Aa

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 136 dự án tại Hà Nội

Chủ Nhật, 25/06/2017 - 23:00

17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực đã được TP. Hà Nội công bố và kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp tại Hội nghị Hà Nội 2017: Hợp tác, Đầu tư và Phát triển.

Sáng 25/6, Hội nghị Hà Nội 2017: Hợp tác, Đầu tư và Phát triển đã khai mạc tại Khách sạn Lotte Hanoi.

Hội nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương, cam kết của Chính phủ “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, với tinh thần tiên phong về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

hủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 136 dự án theo hình thức PPP và xã hội hóa (Ảnh: K.T)

hủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 136 dự án theo hình thức PPP và xã hội hóa (Ảnh: K.T)

Đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau 1 năm tổ chức Hội nghị Hà Nội: Hợp tác, Đầu tư và Phát triển năm 2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tại Hội nghị ngày 04/6/2016, Thành phố đã giới thiệu với các nhà đầu tư 52 dự án PPP và 43 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư dự kiến là 710,95 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất.

Tại Hội nghị năm 2016, Thành phố đã trao quyết định quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án. Đến nay, có 4 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án đã khởi công và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ khởi công thêm 4 dự án; các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục thiết kế xây dựng.

“Để đảm bảo mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, và đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức: FDI, PPP, xã hội hóa,… tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư với 136 dự án và ngay sau Hội nghị này các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục.

Trong đó, gồm 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý là 11 dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị; 23 dự án công viên, cây xanh; 35 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề; 12 dự án trung tâm thương mại; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, Thành phố Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức, hiệp hội, chính quyền của các tỉnh, thành phố trong nước và các quốc gia trên thế giới để cùng phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top