Lời tòa soạn:
Trong tâm tưởng của không ít người, TP. Huế, mà cụ thể hơn là Thừa Thiên - Huế, từng được mặc định là một vùng đất “êm đềm”. “Êm đềm” làm nên một phần giá trị, hồn cốt của Huế, nhưng tính từ này, lắm lúc làm cho Huế bị nhìn dưới góc độ kinh tế như một vùng đất chậm phát triển và thiếu năng động.
Giờ đây mọi thứ đã khác. Huế đã và đang thức dậy! Các giá trị đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ, quyết liệt và khôn ngoan… Không ít người sau nhiều năm trở lại Huế đã phải ngạc nhiên về một xứ sở rất khác xưa. Huế không chỉ bảo tồn được những giá trị di sản của cha ông mà còn hướng đến những cực phát triển mới, hiện đại và năng động.
Trong bối cảnh này, công tác quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư càng nghiêm ngặt, khắt khe hơn bao giờ hết.
“Chọn mặt gửi vàng”
Với những ai quan tâm và quan sát Huế, có thể thấy xứ sở này đã có sự thay đổi đáng kể trong việc thu hút đầu tư. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, đã qua rồi thời kỳ thu hút đầu tư bằng mọi giá và phải trả giá với những nhà đầu tư “kém chất lượng”.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để có sự đầu tư chất lượng, nhà đầu tư tốt thì điều đầu tiên là phải công khai minh bạch khi lựa chọn các nhà đầu tư. Cần công khai minh bạch tất cả các dự án kêu gọi thu hút đầu tư trên phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có tiềm năng tiềm lực nghiên cứu, quyết định đầu tư, đồng thời, phải có những đơn vị quy hoạch có tính chuyên nghiệp. Nếu quy hoạch không cụ thể, không hợp lý, không hiệu quả thì không thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực thực sự.
Quá trình lựa chọn nhà đầu tư cũng phải minh bạch, bao gồm cả việc khi lập hồ sơ mời thầu đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, cụ thể, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, tránh tình trạng các nhà đầu tư có tiềm lực thực sự không được tham gia đấu thầu dự án. Còn nhà đầu tư khác thì vì mục tiêu xây dựng dự án để chuyển nhượng hoặc kéo dài đầu tư sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tránh những dự án kéo dài tiến độ chất lượng dự án khiến thị trường bất động sản Huế gặp những rủi ro cao, tốc độ đô thị hóa không đồng bộ, không tạo ra được những khu đô thị hiện đại thông minh như mong muốn.
Ông Hùng dẫn chứng những dự án chất lượng, nhà đầu tư tốt có tính thanh khoản cao được khách hàng, nhất là người dân Huế đón nhận là những dự án chung cư bình dân cũng như 1 số chung cư cao cấp như: Khu đô thị Phú Mỹ An, chung cư cao cấp The Manor (TP. Huế), Royal Park (xã Thủy Vân, TX. Hương Thủy), chung cư Vicoland, Xuân Phú… Nhưng bên cạnh đó vẫn có dự án triển khai chưa tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế và thị trường bất động sản của tỉnh như: Dự án Khu đô thị Đông Nam Thủy An, dự án bất động sản của ngành Điện lực ở khu đô thị Phú Mỹ Thượng (xã Phú Mỹ, H. Phú Vang, ven đô TP. Huế).
“Nhà đầu tư phải chuyên nghiệp, chất lượng dự án cao thì mới tạo thanh khoản tốt được. Hiện nay, đầu tư bất động sản Huế không còn kém chất lượng như xưa nữa. Tốc độ ngày càng cao, chất lượng ngày càng tốt. Quyền lựa chọn của khách hàng được phát huy, còn nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Để như vậy chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới làm được, còn những nhà đầu tư yếu, liên doanh liên kết, thiếu minh bạch thì rất khó. Đây cũng là cảnh báo của chúng tôi với các nhà đầu tư, bởi thời buổi đầu tư chất lượng kém đã qua đi, các nhà đầu tư khi rót vốn vào Huế phải chấp nhận cuộc chơi như thế”, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng thổ lộ
Thách thức “phân lô bán nền”
Theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đô thị Huế đang chuyển mình để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Theo đó, Huế đang xây dựng bộ tiêu chí về cơ chế đặc thù đô thị loại 1 thuộc Trung ương và mở rộng TP. Huế rộng gấp 3 lần, kế hoạch này phải hoàn thành trước 2022. Riêng đề án cả tỉnh lên thành phố thuộc Trung ương cũng phải xây dựng hoàn thành trước năm 2025.
