Dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), sáng 20/9.
Trước đó, nêu sự kiện đau lòng cháy chung cư mini tại Khương Hạ làm 56 người chết vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát.
Nhắc lại thông tin này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra Luật Nhà ở sửa đổi) rà soát lại Dự án Luật Nhà ở sửa đổi, “dứt khoát không luật hóa chung cư mini” trong luật này.
Ông Huệ cho biết, trước đây, dự thảo luật đã thiết kế một điều riêng cho chung cư mini, đến dự thảo hiện tại vẫn giữ quy định về loại hình này, nhưng đưa thành một điều khác.
“Các đồng chí rà soát lại Dự thảo Luật Nhà ở, không được hợp thức hóa hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi các đồng chí thấy rất đau xót, nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và gợi ý, liệu có nên cho phép Hà Nội có quy định riêng về tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy khi sửa Luật Thủ đô hay không.
Phát biểu ngay sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói, vấn đề chung cư mini vô cùng bất cập. Như chung cư mini trong vụ cháy vừa rồi, cho phép xây dựng 6 tầng thôi, nhưng xây dựng tới 9 tầng là vi phạm.
Tuy nhiên, với mật độ xây dựng trong khu vực này mà cho phép xây dựng 6 tầng thì có phù hợp không? Phải chăng, chỉ cho 2 - 3 tầng. Ông Dũng nêu vấn đề và đề nghị phải giao Hà Nội quyết định những vấn đề về tiêu chuẩn quy chuẩn, vào những địa bàn cụ thể thì mới đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.
Liên quan đến vấn đề xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn đối với một số hành vi trong một số lĩnh vực tại khu vực nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước, góp phần làm giảm số vụ vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.
Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng, tỷ lệ số công trình có vi phạm hành chính đã giảm từ 8,97% năm 2014 xuống còn 2,13% năm 2020…
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy bên cạnh 3 lĩnh vực là văn hoá, đất đai, xây dựng thì phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo hiện cũng đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất “nóng” và phức tạp, nhưng mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của Luật Thủ đô hiện hành về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại khu vực nội thành không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi áp dụng “hai loại chế tài” xử phạt khác nhau trong cùng một thành phố.
Do đó, Điều 34 dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực (phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo) mà HĐND Thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực này.
Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Thành phố Hà Nội, Dự thảo Luật quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và giao HĐND thành phố Hà Nội quy định cụ thể hành vi vi phạm trên cơ sở Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và thủ tục áp dụng.