Aa

Bài 2: Kìm nén và bung nở…

Thứ Sáu, 12/03/2021 - 06:00

Huế được biết đến như một đô thị di sản độc đáo của Việt Nam. Bao năm qua, Huế chịu sự kìm nén ở khu vực đô thị trung tâm, để rồi nay sự phát triển bắt đầu “bung nở” ở vùng ven đô và các đô thị vệ tinh.

Lời tòa soạn:

Trong tâm tưởng của không ít người, TP. Huế, mà cụ thể hơn là Thừa Thiên - Huế, từng được mặc định là một vùng đất “êm đềm”. “Êm đềm” làm nên một phần giá trị, hồn cốt của Huế, nhưng tính từ này, lắm lúc làm cho Huế bị nhìn dưới góc độ kinh tế như một vùng đất chậm phát triển và thiếu năng động.

Giờ đây mọi thứ đã khác. Huế đã và đang thức dậy! Các giá trị đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ, quyết liệt và khôn ngoan… Không ít người sau nhiều năm trở lại Huế đã phải ngạc nhiên về một xứ sở rất khác xưa. Huế không chỉ bảo tồn được những giá trị di sản của cha ông mà còn hướng đến những cực phát triển mới, hiện đại và năng động.

Huế được biết đến như một đô thị di sản độc đáo của Việt Nam, là nơi kế thừa và gánh vác trọng trách gìn giữ, phát huy các giá trị di sản của dân tộc, của nhân loại. Vì trọng trách ấy, nên bao năm qua Huế đành chịu sự kìm nén ở khu vực đô thị trung tâm, để rồi nay, sự phát triển bắt đầu “bung nở” ở vùng ven đô và các đô thị vệ tinh của đô thị Huế.

Hệ sinh thái bất động sản chuyên nghiệp

Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Tập đoàn Ân Nam. Bằng kinh nghiệm và với việc gặt hái nhiều thành công khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Huế cách đây hơn 10 năm, ông Châu có những nhìn nhận khá thú vị về thị trường bất động sản ở vùng đất cố đô.

Hạ tầng được đầu tư tốt thường thu hút các dự án bất động sản ở Huế
Hạ tầng được đầu tư tốt thường thu hút các dự án bất động sản ở Huế. Ảnh: Đình Huân

Điều đầu tiên mà ông chủ Tập đoàn Ân Nam nhận định về bất động sản Huế đó là tính chuyên nghiệp của hệ sinh thái bất động sản đã thành hình. “Có thể thấy, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực bất động sản ở Huế đang ngày một rõ rệt. Các nhà đầu tư trên cả nước đến với Huế chứ không phải một vài nhóm nhỏ lẻ. Hiện nay một loạt các công ty, các nhà phân phối bất động sản lớn như Thắng Lợi, Đà Thành, Sen… đã bắt đầu đặt văn phòng tại Huế. Hoạt động bán hàng, quảng bá, giao dịch và thị trường cũng đi vào chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Minh Châu nói.

Cũng theo ông Châu, những tập đoàn lớn như FLC, Vingroup đã khảo sát, đầu tư ở Huế. Đây là những tín hiệu rất khả quan và là nền tảng tạo nên hệ sinh thái chuyên nghiệp lâu dài cho Huế, bởi qua đó sẽ “kích” lên các lĩnh vực khác như du lịch, nghỉ dưỡng…

“Một trong những lý do để Huế thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư lớn, là trong 15 năm qua, lĩnh vực bất động sản trải qua 2 cuộc khủng hoảng, nhưng Huế hầu như không chịu tác động lớn. Chỉ có thể là thị trường lên nhanh hay chậm chứ không có đi xuống. Cùng với đó, sức mua trong dân vẫn còn rất cao, mua mà phải vay ngân hàng thì ít. Nền tảng của địa phương là sẵn có, rất rõ. Do vậy, những sự án bất động sản quy mô 20 - 30ha đều bán được hàng”, ông Châu nói thêm.

Cũng theo chuyên gia này, lĩnh vực bất động sản ở Huế không chỉ hình thành sự chuyên nghiệp mà còn có tính ổn định, ít chịu tác động bởi “sóng gió”, mà nhất là đại dịch Covid-19 như hiện nay.

“Nhà đầu tư tại đây họ mua bằng tiền của mình nên không chịu quá nhiều ảnh hưởng kiểu bị rớt giá chỉ còn một nửa giá trị tài sản như thời điểm sau năm 2007, khi khủng hoảng bất động sản xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai và một số nơi khác. Giá bất động sản tại Huế chỉ chậm lại chứ không rớt giá".

Tuyến đường mở rộng nối TP. Huế về xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy
Tuyến đường mở rộng nối TP. Huế về xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy - một trong những vùng đất có thị trường bất động sản phát triển sôi động

“Hay như tác động của dịch bệnh Covid-19, bất động sản ở Huế chịu ảnh hưởng nhưng không lớn như Đà Nẵng. Vì Đà Nẵng phát triển mạnh về du lịch, khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã kéo theo hàng loạt các lĩnh vực khác đình trệ như nhà hàng, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng… Bất động sản, trong đó bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch, bất động sản cho thuê, bất động sản thương mại… cũng bị ảnh hưởng theo, hệ lụy là đương nhiên”, ông Châu nói và cho rằng trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Huế chịu tác động nhưng không lớn. Cụ thể là bất động sản Huế có giảm nhiệt (giá tăng chậm, giao dịch ít đi) nhưng không phải khủng hoảng, giá rớt, nợ xấu ngân hàng tăng... Ở Huế, việc dùng đòn bẩy tài chính ít, nên khi ảnh hưởng dịch bệnh không có tình trạng hoảng loạn, tháo chạy, cắt lỗ.

