Nơi thừa, nơi thiếu
Trong căn nhà sập xệ trên rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, bà My (39 tuổi) cho biết, gia đình bà cư ngụ tại đây đã 20 năm. Căn nhà mái tole, xung quanh là nhiều tấm ván chắp vá. Nắng cũng như mưa, cả gia đình phải sống chung với mùi hôi từ rác và nước thải dưới rạch bốc lên.
“Nhiều năm qua tôi cứ nghe nói chính quyền sẽ có chính sách giải toả cho các hộ dân sống ven rạch khu vực này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Gia đình mong sớm được di dời để cuộc sống tốt hơn, chứ nhà này chỉ sống tạm thôi chứ không ở lâu dài được”, bà My chia sẻ.
Nằm trong hẻm 311 Lương Định Của, phường An Phú, quận 2, khu tạm cư An Phú là nơi sinh sống của hơn 30 hộ dân bị thu hồi đất thuộc các dự án trên địa bàn quận 2 và Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.
Được xây dựng từ năm 2002, hiện khu tạm cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn nhưng các hộ dân vẫn chưa muốn di dời đi nơi khác. Ngoài kinh tế khó khăn, chính sách bồi thường chưa thoả đáng là nguyên nhân khiến cho các hộ dân vẫn quyết bám trụ nơi đây.
Nhằm phục vụ tạm cư, tái định cư dự án KĐTM Thủ Thiêm, dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích có sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn năm 2019, UBND TP.HCM đã giao các quận, huyện quản lý, sử dụng 2.360 căn hộ và 1.050 nền đất.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, các địa phương mới sử dụng 230 căn hộ và 117 nền đất (đạt 11,11%), vẫn còn hơn 3.000 nhà đất vẫn chưa sử dụng.
So với năm 2019, số lượng nhà đất hiện do quận, huyện quản lý có sự thay đổi do thu hồi tạm cư hoặc rà soát nguồn nhà chưa kỹ. Các địa phương tăng số nhà đất quản lý như quận 1, 8, 9, 10, Bình Thạnh, Bình Tân… Hai địa phương giảm số nhà đất quản lý là quận 2 và quận 9.
Trong năm 2020, có 6 quận, huyện đăng ký sử dụng nhà đất phục vụ tạm cư, tái định cư ít hơn nguồn nhà đất đang quản lý, như quận 1, 9, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Bình Chánh, Cần Giờ. Các địa phương còn lại đăng ký nhiều hơn nguồn nhà ở đang quản lý.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, các quận, huyện đăng ký số lượng nhà đất quản lý để phục vụ tạm cư, tái định cư phù hợp với tiến độ bồi thường, tái định cư của các dự án chỉnh trang đô thị đang triển khai. Tuy nhiên, nguồn nhà đất vẫn chưa đảm bảo cho việc thực hiện công tác bồi thường các dự án cấp bách như Metro số 2, di dời các hộ trên và ven kênh, rạch, chung cư hư hỏng…
Riêng huyện Củ Chi, mặc dù địa phương này đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các hộ dân thuộc dự án Công viên Thảo Cầm Viên mới nhưng lại không đăng ký sử dụng quỹ nhà đất.
Hơn 11.500 nhà đất tái định cư chưa sử dụng
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện còn tổng cộng 11.578 nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước để phục vụ nhu cầu tái định cư. Trong đó có 9.446 căn hộ và 2.132 nền đất.
Để giải quyết nhu cầu tạm cư, tái định cư cho những hộ dân thuộc dự án KĐTM Thủ Thiêm, dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trong năm nay, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện sử dụng 3.899 căn hộ và nền đất.
Số nhà đất chưa sử dụng còn lại UBND Thành phố tiếp tục quản lý. Trong đó, đề xuất thực hiện bán đấu giá 5.050 căn hộ và 42 nền đất đã có chủ trương bán đấu giá; đấu giá 108 căn hộ do quận huyện quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng.
Theo ông Lê Hoà Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, quan điểm của sở là hạn chế đầu tư xây dựng mới nhà ở tái định cư, chỉ sử dụng nguồn nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước hiện có để sử dụng hiệu quả, hạn chế việc xuống cấp, lãng phí.
Ưu tiên giao nguồn nhà đất cho các quận, huyện đã đăng ký thực hiện phù hợp tiến độ bồi thường tại các dự án chỉnh trang đô thị, công ích để bố trí tái định cư. Địa phương nào thừa nhà đất thì ưu tiên chuyển cho nơi khác phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm như Metro số 2; di dời khẩn cấp khỏi khu vực sạt lở bờ sông, kênh rạch; chỉnh trang đô thị, công ích…
Đối với quận, huyện sử dụng nhà đất chưa rõ ràng, đã bố trí nhưng báo cáo còn trống, Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM không giao quỹ nhà đất trong năm nay. Những địa phương có quỹ nhà đất nằm rải rác ở các dự án đã đầu tư xây dựng trên 5 năm và được giao quản lý rất lâu nhưng không sử dụng thì nên bán đấu giá để thu hồi vốn.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, Thường trực UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương giao UBND các quận, huyện tiếp tục quản lý, sử dụng quỹ nhà đất phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn năm 2020. Giao Sở Xây dựng rà soát nhu cầu sử dụng nhà đất tái định cư của các địa phương, trình UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 8/2020.