Chưa có phương án cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2
Nhiều câu hỏi liên quan vấn đề chậm xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực được đặt ra tại buổi họp báo, đặc biệt là vấn đề khi nào xử lý xong sai phạm trật tự xây dựng để công trình đi vào hoạt động, không gây mất mỹ quan đô thị như hiện nay… Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho hay, không thể trả lời được 1 hay 2, hay 3 tháng nữa sẽ xử lý xong.
Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cơ quan chức năng đang chuẩn bị cho lắp cẩu tháp để triển khai cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực, gồm tầng 17 và 18. Tuy nhiên, chính Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận, đến nay chưa có phương án cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình. Thậm chí, việc quyết toán, thanh toán chi phí cho đợt phá dỡ giai đoạn 1 là tầng 19 và tum thang đến nay chưa có cơ sở để thanh toán dù đã qua gần 4 năm.
“Quận Ba Đình vẫn đang tìm kiếm đơn vị có đủ năng lực để thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 là tầng 17 và 18 của công trình 8B Lê Trực. Sau khi tìm được đơn vị lập phương án phá dỡ, sẽ cho thẩm định lại rồi mới ra được phương án phá dỡ cụ thể để phê duyệt. Sau đó mới tìm kiếm đơn vị thi công phá dỡ để thực hiện phá dỡ. Dù tích cực tìm kiếm nhưng đến nay, quận Ba Đình vẫn chưa tìm được đơn vị nhận thiết kế phương án phá dỡ. Do vậy, chưa biết khi nào xử lý xong sai phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực”, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nói.
Cũng theo ông Chiến, kết cấu kỹ thuật tòa nhà rất phức tạp, việc phá dỡ lại phải đảm bảo an toàn cho phần giữ lại sử dụng. Có thể vì lý do đó nên ít đơn vị mặn mà với việc tham gia xử lý sai phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực.
“Chúng tôi đã xin ý kiến UBND TP. Hà Nội và đã được đồng ý, nếu không có đơn vị trong nước nào tham gia thiết kế phương án phá dỡ, sẽ mời đơn vị ở nước ngoài vào. Khi nào tìm được đơn vị thiết kế phá dỡ công trình sẽ công khai thông tin”, ông Chiến nói.
Trả lời báo chí về việc vì sao gần 4 năm qua, công trình 8B Lê Trực tồn tại là khối bê tông sừng sững gây mất mỹ quan đô thị nhưng vẫn bế tắc trong phương án xử lý, ông Chiến cho biết, quận Ba Đình rất nỗ lực nhưng vụ việc rất phức tạp nên không thể xử lý nhanh.
Nhiều người mua nhà không khỏi bức xúc khi hơn 4 năm qua chính quyền không thể cắt ngọn công trình, chậm trễ xử lý sai phạm khiến trong thời gian chờ xử lý, người mua nhà đã phải chịu nhiều thiệt thòi, nhiều hộ lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Chị Hương, chủ 1 căn hộ tại dự án đưa câu hỏi: "Chúng tôi là công dân, chúng tôi sẵn sàng tuân thủ quy định của pháp luật. Thế nhưng 4 năm qua chúng tôi đã tuân thủ rồi và họ không làm gì cho chúng tôi cả. Xử lý cho tồn tại hay phá dỡ phải có phương án cụ thể. Tôi được biết nếu phá dỡ sẽ không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Những người dân như chúng tôi phải chịu thiệt thòi, liên đới không ít thì nhiều".
Ông Phạm Quang Lung, chủ căn hộ 1604 cũng bày tỏ bức xúc: "Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm, đảm bảo an toàn cho tòa nhà cũng như cư dân và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Thế nhưng, thời điểm hiện tại đã hơn 4 năm nhưng dự án vẫn chỉ là đống bê tông, sắt thép và những người mua nhà chúng tôi vẫn chưa đươc nhận nhà".
Tháo dỡ tầng 17 - 18 căn cứ vào giấy phép số 11 do Sở Xây dựng cấp đang gây tranh cãi
Khi được hỏi về căn cứ để tiến hành cưỡng chế tháo dỡ tầng 17 và 18 khi thực hiện tháo dỡ giai đoạn 2 của dự án 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: “Công tác quản lý trật tự xây dựng, cụ thể xử lý những công trình xây sai phép thì chúng tôi căn cứ vào giấy phép. Ở công trình này cũng vậy, chúng tôi dựa vào giấy phép số 11 do Sở Xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực”,
Thông tin ông Chiến nêu về việc chuẩn bị tháo dỡ tầng 17, 18 giai đoạn 2 lập tức khiến những người dân mua nhà ở hai tầng này hốt hoảng. Rất nhiều hộ dân kéo đến trụ sở quận Ba Đình bày tỏ ý kiến.
