Aa

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho Mường Thanh bao nhiêu tiền?

Thứ Tư, 28/09/2016 - 11:34

Khi luật pháp ngày càng nghiêm minh và công bằng thì câu chuyện “con kiến mà kiện củ khoai” ngày càng đi vào di tích văn hóa.

Bởi lẽ mấy ngày vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Có người nghĩ, rằng đây cũng là lẽ đương nhiên, như các cụ xưa nói “con dại cái mang”, hành vi công vụ gây thiệt hại cho người khác thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường.

Thế nhưng cho đến mấy năm gần đây, hình ảnh giữa “con kiến” và “củ khoai” trong một vụ kiện tụng không còn quá chênh lệch thân phận như ngày xưa nữa.

Với công cuộc cải cách tư pháp ngày càng sâu rộng này, rồi dõi theo thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy, những vụ oan sai gây thiệt hại cho người dân ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại lại không hề nhỏ.

Liệu Nhà nước mình có chịu đựng nổi không nhỉ?

Chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra đang “hot” trên thị trường BĐS hiện nay là có cắt ngọn tòa nhà Mường Thanh Khánh Hòa về 40 tầng hay không, và nếu cắt, thiệt hại xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

Dự án khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa

Dự án khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa

Nhiều người hẳn đã biết, để tòa nhà xây lên đến tầng 42 như hiện nay là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong khi quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ có 40 tầng. Điều đó cũng có nghĩa, đây là hậu quả của sai sót công vụ.

Chỉ tính giả định trên diện tích gần 6.900m2 của dự án, mật độ xây dựng 30% thì mỗi tầng của dự án này ít nhất cũng khoảng 2.000m2 diện tích thương mại. Lấy mức giá thấp nhất trên thị trường là 15 triệu đồng/m2 thì mức thiệt hại khi bị cắt ngọn mỗi tầng đã khoảng 30 tỷ đồng.

Đấy là chưa kể đến những chi phí liên quan khác và những thiệt hại phi vật chất kèm theo. Vì cái khoản này, người bị hại thường tính kỹ lắm!

Chẳng hạn như cách tính toán bồi thường của cụ Trần Văn Thêm, người mang thân phận tử tù 44 năm, vừa được minh oan. Theo các luật sư, mức tính dựa vào việc cụ Thêm là người buôn bán nhỏ trước khi bị bắt vào tù, với thu nhập tính theo mức lương tối thiểu vùng ở thời điểm hiện tại khoảng 140.000 đồng/ngày. Cụ Thêm bị giam giữ và thụ án ở trại Phủ Đức tính từ ngày 23/7/1970 đến ngày được ra khỏi trại (30/2/1976) là 5 năm 7 tháng, tương đương 2.010 ngày. Thời gian cụ Thêm được tha tù, được tại ngoại song vẫn mang thân phận tử tù tính từ tháng 2/1976 đến ngày 10/8/2016 là 14.530 ngày.

Từ những tính toán trên, các luật sư cho rằng, số tiền bồi thường cho 2.010 ngày bị bắt giam, đi tù của cụ Thêm là hơn 280 triệu đồng. Tổn hại về tinh thần của cụ Thêm trong thời gian ở tù, dự tính gần 850 triệu đồng.

Sau khi được tha tù, cụ Thêm sức khỏe yếu, con cái và gia đình phải nuôi dưỡng, các khoản gồm bồi thường thiệt hại cho 14.530 ngày là gần 2,1 tỷ đồng; bồi thường thiệt hại cho người phục vụ tương ứng với số ngày trên là hơn 2 tỷ đồng... Rồi nhiều khoản khác nữa, tổng số tiền mà các luật sư tính đề nghị Nhà nước bồi thường cho cụ Thêm là hơn 12 tỷ đồng.

Với tinh thần thảo luận trong phiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nhấn mạnh nguyên tắc là sau khi Nhà nước bồi thường cho người bị hại thì tất cả các trường hợp công chức  gây ra thiệt hại phải bồi hoàn lại cho Nhà nước.

Nay với vụ Mường Thanh Khánh Hòa, chỉ tính sơ sơ theo giả định tối thiểu, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa sẽ phải bỏ ra 60 tỷ đồng cho một sai sót công vụ để bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư. Mà đấy là cắt ngọn ngay lúc này còn đỡ, chứ để nó cứ theo giấy phép xây dựng, “leo” lên đến tầng thứ 47-48 thì chưa biết hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào.

Thế nhưng, cũng có thể phản biện rằng, với những dự án lớn như vậy, Chủ tịch tỉnh không “dại” gì mà tự ra quyết định, bao giờ cũng có ý kiến của cấp ủy để có nghị quyết tập thể. Cho nên, con số 60 tỷ đồng kia cũng không thể do một người gánh vác.

Phần nữa, Chủ tịch tỉnh là người được HĐND bầu ra bằng những lá phiếu công khai. Như vậy, mỗi đại biểu HĐND cũng không thể không cùng trách nhiệm.

Tiếp nữa, mỗi đại biểu HĐND lại do chính người dân bầu qua các cuộc bầu cử HĐND các cấp. Vì thế, mỗi người dân ở Khánh Hòa chắc là cũng có nỗi khổ tâm của mình.

Và cứ chia sẻ trách nhiệm như vậy, bạn đọc có thể tính ra được con số cụ thể là nếu tòa nhà Mường Thanh Khánh Hòa bị cắt ngọn theo đúng quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ phải bồi thường bao nhiêu tiền không?

Chắc là khó lắm đấy!

Nhưng bạn đọc đừng buồn, vì đấy chính là một trong những câu hỏi hóc búa trong quy trình truy cứu trách nhiệm cá nhân mà không ít nhà tham gia soạn thảo luật của chúng ta hiện nay đang đau đầu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top