Ngày 27/6, chủ trì cuộc họp báo 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết vừa qua Chính phủ giao thành phố làm hai việc liên quan đến Sơn Trà, gồm xem xét theo quy hoạch phát triển du lịch thì số phòng khách sạn là vừa hay ít; và rà soát lại các dự án trên bán đảo này.
"Chúng tôi không hề đứng trước một áp lực nào"
Theo ông Thơ, Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng báo cáo trước 30/8, hiện thành phố đang chờ Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức hội thảo khoa học, lắng nghe ý kiến các bên liên quan... Về phía chính quyền thành phố khằng định trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến Sơn Trà sẽ "không để những yếu tố kinh tế lấn át đi", làm phương hại đến giá trị tự nhiên, môi trường, đặc sắc của bán đảo Sơn Trà.
"Chúng tôi không hề đứng trước một áp lực nào trong câu chuyện này. Nếu có thì đó là áp lực phải xử lý vấn đề khi rà soát lại, cắt giảm một số dự án, giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho nhà đầu tư. Và theo hướng sẽ giảm các dự án", ông Thơ nhấn mạnh và cho biết quan điểm của chính quyền thành phố là đi tìm một sự cân bằng hợp lý giữa bảo tồn và phát triển kinh tế.
Trước việc dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có đề xuất giữ nguyên trạng Sơn Trà, ông Thơ nói: "Chúng tôi chưa biết quan điểm giữ nguyên hiện trạng hiện nay là như thế nào. Vì ngoài một khu nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đưa vào khai thác, còn một số khu khác đang xây dựng dở dang, họ làm đường xá, trồng cây, dựng lên một số biệt thự rồi. Bây giờ giữ nguyên hay để cho những khu đó tiếp tục hoàn chỉnh".
"Bồi thường cho doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều tiền"
Theo Chủ tịch Đà Nẵng, thực trạng trên bán đảo Sơn Trà là một yếu tố cần phải xem xét. Trong số 25 dự án đã được cấp phép ở bán đảo này, có 18 dự án du lịch với diện tích đất khoảng 1.400ha. Trong đó, đất giao chỉ khoảng 77 ha, còn lại 800 ha đất thuê và hơn 500 ha đất giao quản lý phát triển rừng.
Hầu hết các dự án này đã hoàn thành thủ tục về đất đai. Diện tích đất giao đã được doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính, lấy sổ đỏ từ 5 đến 7 năm về trước; đất thuê cũng đã ký hợp đồng; chỉ còn đất giao quản lý là của thành phố.
"Nếu ngay từ đầu không có các dự án này thì thành phố giải quyết vấn đề Sơn Trà không quá khó. Còn bây giờ Đà Nẵng phải xử lý một thực tế như trên, không phải muốn là làm được ngay mà phải có quá trình rà soát, cân nhắc thật kỹ, để lựa chọn ra một điểm cân bằng, phù hợp", ông Thơ chia sẻ.
Ông Thơ cũng cho biết, lãnh đạo Đà Nẵng trong quá trình thảo luận, càng về sau các ý kiến càng nghiêng về quan điểm bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái, cùng với đó phải tính toán mức độ khai thác, phát triển hợp lý.
"Chúng tôi đang rà soát, nhưng vấn đề không đơn giản", ông Thơ nói và giải thích trước đây khi Đà Nẵng giao đất cho doanh nghiệp, Sơn Trà còn là thời kỳ hoang hóa, còn bây giờ lại đắc địa. Do vậy, khi thành phố thu hồi đất ở thời điểm này thì phải hỗ trợ, bồi thương, bố trí lại đất cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi đang tính quỹ đất của thành phố lấy đâu ra để bố trí lại với một số lượng đất đai hàng trăm ha ở vị trí đắc địa như thế, đặc biệt là quy ra tiền, tính cũng nát óc. Đưa dự án của doanh nghiệp đi bố trí nơi khác thì sẽ đụng đến giải phóng mặt bằng. Hoặc bồi thường phải theo giá thị trường. Tốn rất nhiều tiền", ông Thơ nói thêm.
Ngoài ra, theo ông, doanh nghiệp cũng bức xúc khi bỏ số tiền hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho dự án, và lãnh đạo thành phố "phải đối diện với việc đó".
Nguy cơ sạt lở ở Sơn Trà
Liên quan đến 40 móng biệt thự không phép ở bán đảo Sơn Trà, ông Thơ cho biết khu vực này đã đào xới lên, nước mưa có nguy cơ gây sạt lở, nhất là mùa mưa bão sắp đến. Nhà đầu tư có đề nghị cho phép họ khắc phục như trồng cây xanh, xây bờ kè... nhưng thành phố chưa đồng ý vì "Thủ tướng đang yêu cầu rà soát, trong lúc này không xây dựng thêm bất cứ hạng mục nào".
Vấn đề đáng quan tâm, theo ông Thơ là ai sẽ là người bỏ tiền ra khi xây bờ kè phòng sạt lở Sơn Trà. Nếu doanh nghiệp bỏ tiền ra, sau này họ sẽ lấy lý do để làm tiếp dự án. Thành phố cũng dự kiến bỏ tiền ngân sách ra làm, nhưng như thế là vô lý vì đất đã giao, cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp rồi, không thể bỏ ngân sách ra xây trên đất của doanh nghiệp được.
"Thường vụ Thành ủy sẽ quyết định việc này. Nếu thành phố bỏ tiền ra sẽ khách quan hơn, số tiền không nhiều nhưng nhạy cảm, sau này họ sẽ bồi hoàn lại. Còn theo hướng doanh nghiệp bỏ tiền ra làm thì phải đi kèm cam kết. Vấn đề dư luận càng quan tâm nên càng phải thận trọng", ông Thơ thông tin.
Về việc xử lý các cá nhân để xảy ra sai phạm ở khu 40 móng biệt thự, thành phố đã luân chuyển công tác Chánh thanh tra Sở Xây dựng; kỷ luật khiển trách phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.439 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Từ trước năm 2013, Đà Nẵng đã cấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.
Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng.
Chiều 28/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hoá và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch.
"Sẽ làm để xuống dưới 1.600 phòng"
Trả lời câu hỏi trong báo cáo của UBND TP Đà Nẵng trình Thủ tướng, ngoài con số 1.600 phòng khách sạn theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, còn có 1.920 căn biệt thự được giải thích là "biệt thự du lịch, không phải để ở", ông Huỳnh Đức Thơ cho biết số biệt thự nàylà theo quy hoạch cũ, trước đây thành phố cấp dự án cho các doanh nghiệp.
"Cái này chúng tôi đang rà soát để cắt, điều chỉnh. Bây giờ tất cả phải nằm trong khung 1.600 phòng mà Chính phủ cho phép. Con số hiện chưa vượt quá 1.600 phòng và chúng tôi sẽ làm để xuống dưới 1.600 phòng", ông Thơ nói.