"Trong giấy phép xây dựng được phê duyệt chúng tôi còn giữ ghi rõ: Có tầng 17 và tầng 18 nên mới quyết định bỏ tiền tỷ mua căn hộ. Không lẽ chúng tôi mua nhà theo giấy phép cấp mà giờ mất nhà?", một hộ dân bày tỏ sự lo lắng.
Ông Tạ Nam Chiến cũng thừa nhận trong giấy phép xây dựng cấp cho công trình 8B Lê Trực có ghi cả tầng 17, 18 và nhiều chỉ tiêu khác như diện tích sàn, khoảng lùi... Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng tầng 17, 18 của công trình này vẫn vi phạm chiều cao.
Về nội dung này, chủ đầu tư 8B Lê Trực đã nhiều lần khẳng định, dự án 8B Lê Trực không cần xin phép xây dựng chỉ cần dựa vào quy hoạch tỷ lệ 1/500. Nếu dựa vào quy hoạch 1/500 thì dự án này không phải tháo dỡ tầng 17 và 18.
Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cũng cho rằng, giấy phép số 11 do Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp là sai với quy định, bởi không ai cấp cho công trình xây 18 tầng mà chỉ có 53m.
“Sau khi đình chỉ thi công, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị đến Thủ tướng, sau đó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội ra văn bản 7539 giao cho Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn thủ tục cấp phép, sau đó chúng tôi làm theo hướng dẫn của Sở này.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc hướng dẫn lập phương án thiết kế kiến trúc là 18 tầng 53m. Dự án thuộc cơ quan thẩm quyền hướng dẫn của cơ quan quản lý cho nhà đầu tư, do vậy giấy phép và phương án kiến trúc công trình 8B Lê Trực được sự hướng dẫn và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại dự án này có sự vô lý và bất cập, cụ thể việc cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho dự án này là 18 tầng nhưng chỉ 53m là không đúng theo quy định”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Lý giải về việc sau khi nhận được giấy phép xây dựng không đúng theo quy định nhưng không có ý kiến phản hồi, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Sau khi nhận được thông tin giấy phép không đúng tiêu chuẩn xây dựng, chúng tôi đã không có ý kiến vì về phía doanh nghiệp thì phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý. Nếu có kiến nghị thì chúng tôi sẽ bị đình chỉ dự án, và như vậy thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ nên phải chấp nhận để tiếp tục thực hiện dự án”.
Trả lời câu hỏi nếu phá dỡ cắt ngọn 2 tầng 17- 18 thì quyền lợi của người mua căn hộ ở 2 tầng này sẽ được đảm bảo như thế nào, ông Tạ Nam Chiến cho rằng, trách nhiệm đối với người mua thuộc về chủ đầu tư công trình và khẳng định sẽ cưỡng chế cắt ngọn 2 tầng này của công trình 8B Lê Trực vì vi phạm diện tích sàn, quá chiều cao và không giải thích gì thêm.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư cho hay: “Việc bán nhà cho khách hàng có nhiều hình thức, bàn giao thô, bàn giao hoàn thiện, bàn giao hoàn chỉnh. Ở dự án này, chúng tôi đã bàn giao thô cho các hộ dân để các hộ hoàn thiện, sau đó các hộ lắp đặt thiết bị dân dụng rồi đưa vào sử dụng. Do việc cưỡng chế, phá dỡ chưa kết thúc nên UBND quận trả lời như vậy là chưa chính xác. Việc hoàn thành nghĩa vụ của chủ đầu tư với các hộ dân phụ thuộc vào tiến độ cưỡng chế tại dự án này của UBND quận Ba Đình”.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam
"Chúng ta tranh cãi nhau quá nhiều về các văn bản. Tòa nhà 8B Lê Trực là hàng hóa đặc biệt, những khách hàng ở đây họ mua hợp pháp, có hợp đồng nên họ là những người thiệt thòi nhất.
Việc cắt ngọn, cắt theo chiều ngang hiện nay chưa có quốc gia nào làm. Đây là nhà xây dựng theo khung, có kết cấu hoàn chỉnh nên chỉ cần "động" tới là có vấn đề. Do vậy, ai phá dỡ sẽ phải ký vào xem công trình còn tồn tại được bao nhiêu năm. Điều này cần phải làm rõ trước khi thực hiện phá dỡ".