Aa

Chủ động điều hành ngân sách tháng cuối năm

Thứ Tư, 20/12/2023 - 13:30

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12/2023 và những tháng đầu năm 2024.

Trong tháng cuối cùng của năm, Bộ Tài chính đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần có thêm nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Tăng trưởng không đạt dự kiến, thu ngân sách đối mặt khó khăn

Công điện gửi bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chính sách thuế

Trong năm qua, Bộ Tài chính luôn kiên định mục tiêu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và từ đó quay trở lại có đóng góp vào NSNN.

Trong bối cảnh khó khăn, việc sử dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu là cần thiết. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí để tổng kết, đánh giá và có phương án trình các cấp có thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tuy tăng so với cùng kỳ, song mới đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước và qua công tác quyết toán NSNN hàng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong chi NSNN, sử dụng tài sản công, tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài,… ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN.

Theo số liệu cập nhật từ Bộ Tài chính, đến hết 15/12/2023, thu NSNN đạt 1.602,5 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán, giảm 5,3% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương đạt xấp xỉ 100%; ngân sách địa phương đạt 97,6% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 99,2%; thu dầu thô đạt 140,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 91,3% dự toán.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định thu NSNN sẽ đạt dự toán cả năm, tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ năm 2022. Nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến đã tác động tới thu NSNN.

Kiên định mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Qua phân tích của Bộ Tài chính, trong thu nội địa, một số khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ, như: 11 tháng, thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 52,6% dự toán, giảm 17,4% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 86,8% dự toán, giảm 13,6% so cùng kỳ... do thực hiện các chính sách giảm thu; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 78,9% dự toán, giảm 37% so cùng kỳ, do thị trường bất động sản chậm phục hồi.

Ảnh minh họa.

Nhiều khó khăn dồn về phía các địa phương, dự kiến có địa phương sẽ thu không đạt dự toán ngân sách được giao. Ước tính có 27 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng đạt trên 95% dự toán; 13 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ. Trong khi đó, có tới 50 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt công tác thu, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu đã hết thời gian được gia hạn theo quy định các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước; tăng cường thu nợ đọng thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, thất thu ngân sách, phấn đấu thu đạt mức cao nhất; góp phần có thêm nguồn lực để tạo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, xử lý các vấn đề phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong quản lý chi ngân sách, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chi NSNN, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời, bộ tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí mua vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tạo sinh kế cho dân, nuôi dưỡng nguồn thu

Nhận thấy tình hình thu NSNN còn nhiều khó khăn, trong tháng nước rút, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, có trách nhiệm triển khai các giải pháp điều hành ngân sách. Thủ tướng nhận định, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12/2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu... Các bộ, ngành tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN; đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào NSNN; đẩy nhanh công tác hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán năm 2023, UBND cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo HĐND chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương. Cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (quỹ dự trữ tài chính,...).

Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, thì phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi; trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động tăng/giảm lớn; tạo nguồn để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo do giảm thu cân đối ngân sách địa phương.

Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 58 của Luật Ngân sách nhà nước và khoản 1, Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top