Aa

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Hãy tiến ra biển để làm du lịch sinh thái"

Thứ Tư, 26/08/2020 - 06:00

“Chúng ta đã có những bài học để phát triển đô thị lấn biển. Do đó, địa phương nào có điều kiện lấn biển thì nên lấn và nơi nào chưa làm thì nên nghĩ đến trong tương lai”.

Kích hoạt tiềm năng biển, kinh tế biển qua việc hình thành các chuỗi đô thị biển, đảo xanh, sinh thái là xu hướng tất yếu trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Mặc dù sở hữu những tiềm năng lớn từ biển cả nhưng việc khai thác của Việt Nam vẫn hết sức dè dặt. Thậm chí, chỉ cần liên quan đến xây dựng, khai thác là sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Để hiểu thêm về những vấn đề này, Reatimes đã có cuộc gặp gỡ với ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - vị chuyên gia luôn ủng hộ tư tưởng tiến ra biển, khai thác giá trị biển để đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và đất nước.

TẠI SAO CHÚNG TA CÒN CHẦN CHỪ?

PV: Thưa ông, có thể nói rằng, việc phát triển các đô thị biển là chiến lược quan trọng và mũi nhọn để khai thác kinh tế. Ông nhận định như thế nào về câu chuyện làm đô thị lấn biển?

Ông Trần Ngọc Hùng: Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện chiến lược lấn biển, hình thành các đô thị sinh thái, du lịch ven biển. Điển hình như Dubai, từ một làng chài nhỏ bé ven biển chỉ có 60km đường bờ biển, họ đã xây dựng những tòa cao ốc và khách sạn khổng lồ dọc mép nước tạo thành một bức tường khổng lồ. Đến nay bờ biển của Dubai được kéo dài lên đến 520km, thu hút hàng chục tỷ USD mỗi năm từ khách du lịch. 

Hay như đảo quốc Singapore, diện tích trong suốt 50 năm qua đã được mở rộng hơn 20% bằng cách lấn ra vùng biển xung quanh và sử dụng đất, cát, đá ở mỏ, mua từ nơi khác về. Việc hăng hái bồi đắp, cải tạo đã khiến Singapore trở thành nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới. Chính quốc gia này đã mua cát của Việt Nam, Malaysia về lấp biển dựng thành các cầu cảng, khu du lịch.

Đường bờ biển của Dubai được kéo dài đến 520km, thu hút hàng chục tỷ USD mỗi năm từ khách du lịch. 

Trở lại Việt Nam, vùng biển có diện tích rộng, gấp khoảng hơn 3 lần diện tích đất liền. Do đó, Việt Nam có thừa khả năng phát triển các lĩnh vực: Dầu khí, cảng giao thương, đặc biệt Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Trong đó, có những bãi, biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới như: Hạ Long, Nha Trang và Đà Nẵng được Tạp chí thế giới bầu chọn là một trong những bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh… Ngoài ra, còn nhiều khu vực biển có tiềm năng lớn đã và đang được đầu tư như: Vân Đồn - Cát Bà; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Đại Lãnh - Nha Trang; Vũng Tàu - Côn Đảo; Phan Thiết - Mũi Né; Hà Tiên - Phú Quốc... Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều khu vực ven biển có rừng ngập mặn (rừng ngập mặn Cà Mau, rừng ngập mặn Cần Giờ…)

Thứ nữa là khí hậu nhiệt đới, đặc biệt phía Nam của nước ta có thời tiết quanh năm ấm nóng nên tiềm năng phát triển du lịch biển lớn. Việt Nam hiện nay có tốc độ phát triển du lịch nhanh kéo theo sự phát triển của đô thị ven biển. Đi dọc ven biển các địa phương sẽ thấy, nhiều công trình hiện đại gắn liền với cảng biển nước sâu, các khu resort, sân golf, nghỉ dưỡng phục vụ du lịch đã phần nào thay đổi bộ mặt các khu vực ven biển. Các khu vực trước kia là làng chài nghèo ven biển, đồi cát hoang vu nay được thay đổi. Những điều này đã phần nào mang lại đời sống mới cho bộ phận các cư dân ven biển.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn bởi lở đất, sụt lún, ngập mặn… làm cho diện tích đất liền ngày một nhỏ đi, trong khi dân số ngày một tăng lên. Điều này, dẫn đến tất yếu chúng ta phải làm đô thị biển trong tương lai.

PV: Trải qua một chặng đường dài phát triển đô thị, Việt Nam đã có những bài học và kinh nghiệm nào về đô thị lấn biển, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Hùng:  Chúng ta đã có những đô thị lấn biển đầu tiên và chính tôi là người ủng hộ những địa phương này lấn biển, sau đó theo dõi quá trình thực hiện và kết quả của công cuộc lấn biển. 

