Nhận lời mời của SGX, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đã tham gia đánh cồng khai trương phiên giao dịch đặc biệt này.
Sự kiện có sự tham dự của ông Loh Boon Chye - Chủ tịch SGX; ông Bicky Bhangu - Phó Chủ tịch Liên đoàn kinh doanh Singapore; Đại sứ Việt Nam tại Singapore; cùng hàng trăm lãnh đạo cấp cao đến từ các hiệp hội quốc tế, doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam (BRG, FLC, SeaBank, Petrolimex, Vietcombank, Vietnam Airlines, SHB) và Singapore trên nhiều lĩnh vực: bất động sản, tài chính, giáo dục, sản xuất, bán lẻ…
Thị trường trọng điểm
Phát biểu tại Diễn đàn kết nối kinh doanh Việt Nam – Singapore được tổ chức cùng ngày tại trụ sở SGX, người đứng đầu FLC đánh giá, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam đang rộng mở.
“Việt Nam đang là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu tại Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, điều kiện không gian của Singapore, như chúng ta đã biết, khá chật hẹp so với tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại quốc đảo này. Do đó, tôi tin rằng việc tăng cường kết nối, xúc tiến tại những thị trường nhiều cơ hội như Việt Nam, sẽ mang lại lợi ích song phương cho cả hai phía, Việt Nam cũng như Singapore”, ông nói.
Cách đây hai năm, FLC đã tổ chức thành công roadshow đầu tiên tại Singapore, bước đi quan trọng đầu tiên trong việc quảng bá sản phẩm và xúc tiến đầu tư nói chung giữa FLC và thị trường tiềm năng này.
Quá trình xúc tiến đầu tư của FLC tại Singapore sau đó đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực quan trọng, như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, vận hành quản lý khách sạn hay đặc biệt là hàng không.
Với bất động sản, danh mục dự án đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý của FLC đã lên tới khoảng 300 dự án. Kế hoạch 5 năm tiếp theo, doanh nghiệp dự kiến mở rộng chuỗi quần thể này lên 20 quần thể và ước tính khoảng 100 sân golf trên khắp hệ thống, với quy mô hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á.
Mới đây, thương hiệu đầu tư và phát triển bất động sản chủ lực tại Tập đoàn FLC là FLCHomes đã chính thức ra mắt, với định hướng trở thành thương hiệu đầu tư và phát triển bất động sản nằm trong top 3 Việt Nam. Quỹ dự án đầu tư và phân phối của FLCHomes ước tính có thể đáp ứng cho khả năng cung ứng và vận hành của FLCHomes đến 2030.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quốc tế và FLC có thể đẩy mạnh hợp tác trong đầu tư tài chính để phát triển dự án hoặc hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như tư vấn thiết kế, xây dựng hoặc vận hành dự án.
“Trong lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways đã ký kết nhiều hợp tác quan trọng với các đối tác Singapore, trong đó có SIA Engineering là thương hiệu hàng đầu trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật hàng không thuộc hãng hàng không Singapore Airlines”, ông Quyết nói.
Tháng 9 vừa qua, Bamboo Airways đã nhận được giấy phép khai thác do Cục Hàng không Singapore phê duyệt để thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ đi/đến Singapore. Các thủ tục tiếp theo đang được xúc tiến để Bamboo Airways có thể đưa đón du khách đến và đi từ sân bay Changi Airport một cách sớm nhất.
Theo người đứng đầu Tập đoàn FLC, có hai yếu tố đang đưa Bamboo Airways trở thành một hiện tượng của ngành hàng không: đó là tỷ lệ đúng giờ dẫn đầu toàn ngành từ khi vận hành, tiếp đó là triết lý về dịch vụ tận tâm, đẳng cấp. Bamboo Airways cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam hướng tới dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao.
Bamboo Airways cũng đang gây chú ý với kế hoạch dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2020. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ huy động khoảng 100 triệu USD, góp phần giúp Bamboo Airways mở rộng đội máy bay, từ gần 10% thị phần ở thời điểm này hướng tới chiếm lĩnh 30% thị phần trong năm 2020.
Tái khởi động tiến trình niêm yết
Nói về tiến trình niêm yết tại Singapore, ông Quyết cho biết, năm 2014, FLC bắt đầu khởi động tiến trình niêm yết tại nước ngoài, và Singapore được chọn là điểm đến đầu tiên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh luật pháp Singapore cũng như các quy định luật chứng khoán, đầu tư của Việt Nam ở thời điểm đó còn nhiều hạn chế, không chỉ FLC mà nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải tạm hoãn lộ trình này.
“Nhưng chúng tôi nhận thấy nhiều tín hiệu thuận lợi hơn từ sau thời điểm tổ chức roadshow năm 2017, và chúng tôi đang khởi động lại quá trình này. Dự kiến, nếu thuận lợi việc niêm yết của FLC tại Singapore sẽ diễn ra trong năm 2020 hoặc 2021. Sau đó, chúng tôi có thể phân tích lợi ích và điều kiện thực tế để thực hiện các đợt IPO ở các thị trường quốc tế khác”, ông Quyết nói.
Lý giải việc chọn Singapore là thị trường đầu tiên trong tiến trình niêm yết quốc tế, Chủ tịch FLC nhận xét, Singapore là một trung tâm của thị trường tài chính châu Á, kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, có tiêu chuẩn khắt khe và mức độ an toàn cao.
Do vậy, niêm yết tại SGX là cơ hội giúp FLC thu hút thêm nguồn vốn đầu tư phục vụ danh mục dự án quy mô lớn; đồng thời cũng giúp FLC nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn quản trị, tính minh bạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Diễn đàn Kết nối kinh doanh Việt Nam – Singapore do Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore phối hợp với Sàn chứng khoán Singapore, Liên đoàn kinh doanh Singapore tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, nhân 20 năm hoạt động của Sàn chứng khoán Singapore (SGX). Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sự hiện diện ra quốc tế; đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Singapore và quốc tế quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức M&A.