Một số chuyên gia bất động sản, nhà quản lý tại Huế đều đưa ra khuyến cáo rằng, trong bối cảnh ấy, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng để làm sao dự án vừa đạt hiệu quả cao, vừa góp phần đưa đô thị Huế xứng tầm với đô thị trực thuộc Trung ương. Điều kiện quan trọng để Huế phát triển đó là đảm bảo được quỹ đất để thuận lợi cho quy hoạch, để xây dựng Huế “xanh, sạch và thông minh”.
Có một thực tế khác đã và đang tồn tại song song với công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, phát triển thị trường bất động sản tại Huế là việc phân lô bán nền vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương. Tình trạng này khó chấm dứt khi mà chính quyền các địa phương đều “vin” vào sự khó khăn của ngân sách, trong khi quỹ đất gần như là nguồn thu chính.
Theo ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, việc phân lô bán nền không chỉ xé lẻ, làm tiêu tốn quá mức quỹ đất, mất nhiều đất nông nghiệp, những không gian xanh mà còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
“Đô thị hóa dẫn đến mất dần đất ruộng, lúa là tất yếu, nhưng cần có sự hài hòa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa gìn giữ không gian xanh cho mai sau, bởi mất đất là mất vĩnh viễn”, ông Hùng, chia sẻ.
Trong cuộc hội thảo về bất động sản tổ chức tại Huế cách đây không lâu, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nhận định: Huế phát triển nhanh nhưng cần phải phát triển một cách bền vững, quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Phát triển phải nhanh nhưng cần “đúng luật”, cụ thể là cần có bộ phận tư vấn và xây dựng chính sách. Đặc biệt là tránh phân lô bán nền quá mức làm nhanh chóng cạn kiệt quỹ đất.
Cùng chung quan điểm “chống” phân lô bán nền, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo: Một trong những điều Thừa Thiên - Huế cần cần tránh là quy hoạch mang tính “tư duy nhiệm kỳ” và tránh những cái bẫy mà không ít tỉnh thành mắc phải, đó là “bán đất lấy tiền”, quy hoạch phát triển không gắn với sinh kế người dân. Nếu cứ tiếp tục phân lô bán nền để tạo ngân sách thì sẽ không còn quỹ đất để đầu tư hạ tầng, giao thông, không thu hút được những dự án lớn, đặc biệt, nguồn đất sạch sẽ ngày càng khan hiếm.
“Muốn như vậy thì các địa phương cùng với tỉnh cần xây dựng quy hoạch đô thị, kinh tế địa phương một cách thật chặt chẽ để tìm ra hướng phát triển hiệu quả. Nên có giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để có nguồn thu ngân sách, từ đó đầu tư thêm những thiết chế, thay vì chỉ quan tâm tính toán phân lô bán nền để bán.
Đồng thời, cần có những quy hoạch cụ thể rằng nơi đâu là khu công nghiệp, đâu là khu đô thị, không thể cứ thấy đất trống là chuyển từ đất nông nghiệp qua đất ở, rồi lại phân lô bán nền, thì không bao giờ có được sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng nhấn mạnh.
Đón đọc Bài cuối: Thừa Thiên - Huế sẽ “giàu có và sang trọng”
Giàu về kinh tế, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa lịch sử từ lâu đời là nhận định và kiến giải của những chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc, nhà nghiên cứu văn hóa về sự phát triển của Thừa Thiên - Huế.