Theo đó, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn.
Tính đến 31/10/2023, có 330 dự án (chiếm 46,3% tổng số 712 dự án) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (đã đưa đất vào sử dụng; đã, đang tham mưu trình thu hồi, chấm dứt dự án;...).
350 dự án (chiếm 49,2% tổng số 712 dự án) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng.
32 dự án (chiếm 4,5% trong tổng số 712 dự án) còn phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Dự kiến hoàn thiện trong tháng 12/2023.
Đánh giá về tình hình triển khai Nghị quyết, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho hay, số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi; quá trình triển khai dự án có nhiều diễn biến mức độ khác nhau.
Các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành thành phố; là nhiệm vụ lớn, khó được Thành ủy, HĐND Thành phố giao.
Đến nay, nhiều dự án được gia hạn đã khắc phục vi phạm, sử dụng đất đúng mục đích, chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đưa đất vào sử dụng, thực hiện dự án đầu tư; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Các trường hợp cố tình chây ỳ, tiếp tục vi phạm bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng; các dự án vi phạm bị cưỡng chế, bị thu hồi, bị chấm dứt hoạt động dự án được công khai, minh bạch thông tin tại địa phương và địa điểm sử dụng đất để tạo sự đồng thuận, giám sát của nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.