Aa

Chủ tịch Ocean Group kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa liên quan đến cổ phần của ông Hà Văn Thắm

Thứ Tư, 17/04/2019 - 22:41

Trên Báo cáo kiểm toán năm 2018 của OGC, kiểm toán AASC đưa ra ý kiến ngoại trừ về con số 3.665 tỷ đồng ở khoản mục phải thu dài hạn của công ty...

Liên quan đến bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân quận Ba Đình xét xử trong Vụ việc kinh doanh thương mại số 42/2018/TLSTKDTM giữa Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (chủ sở hữu là ông Hà Văn Thắm) với Tập đoàn vừa qua, Ocean Group đã nộp đơn kháng cáo lên các cấp thẩm quyền.

Đó là thông tin được ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) chia sẻ với báo giới xung quanh câu chuyện lùm xùm xảy ra suốt thời gian dài tại Tập đoàn này.

Dấu hỏi quyền cổ đông của 84,77 triệu cổ phần thuộc sở hữu của công ty do ông Hà Văn Thắm sở hữu

Câu chuyện bắt nguồn từ cuộc họp đại hội cổ đông năm 2018 của OGC sau 2 lần đầu không đủ tỷ lệ biểu quyết tham dự, được tổ chức vào ngày 15/8/2018. Tuy nhiên tại phiên họp này, OGC đã không thực hiện thủ tục đăng ký tư cách cổ đông cho Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (công ty của ông Hà Văn Thắm, sở hữu 84.779.140 cổ phần, chiếm 28,3% cổ phần có quyền biểu quyết công ty, ủy quyền cho bà Nguyễn Thanh Hương là đại diện).

Công ty tư nhân Hà Bảo do ông Hà Văn Thắm làm chủ

Công ty tư nhân Hà Bảo do ông Hà Văn Thắm làm chủ

Lý do được OGC đưa ra căn cứ theo Quyết định số 41/QĐ-CTHADS ngày 10/8/2018 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội.

Theo đó, "68.779.140 cổ phiếu đứng tên doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và 3.333.333 cổ phiếu đứng tên Hà Văn Thắm bị kê biên, xử lý. Số tài sản kê biên này để thi hành án đảm bảo cho nghĩa vụ của Hà Văn Thắm với Nhà nước, vì vậy Hà Văn Thắm và DN tư nhân Hà Bảo không được sử dụng tài sản này để tham gia thỏa thuận dưới bất kì hình thức nào, trong đó bao gồm cả quyền thỏa thuận với các cổ đông khác tại OGC, không được thực hiện quyền chủ sở hữu, quyền định đoạt, quyền cổ đông tại OGC từ thời điểm bản án có hiệu lực cho đến khi Hà Văn Thắm thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án".

Tuy nhiên, sau cuộc họp ĐHCĐ 2018, doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã gửi đơn kiện lên tòa án nhân dân quận Ba Đình yêu cầu hủy Nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2018 của OGC, với lý do Tập đoàn vi phạm thủ tục đăng ký cổ đông dự họp, không được tổ chức trong vòng 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tiếp đó, Tòa án Nhân dân quận Ba Đình có ban hành Quyết định Thay đổi Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời số 146/2018/QĐ-BPKCTT hủy Nghị quyết Đại hội cổ đông 2018 của OGC.

Theo quan điểm của Tòa án quận Ba Đình, mặc dù Hà Bảo bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì lí do DN ngừng hoạt động 1 năm, được coi là đang trong quá trình giải thể thì DN và người đại diện theo pháp luật của DN vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Do đó, đại diện chủ sở hữu của Hà Bảo là bà Nguyễn Thanh Hương, đại diện theo ủy quyền vẫn có các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật. Việc loại bỏ tư cách cổ đông, không cho Hà Bảo tham gia họp ĐHCĐ thường niên lần 3 năm 2018 của OGC là không có căn cứ.

OGC kháng cáo, vẫn tiếp tục tổ chức ĐHCĐ 2019

Trả lời báo giới, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT của OGC cho biết dự kiến ngày 27/4 tới đây Tập đoàn sẽ tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019, cũng là Đại hội kết thúc nhiệm kỳ 2014 – 2019 theo đúng quy định của pháp luật. OGC đã nộp đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân Quận Ba Đình, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về việc DNTN Hà Bảo yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018 OGC .

