Ban quản trị chung cư.

Tuy nhiên, có một số trường hợp, chủ đầu tư chậm trễ thành lập Ban quản trị chung cư, dẫn đến số tiền quỹ đã không được sử dụng có hiệu quả cho công tác đảm bảo an toàn, PCCC.

Cụ thể là chung cư Carina Plaza, sau 6 năm hoạt động với 2 lần hội nghị vẫn không thành lập được Ban quản trị chung cư. Theo hồ sơ, quỹ bảo trì của chung cư Carina Plaza lên đến 23 tỷ đồng.

Do chưa thành lập được Ban quản trị nên chủ đầu tư vẫn quản lý số tiền này. Nhưng, việc sử dụng đang thiếu minh bạch, thiếu giám sát của các cư dân chung cư, đã góp phần gây nên thảm kịch vừa qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top