Điển hình phải nhắc đến 2 địa phương là: Quảng Ninh và Kiên Giang. Tại Quảng Ninh, Khu du lịch Tuần Châu chính là công cuộc lấn đảo, lấn biển. Trước năm 2015, ở Hạ Long chưa có bến tàu nên khách thăm vịnh phải đi từ tàu nhỏ, tay xách, nách mang hành lý ra tàu lớn. Trong khi tàu không chất lượng, khách hàng bị chặt chém, công tác quản lý khó khăn. 

Việt Nam cũng đã có những đô thị lấn biển đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Nhưng sau vài năm, một bến tàu dài hơn 10km được hình thành và đưa vào sử dụng, có thể cùng một lúc chứa được hơn 2.000 tàu đậu và tránh trú bão, mỗi ngày có hơn 1.000 tàu thuyền hoạt động. Từ ngày có bến cảng Tuần Châu, khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long đã trở nên thuận tiện dễ dàng. Sau nhiều năm tiếp tục mở rộng lấn biển, đến nay, diện tích của Tuần Châu gấp hơn 2 lần diện tích cũ.

Còn tại Kiên Giang, khu đô thị lấn biển Rạch Giá được xây dựng khang trang, làm thay đổi bộ mặt đô thị địa phương và của cả vùng.

Thực tiễn của Quảng Ninh và Kiên Giang là những bài học chân thực về câu chuyện phát triển đô thị lấn biển. Do đó, hiện nay địa phương nào có điều kiện lấn biển thì nên triển khai và nơi nào chưa làm được thì nên nghiên cứu để có chiến lược thực hiện trong tương lai. Cũng đã đến lúc, chúng ta nên nghĩ đến việc kết nối các đảo nhỏ còn ít người ở để san, lấn, phát triển thành các điểm dân cư, vừa có thêm quỹ đất vừa đảm bảo công tác an ninh quốc phòng tại các khu vực xa đất liền. Nhiều nước đã lấn biển làm sân bay, làm cảng, làm du lịch, bến tàu, tại sao chúng ta còn chần chừ không làm?

PHẢI CÔNG TÂM KHI NHÌN NHẬN, ĐÁNH GIÁ DOANH NGHIỆP

PV: Dù Việt Nam đã có những bài học về lấn biển ở một số địa phương như ông vừa phân tích, nhưng thực tế dường như trong dư luận ở nước ta luôn xuất hiện tâm lý, cứ dự án nào liên quan đến lấn biển là có những ý kiến phản đối một cách kịch liệt với lý do lo ngại về môi trường. Với câu chuyện của Cần Giờ, theo ông lấn biển có phải là một sự mạo hiểm?

do-thi-lan-bien

Ông Trần Ngọc Hùng: Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao phải lấn biển? Tôi lại muốn hỏi ngược lại: "Vì sao lại không thể lấn biển".

Cách đây 20 năm, Kiên Giang cũng đã lấn biển, xây dựng một đô thị rất đẹp. Tương tự, Cần Giờ cũng là vùng đất trũng, sình lầy với những cây lau, cây sậy nhỏ xíu thì lấn biển là đúng chứ? Tại sao cứ nói không được lấn biển?

Hơn nữa, phía Bắc TP.HCM có đô thị du lịch biển Vũng Tàu. Còn tại Cần Giờ có rừng ngập mặn mà Vũng Tàu và các tỉnh Nam Trung Bộ không có. Vậy hướng sự lựa chọn vào phân khúc du lịch sinh thái rừng ngập mặn sẽ tạo ra sự khác biệt với du lịch biển vùng Nam Trung Bộ. Tôi ủng hộ chuyện lấn biển, ủng hộ TP.HCM. Hãy lấn biển Cần Giờ đi. Hãy tiến ra biển để làm du lịch sinh thái, mở rộng để có những bãi tắm đẹp, phục vụ nhu cầu của du khách địa phương, các tỉnh thành lân cận, cả nước và cả khách quốc tế.

Những tranh cãi vừa qua là do lấn cấn ở vấn đề quy hoạch. Quy hoạch bất kỳ đô thị nào cũng phải phù hợp. Ví như vịnh Nha Trang, Hạ Long, Đồ Sơn có nên lấn không, đương nhiên không vì vốn dĩ nơi đó đã đẹp không cần lấn. Còn những vùng đất xấu có thể lấn thì tại sao lại cấm, lại phản đối nếu như thấy rõ có hiệu quả kinh tế? Rõ ràng, hiệu quả mà những đô thị lấn biển mang lại sẽ không thể đo đếm được hết, hơn nữa điều này cũng góp phần thiết thực vào chiến lược biển và phát triển kinh tế biển của nước ta.