Ông Thụ cũng nói rằng trước khi thống nhất được ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tập đoàn Đại Dương cũng đã tiến hành đúng các trình tự thủ tục theo quy định của Điều lệ và Luật Doanh nghiệp. HĐQT được hoạt động trên nguyên tắc tập thể và quyết định trên nguyên tắc đa số. Tuy nhiên, một số thành viên trong Hội đồng quản trị vì nhiều lý do khác nhau đã không tôn trọng ý chí tập thể, cố tình phản đối nhằm kéo dài việc chốt ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên kết thúc nhiệm kỳ theo Luật định, đó là hành động không thể chấp nhận được. Vì nó không chỉ vi phạm quy định về tổ chức Đại hội của công ty niêm yết, mà còn thể hiện sự không tôn trọng các cổ đông.

"Tập đoàn Đại dương đã làm đúng trình tự. Chúng tôi cũng mong muốn kỳ đại hội sắp tới đây sẽ diễn ra thành công và một HĐQT nhiệm kỳ mới sẽ đưa Tập đoàn ngày một đi lên", ông Thụ chia sẻ.

Kế hoạch kinh doanh bằng 1/3 thực hiện 2018

Năm 2019 OGC đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 55 tỷ đồng và LNST 16 tỷ đồng, bằng 1/3 lợi nhuận thực hiện năm 2018. OGC cho rằng các chỉ tiêu kinh tế hợp nhất của toàn Tập đoàn có số liệu ảnh hưởng trọng yếu chiếm tới 90% là từ CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH). Do trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 của OCH có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế, đó là việc khách sạn Sunrise Hội An đã bị kê biên để xử lý khoản nợ của Công ty IOC (công ty con của OCH).

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Trên Báo cáo kiểm toán năm 2018 của OGC, kiểm toán AASC đưa ra ý kiến ngoại trừ về con số 3.665 tỷ đồng ở khoản mục phải thu dài hạn của công ty. Kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản này, AASC không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số dư gốc và lãi phát sinh tương ứng hay không, hiện trên báo cáo đã trích lập dự phòng hơn 4.000 tỷ.

Công ty cũng có khoản hỗ trợ vốn và khoản phải thu về chi phí sử dụng vốn, các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán được trích lập dự phòng. Sau khi trích lập dự phòng giá trị khoản hỗ trợ vốn là 117 tỷ đồng, số dư gốc là 1.576 tỷ. Kiểm toán không thu thập được bằng chứng về giá trị có thể thu hồi.

OGC cho biết đã thuê 01 công ty tư vấn Luật thay mặt nhận ủy quyền để thực hiện việc thu hồi nợ nhưng không hiệu quả. Nhiều công ty bên công ty tư vấn xác định không liên lạc được do chuyển địa điểm và thiếu thông tin. OGC đã khởi kiện 02 đơn vị ra TAND cấp thẩm quyền, trong đó 01 đơn vị đã có bản án hiệu lực (công ty Vinafacad) nhưng vẫn chưa thu hồi được công nợ. Các khoản công nợ khó đòi do các hợp đồng hỗ trợ vốn không có tài sản đảm bảo (TSĐB) hoặc TSĐB không rõ ràng là tín chấp nên khó thu hồi khi quá thời hạn, ngoài ra khoản án phí là rất lớn trong khi những năm qua OGC rất khó khăn về mặt tài chính.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh tại thời điểm 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của OGC nhỏ hơn nợ ngắn hạn 285 tỷ đồng, số lỗ lũy kế lên tới 2.861 tỷ trên vốn 3.000 tỷ. Những yếu tố này cùng với các yếu tố ngoại trừ nói trên khiến kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Công ty xác định các lĩnh vực: Bất động sản và kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng vẫn là các hoạt động chính của Công ty trong những năm tiếp theo. Công ty sẽ tập trung vào một số bất động sản hiện có tại những vùng tiềm năng như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang...

Công ty sẽ thực hiện việc cấu trúc bộ máy quản lý của các công ty con, rà soát và có chỉ đạo sát sao tới các công ty con tiềm năng có tài sản có giá trị, bảo toàn các tài sản hiện có và tối đa hóa lợi nhuận cho Công ty và cổ đông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top