Aa

Chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố phía Đông phải đạt chuẩn đô thị loại I

Thứ Sáu, 21/08/2020 - 09:00

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Xây dựng lập đề án đánh giá đô thị để được công nhận TP phía Đông là đô thị loại I.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có kết luận chỉ đạo về tình hình triển khai công tác xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM và định hướng xây dựng TP phía Đông trực thuộc TP.HCM.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Xây dựng khẩn trương nghiên cứu tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị TP phía Đông song hành với Chương trình phát triển đô thị TP đến năm 2025.

“Việc thực hiện các nội dung này phải đồng bộ với việc lập đề án đánh giá đô thị để được công nhận TP phía Đông là đô thị loại 1. Kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn xã hội hóa”, ông Phong chỉ đạo.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng Quy định tạm thời về quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng cho Khu đô thị phía Đông TP. Sau đó lấy ý kiến UBND các quận 2, quận 9 và Thủ Đức để tập hợp, hoàn chỉnh quy định tạm thời, trình Ban chỉ đạo xem xét thông qua trong tháng 10/2020.

Được biết, TP phía Đông sẽ được xây dựng trên nền tảng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.

Ông Phong nhấn mạnh, đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM”, ngoài việc triển khai, cụ thể hóa ý tưởng phương án quy hoạch đạt giải từ cuộc thi tuyển quốc tế, thì cần phải nghiên cứu tổng thể Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP trên tất cả các lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng dịch vụ, nguồn lực và phương án tài chính thực hiện…

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành và phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo đề án.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: "Thành phố phía Đông phải đạt chuẩn đô thị loại I"

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng cho phép lập đề án xây dựng TP phía Đông trên cơ sở sáp nhập ba quận, gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Tiếp đó, trong một buổi làm việc với Trung ương ở Hà Nội, UBND TP tiếp tục đề xuất ý tưởng nói trên và thay đổi tên gọi tạm thời là TP Thủ Đức.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về cuộc họp liên quan Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.

Văn bản cho hay, Phó thủ tướng thường trực đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Việc thành lập TP Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

“Trong quá trình xây dựng đề án, TP.HCM cần lưu ý về quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng TP Thủ Đức”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, việc này nhằm mục tiêu tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của TP.HCM.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nếu thành phố này được thành lập thì đây sẽ thực sự là thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ. Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số TP nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước. Như vậy, quy mô kinh tế của thành phố Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top