Aa

Quy hoạch bán đảo Sơn Trà: Chỉ cần có Tâm, là sẽ làm được!

Thứ Ba, 06/06/2017 - 06:32

Vụ việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà vốn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nay có vẻ càng rắc rối, lùm xùm hơn. Theo góc nhìn của cá nhân mình, tôi nghĩ rằng, lẽ ra, vụ việc ở Sơn Trà đã có thể giải quyết êm xuôi hơn nhiều, nếu như các phía tôn trọng ý kiến của nhau hơn, tránh đẩy những bất đồng lên thành sự "đối kháng" không cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, vẫn có cách để gỡ nút thắt ấy, nếu những người liên quan đến dự án thực sự yêu Sơn Trà bằng chính cái Tâm của mình!

Trước khi nói về chữ "Tâm", xin đi ngược lại thời gian một chút. Cách đây hơn 3 năm, thành phố Đà Nẵng đã thuê một công ty nổi tiếng của Mỹ và có được bản quy hoạch phát triển Sơn Trà. Bản quy hoạch ấy đã được giải thưởng trong năm 2014 do Hội kiến trúc sư Mỹ bình chọn. Như vậy, Đà Nẵng đã không dám quy hoạch "bừa", không ứng xử "cẩu thả" với Sơn Trà. Họ rất thận trọng, cầu thị khi lựa chọn đơn vị thiết kế nổi tiếng nước ngoài; việc bản quy hoạch ấy đạt giải cho thấy hai bên đã làm việc hết sức trách nhiệm, tâm huyết, khoa học, hợp lý, trong đó, có đầy đủ, chi tiết về những yếu tố, biện pháp liên quan đến bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp hài hòa giữa giữ gìn và phát triển.

Bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng

Bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng

Sự việc chỉ trở nên phức tạp hơn khi vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà được nâng tầm thành khu du lịch quốc gia. Lúc đó, nó cần sự vào cuộc của Bộ VH, TT và DL. Khi được giao trọng trách rà soát lại quy hoạch, chính Bộ này đã điều chỉnh phương án xây dựng quy mô 5.000 phòng nghỉ trước đây xuống mức giới hạn còn 1.600 phòng. Đây có thể coi là một quyết định cứng rắn, làm giảm đáng kể sức ép cơ học dồn lên Sơn Trà. Qua đó, cũng thể hiện được quan điểm của Bộ, đó là không "tận dụng" thiên nhiên, cảnh quan bằng mọi giá. Những quan điểm, cách nghĩ đó cần được ghi nhận và trân trọng.

Vụ việc bắt đầu căng thẳng, phức tạp hơn khi xuất hiện ý kiến mà đến giờ được coi là trái chiều của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Trong các buổi hội nghị, hội thảo, có sự tham gia của đầy đủ cơ quan chức năng, ông Vinh là người lên tiếng mạnh mẽ nhất và tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng để bảo vệ Sơn Trà". Như thường lệ, những tiếng nói "đanh thép", kiểu "một mình chống lại cối xay gió" đầy quả cảm, bất khuất ấy dễ dàng chiếm được sự ủng hộ, tung hô của dư luận, nhất là những người vốn cảm tính, chỉ nhắc đến hai chữ "môi trường" là giãy nảy phản ứng. Mổ xẻ, phân tích kỹ những ý kiến của ông Vinh, sẽ thấy, trong đó, có nhiều phát ngôn mang tính cảm tính, thiếu khách quan. Đáng chú ý nhất là đề xuất của ông: "Giữ nguyên hiện trạng khi quy hoạch bán đảo Sơn Trà?!?".

Đây là một ý kiến hết sức khó hiểu, dù nghe xuôi tai số đông dư luận. Giữ nguyên hiện trạng ở đây là hiện trạng nào? Hiện trạng đang có những công trình đã được xây dựng từ trước trên đó, hay hiện trạng ban đầu, khi Sơn Trà vẫn nguyên sơ? Nếu theo cách hiểu là giữ nguyên hiện trạng như khi chưa có quy hoạch, thì người ta cần gì phải làm quy hoạch nữa? Lúc đó, trách nhiệm chính với Sơn Trà sẽ là giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng, và như vậy, đâu cần phải mất công thuê công ty kiến trúc để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch?

Còn nếu giữ nguyên hiện trạng như hiện tại, nghĩa là khi Bộ VH - TT & DL vào cuộc, thì phía chủ đầu tư sẽ phải xử lý ra sao khi hiện trạng bây giờ là một hệ thống những công trình dang dở, vừa mới bắt tay triển khai, hiện đang bị dừng lại? Giữ nguyên hiện trạng dang dở ấy, Sơn Trà sẽ thành cái gì với chiếc áo nham nhở như vậy? Và, những thiệt hại mà phía nhà thầu đã bỏ công sức đầu tư, sẽ phải giải quyết như thế nào?

Chỉ cần một câu tuyên bố mà khiến cho người ta không biết nên hiểu thế nào. Và dù hiểu thế nào, cũng phải đối mặt với biết bao nhiêu vướng mắc không dễ gì khắc phục được. Lúc này mới thấy, cái câu nghe xuôi lòng dư luận kia, thực ra lại là một câu "đánh đố" với chính quyền Đà  Nẵng và các cơ quan chức năng.

Đương nhiên, dù khó đến đâu, Bộ VH - TT & DL và Đà Nẵng vẫn phải tìm ra biện pháp tháo gỡ hợp lý cho vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Vấn đề, biện pháp ấy là gì? Đó là một câu hỏi hết sức phức tạp, mà chỉ làm bằng cái Tâm của mình, họ mới giải quyết một cách hợp tình, hợp lý. Cái Tâm ở đây, phải là của cả cơ quan chức năng và nhà đầu tư, sau đó là người thụ hưởng. Cái Tâm không chỉ thể hiện ở khâu quy hoạch, mà còn cần giữ được trong suốt quá trình triển khai.

Trên thực tế, dù quy hoạch có chuẩn, nhưng, khi triển khai nếu không có sự giám sát chặt chẽ, sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Các chủ dự án, dù có là nhà đầu tư trong nước, họ vẫn là doanh nghiệp làm kinh tế, lợi nhuận luôn được họ đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phải lựa chọn nhà đầu tư thế nào, có kinh nghiệm, năng lực về phát triển du lịch ra sao, đó là điều cần hết sức coi trọng. Bên cạnh đó, việc cấp phép các công trình, quản lý chặt chẽ quá trình thi công, xây dựng cũng là điều không thể thờ ơ, coi nhẹ.

Muốn vậy, các cơ quan chức năng, nhất là thành phố Đà Nẵng phải phát huy được tinh thần trách nhiệm và tình yêu với Sơn Trà. Không thể dễ dãi, thỏa hiệp với những sai phạm gây tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường trên đó. Không thể vì nguồn thu kinh tế mà bất chấp các điều luật, phát triển bằng mọi giá, tận thu nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nhà đầu tư, cũng phải xác định đầu tư vào Sơn Trà là nguồn đầu tư lâu dài, cho tương lai. Ngoài lợi nhuận kinh tế, họ phải có trách nhiệm gìn giữ cảnh quan nơi đây, bảo vệ nguồn đa dạng sinh học, thực hiện phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên bền vững.

Phải xác định làm du lịch với Sơn Trà bằng cái Tâm. Cái Tâm không chỉ với Sơn Trà, Đà Nẵng, mà còn là cái Tâm với thiên nhiên, môi trường sống của quanh mình. Chỉ khi làm việc vì cái Tâm, xuất phát từ cái Tâm, Sơn Trà mới vừa trở thành một khu nghỉ dưỡng, du lịch lý tưởng, độc đáo, đồng thời, vẫn giữ được sự ổn định, bền vững và những vẻ đẹp thuần khiết của mình. Chỉ sợ rằng, những người đang được giao quy hoạch và tham gia bảo vệ Sơn Trà, họ không có được cái Tâm trong sáng ấy thôi!?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top