“Đầu cơ bất động sản ở Huế có chăng là không rơi vào việc dùng đòn bẩy tài chính, lướt sóng thông qua vốn vay ngân hàng. Mà đầu cơ ở Huế là dùng chính đồng tiền nhàn rỗi của mình có được để mua bất động sản, mua đất chờ thời cơ để bán kiếm lời. Vì thế, không chịu tác động lớn với dịch bệnh Covid-19. Tất nhiên, với các dự án căn hộ nghỉ dưỡng, liên kết phát triển với “độ mở” rộng, thì ảnh hưởng Covid-19 là tất yếu”, ông Nguyễn Minh Châu lý giải.

Cần có những đột phá về hạ tầng, quy hoạch

Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014: Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.

Theo định hướng tại nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: TX. Phong Điền, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây.

Khu vực giao lộ vòng xuyến đường Tố Hữu – Võ Nguyên Giáp
Khu vực giao lộ vòng xuyến đường Tố Hữu - Võ Nguyên Giáp đang được tỉnh kêu gọi đầu tư dự án bất động sản.

Trong khi đó, quỹ đất Thừa Thiên - Huế còn khá lớn, thuận lợi cho quy hoạch và phát triển. Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế Nguyễn Minh Châu thì bất động sản vùng ven của Huế sắp tới sẽ “lên” do tính cơ học.

Thứ nhất là do “vùng trung tâm mà nén quá thì sẽ bung ra vùng ven”.

Thứ hai, theo ông Châu, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mở ra một tương lai mới cho Thừa Thiên - Huế, cho sự phát triển “cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương”, trong đó sẽ mở rộng TP. Huế gấp 3 - 5 lần so với hiện nay. Kết hợp với với các dự án được quy hoạch một cách bài bản vùng ven sẽ có cơ hội phát triển vì hạ tầng được đầu tư, đường sá mở rộng.

“Nhiều điều kiện hội tụ để bất động sản vùng ven sẽ phát triển đó là quỹ đất tốt, Nghị quyết 54 mở ra nhiều cơ hội, thành phố mở rộng hơn nhiều và sức nén cơ học ở trong dân bung ra”, ông Nguyễn Minh Châu nhận định.

Chung cư cao cấp The Manor Crown
Chung cư cao cấp The Manor Crown, một dự án bất động sản góp phần thay đổi diện mạo ở Khu đô thị mới An Vân Dương

Trong khi đó, trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế nói rằng, Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu định hướng xây dựng, phát triển để thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đô thị Huế trở thành một đô thị hạt nhân.

“Theo đó diện tích và tốc độ đô thị hóa Huế sẽ rộng ra, Huế thành một đô thị cốt lõi, trung tâm và là đô thị loại 1. Khi đó Huế sẽ có nhiều lợi thế để phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa sẽ nhanh hơn và mạnh hơn”, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng tâm sự.

Theo ông Hùng, điều mà Huế cần tập trung phát triển hơn và cải thiện đó là hạ tầng. Hạ tầng nhìn chung với Thừa Thiên Huế hiện nay còn thiếu, yếu; rất nhiều vùng còn manh mún, hạ tầng giao thông không đáp ứng sự phát triển các loại phương tiện, nhất là ô tô... Trong nội thị TP. Huế hiện đã bị chật chội, tắc đường. Đi về vùng ven, đường sá vẫn còn nhỏ, chưa có hạ tầng chiến lược để thu hút đầu tư. Xây dựng hạ tầng đồng bộ, mạnh trên cơ sở những quy hoạch đã được phê duyệt mới thu hút đầu tư tốt. Các nhà đầu tư bất động sản cũng “nhìn” vào hạ tầng của Huế để quyết định đầu tư vốn để có thanh khoản tốt.

Gần đây, HĐND tỉnh đã thông qua quyết định đầu tư tuyến đường ven biển kéo dài từ Bắc đến Nam gần 100km. Nếu hoàn tất thì dự án này sẽ tạo đà cho sự phát triển các dự án ven biển, đầm phá, nhất là du lịch nghỉ dưỡng hài hòa với sinh thái, thiên nhiên Huế. Tuy vậy, theo ông Hùng, để dự án đạt hiệu quả tốt nhất cần có đơn vị tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp, kể cả tham mưu phản biện để tuyến đường này thuận lợi phát triển bất động sản và trong giao thông đi lại giữa các vùng đảm bảo tính liên hoàn, thuận lợi, hiệu quả.

“Theo tôi hiện nay ngân sách tỉnh thì có hạn nên dựa vào nguồn đầu tư công để đầu tư hạ tầng là điều khó, vì thế cần thu hút đầu tư hạ tầng từ các nhà đầu tư và có chính sách phù hợp với nhà đầu tư, như đổi đất lấy hạ tầng chẳng hạn. Chỉ có thế mới thu hút được đầu tư, cũng như các dự án bất động sản mới phát triển”, ông Hùng, chia sẻ thêm.

Đón đọc Bài 3: Thời cơ “vàng” và cuộc chơi khắt khe: 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang bước vào thời kỳ phát triển với thời cơ “vàng” khi được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn văn hóa. Trong bối cảnh này ,công tác quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư  sẽ càng nghiêm ngặt, khắt khe hơn bao giờ hết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top