Sáng 27/6, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” đã được tổ chức với sự tham dự 1.850 đại biểu. Đặc biệt, Hội nghị chào đón hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn Thành phố. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự, chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.
Hà Nội là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Mở đầu Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Vương Đình Huệ cho hay, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền thành phố Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hội nghị là minh chứng cho quyết tâm của Hà Nội không chỉ tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19, mà còn tiên phong, gương mẫu và quyết tâm chiến thắng trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế.
Đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 ở mức 285.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.
“Tại Hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.
Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển. Bàn về yếu tố “thiên thời”, theo Thủ tướng Chính phủ, chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, với những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, cùng với những lợi thế riêng có của mình, Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến đầu tư, hấp dẫn và an toàn. Thành phố sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hiệp hội, các tỉnh thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phát triển bền vững. Thành công của các doanh nghiệp chính là thành công của thành phố.
“Tại Hội nghị hôm nay, tôi xin trân trọng công bố với các nhà đầu tư danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục,dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.
Theo đó, dự kiến lãnh đạo Thành phố sẽ ký 38 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 28.6 tỷ USD, trong đó có 26 MOU của các doanh nghiệp trong nước (17,855 tỷ USD) và 12 MOU của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (8,32 tỷ USD).
Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên;giáo dục,dạy nghề, bệnh viện;môi trường,xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại dịch cũng mang lại những cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của Hà Nội, trong đó có sự dịch chuyển cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia. Thách thức đối với Hà Nội hiện nay là làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực, tiếp tục tiến lên.
“Ở Hà Nội, Omar đã tìm được môi trường phù hợp để phát triển tài năng của mình. Các công ty đa quốc gia cũng vậy, đất nước Việt Nam không chỉ có lợi thế về ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn lao động giá rẻ, mà đang có công cụ quảng bá khá tốt hiện nay sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Ngày hôm nay là thời điểm tuyệt vời, lý tưởng cho Việt Nam và Hà Nội thu hút đầu tư, phát triển”, ông Ousmane Dione khẳng định.
Cần cơ chế hỗ trợ, tạo mối liên kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” - ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam dẫn câu tục ngữ này để nói lên sự cần thiết đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn hiện nay. Ông đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, minh bạch thông tin về tình hình dịch và đã sớm khống chế được dịch. Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất như cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, gia hạn nộp thuế... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn Việt Nam có sự hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vào Hà Nội, là cực kỳ quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tạo ra được mối liên kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Thành phố có thể hỗ trợ thông qua việc xác định doanh nghiệp nội địa có khả năng thành đối tác hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI.
“Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp FDI "định cư" tại Hà Nội để đóng góp tối đa cho thành phố. Để làm được điều đó, ngoài xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, nên tiếp tục nâng cao chất lượng sống tại Hà Nội, đưa thành phố ngày càng trở thành nơi đáng sống và tươi đẹp hơn”, ông Ousmane Dione nêu thêm.
Đánh giá cao sự tiên phong của Hà Nội trong việc tổ chức xúc tiến đầu tư, hướng tới sự hợp tác và phát triển bền vững, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, chúng ta đã có các ghi nhớ, các quyết định chủ trương đầu tư, ghi nhận các đề xuất hay các dự án đầu tư công, tính sơ bộ khoảng trên 40 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất lớn, đặc biệt chất lượng của các dự án này không chỉ liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn có môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, cũng phải hiểu rằng, trong việc đề ra các chủ trương đầu tư chúng ta cố gắng 1 lần thì việc thực hiện phải nỗ lực gấp 10 lần, thậm chí cả trăm lần. Thách thức lớn nhất là phải hiện thực hóa được danh mục đầu tư đã báo cáo.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay, tính tiên phong của lãnh đạo thành phố luôn ở top dẫn đầu nhưng sự thân thiện của cán bộ cấp cơ sở, cấp dưới chưa cao. Nên sức ép của việc cải cách hành chính, tạo tinh thần phục vụ doanh nghiệp từ các đồng chí lãnh đạo TP xuống dưới cũng là việc rất quan trọng.
"Với việc này, tôi đề nghị Hà Nội nghiên cứu xem có thể triển khai việc thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận huyện ở các sở ban ngành, để truyền lửa cũng như tạo áp lực cải cách từ thành phố xuống từng cán bộ tổ chức để hỗ tợ người dân và doanh nghiệp tốt nhất", ông Lộc nói.
Một số hình ảnh khác tại Hội nghị: