Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ: Phát triển luôn phải đảm bảo sự hài hòa
Lời tòa soạn:
Trong tâm tưởng của không ít người, TP. Huế, mà cụ thể hơn là Thừa Thiên - Huế, từng được mặc định là một vùng đất “êm đềm”. “Êm đềm” làm nên một phần giá trị, hồn cốt của Huế, nhưng tính từ này, nhiều lúc làm cho Huế bị nhìn dưới góc độ kinh tế như một vùng đất chậm phát triển và thiếu năng động.
Giờ đây mọi thứ đã khác. Huế đã và đang thức dậy! Các giá trị đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ, quyết liệt và khôn ngoan… Không ít người sau nhiều năm trở lại Huế đã phải ngạc nhiên về một xứ sở rất khác xưa. Huế không chỉ bảo tồn được những giá trị di sản của cha ông mà còn hướng đến những cực phát triển mới, hiện đại và năng động.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có những trao đổi thêm với Reatimes xung quanh câu chuyện bảo tồn và phát triển của đô thị di sản Huế.
PV: Thưa ông, được biết Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu định hướng xây dựng, phát triển để trở thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đô thị Huế trở thành một đô thị hạt nhân. Nhưng không giống các tỉnh, thành khác trên cả nước, Huế là vùng đất di sản. Ông có thể cho biết, tầm nhìn đô thị di sản Huế thời gian tới sẽ như thế nào?
Ông Phan Ngọc Thọ: Trong quá trình phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế nói chung và TP. Huế nói riêng, việc làm sao hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Huế là vấn đề không chỉ chính quyền địa phương quan tâm mà cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp cũng rất rốt ráo. Chúng ta vui mừng là từ năm 2019, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 54, trong đó định hướng xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
TP. Huế tương lai sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản cố đô. Đặc biệt là sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới… Tất cả những vấn đề ấy là bài toán cho thấy việc phát triển đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo định hướng phát triển Thừa Thiên - Huế là đô thị di sản trong tương lai.
PV: Vậy để phát triển xứng tầm với định hướng đã được đặt ra tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, điểm nhấn và chiến lược phát triển của Huế sắp tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Ngọc Thọ: Trong quá trình phát triển đô thị nói chung, việc hình thành chỗ ở cho người dân, tạo cảnh quan cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là những vấn đề hết sức cấp bách. Tuy nhiên, làm sao để phát triển đô thị một cách hài hòa, đồng thời phát huy các giá trị sử dụng đất để đem lại điều kiện chung phát triển kinh tế - xã hội cho Thừa Thiên - Huế cũng là vấn đề cần phải đặt ra.
Và như tôi đã nói, cần phát triển sao cho đô thị Thừa Thiên - Huế đảm bảo hài hòa trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Đô thị Thừa Thiên - Huế không nhất thiết phải có mật độ xây dựng cao với những tòa nhà cao tầng, nhưng cần hài hòa, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, vừa đảm bảo được cảnh quan, phù hợp với không gian di sản, văn hóa, cảnh quan của Huế và thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, các đô thị Thừa Thiên - Huế nói chung cũng như hệ thống các thiết chế hạ tầng đô thị nói riêng cần phát triển đảm bảo sao cho có sự kết nối giữa các vùng di sản; làm sao để tạo không gian hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vốn sẵn có của Huế mà chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy, qua đó giá trị của bất động sản Huế cũng sẽ được nâng cao.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, không phải ai cũng mong muốn có nhà cao cửa rộng, hơn hết họ mong muốn có những không gian sống yên tĩnh với hạ tầng đồng bộ, đầy đủ mà tôi nghĩ Huế có thể làm điều đó trong thời gian sắp tới.
PV: Vậy, để đạt được mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế ngày càng phát triển hơn, cơ chế chính sách của tỉnh để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư về với Huế sẽ như thế nào?
Ông Phan Ngọc Thọ: Vấn đề thu hút đầu tư ngoài vốn Nhà nước luôn là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng của Thừa Thiên - Huế nhằm huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được đặt ra.
Một trong những mục tiêu đã được thiết lập nhiều năm qua là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi thông qua cải cách hành chính, cải cách các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, triển khai đồng bộ các nghiệp vụ của đô thị thông minh…
Tựu trung lại là làm sao để khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đến Huế nghiên cứu đầu tư, tỉnh sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất như giảm chi phí đầu tư, giảm thời gian về thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thủ tục giấy tờ...
Để làm được việc này, tinh thần xuyên suốt của chính quyền Thừa Thiên - Huế là sẵn sàng để phục vụ đầu tư, thông qua việc chuẩn bị các dự án để kêu gọi đầu tư. Chúng tôi đã thực hiện việc này nhiều năm, tuy nhiên do một số vướng mắc về quy hoạch, các vấn đề về thể chế nên thực sự nhiều khi còn tồn tại những bất cập.
Tuy nhiên trong những năm tới, với quyết tâm cao của một chính quyền phục vụ, tất cả các dự án đầu tư liên quan đến quy hoạch, giá đất, về các hệ thống liên quan đến đất đai đều phải sẵn sàng, đảm bảo các vấn đề hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư để giúp nhà đầu tư có thể tiếp cận với dự án một cách nhanh nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!