Theo tôi, rất cần phải đối thoại bằng khoa học chứ không tranh luận lung tung... Thông thường nếu nói có tác động đến môi trường thì phải chứng minh, diễn giải con số cụ thể rồi tính toán rủi ro. Để đánh giá tác động môi trường thì cần các nhà khoa học vào cuộc đánh giá để đưa ra các số liệu chính xác.

Mặt khác, với các công trình lấn biển, chúng ta không phải lo ngại về an toàn vì đều có những biện pháp kỹ thuật hiện đại. Các nhà quy hoạch, môi trường, sinh thái học và tổ chức xã hội hãy cùng ngồi lại với nhau để giải bài toán, nên lấn thì cần tính toán liên quan đến quy hoạch, hạ tầng, giao thông như thế nào? Đặc biệt, vấn đề tầm nhìn của những nhà quy hoạch, nhà kinh tế, quản lý phải phù hợp với thực tiễn chứ không nên động chạm đến điều gì mang tính đột phá, đổi mới là sợ hãi rồi cấm và không ủng hộ.

PV: Xin ông hãy cho lời giải rõ hơn về bài toán quy hoạch không gian biển nói chung, đô thị lấn biển nói riêng?

Ông Trần Ngọc Hùng: Tôi cho rằng, cần xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển theo cách tiếp cận hệ sinh thái để đảm bảo khai thác hiệu quả, không làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường cũng như suy thoái các hệ sinh thái biển. Chú trọng quản lý các hệ sinh thái biển và vùng bờ biển quan trọng theo cách không cắt rời, chia nhỏ để đảm bảo duy trì cấu trúc, chức năng và năng suất sinh học của các hệ sinh thái.

Đối với quy hoạch đô lấn biển thì quan trọng là phải quan tâm đến kiến trúc đô thị, cảnh quan đô thị. Từng địa phương, với từng loại đô thị cần trình lên các cấp khác nhau để được phê duyệt. Quy hoạch đó phải phù hợp với từng vị trí khu vực. Chúng ta cũng đã có những cảnh quan thiên nhiên biển đảo cực đẹp nên xây dựng dự án đừng để ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đảo. Muốn lấn biển thì phải có quy hoạch hợp lý cây xanh, mặt nước, dân số, giao thông, nước thải… cho khu vực đó.

Nhưng tôi cũng cho rằng việc xây dựng này sẽ ảnh hưởng không nhiều. Nếu làm khu du lịch sinh thái tức là sẽ trồng thêm nhiều cây, xử lý được nguồn nước thải sạch trước khi thải ra biển thì đương nhiên không có tác động gì. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật trong thiết kế thi công, giám sát công trình trên biển cao cũng hoàn toàn không có gì đáng lo ngại.

lan-bien-can-gio

PV: Thực tế đã để lại nhiều bài học về việc những doanh nghiệp nhỏ không đủ sức gánh một dự án lớn, tất yếu dẫn đến dự án bị bỏ ngang. Do đó, để kích hoạt tiềm năng kinh tế biển, đặc biệt là với lĩnh vực "khó nhằn" như lấn biển, cần phải "chọn mặt gửi vàng" như thế nào?

Ông Trần Ngọc Hùng: Theo tôi sẽ có hai trường hợp: Thứ nhất, nếu doanh nghiệp đủ lớn, có năng lực, trình độ, tài chính thì ta hãy chọn và đặt niềm tin để họ làm. Trường hợp điển hình là Tuần Châu đã được thực hiện tương đối tốt.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp chưa đủ sức thì cần bắt tay cùng với nhiều doanh nghiệp khác để thực hiện, song việc bắt tay cần có những cam kết để tránh có trường hợp một “ông” rút lui khiến dự án bỏ ngang.

Sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp đương nhiên sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều vướng vào những tranh cãi liên quan đến hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Dư luận sợ rằng, doanh nghiệp đầu tư vào rừng, vào biển làm resort, sân golf là sẽ phải chặt cây, thải rác. Nhưng sao không quy hoạch rõ ràng, khu vực nào doanh nghiệp được phép làm, và nếu ảnh hưởng thì phải đền bù ra sao, quy đổi ra sao. Phải có sự công tâm khi nhìn nhận đánh giá doanh nghiệp.

Không phải doanh nghiệp nào lấn biển cũng ngay lập tức thu lợi hay kiếm lãi, họ mạnh dạn lấn biển là tầm nhìn chiến lược về tương lai để phát triển bền vững. Khi họ đi nước cờ này, họ cũng sẽ phải lường trước hết những rủi ro. Nếu không chính doanh nghiệp là đơn vị chịu thiệt hại đầu tiên và có thể sẽ phải đóng cửa. Vì thế, điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý Nhà nước phải lựa chọn và phê duyệt doanh nghiệp thực hiện dự án như thế nào để đủ tâm và tầm thực hiện trọng trách này. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top