Aa

Chủ tịch VCCI: “Doanh nghiệp không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế”

Thứ Ba, 24/11/2020 - 16:14

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự "không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế”.

 Tại Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/11, các chuyên gia đã tập trung phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021 đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã mở đầu bằng những chia sẻ: “Chúng ta đã trải qua 3/4 của năm 2020 đầy giông bão do đại dịch Covid-19 gây ra. Nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng rất nặng nề, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới đã ngày càng trở nên bi quan hơn.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Tuy vậy, theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.

Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay”.

Dẫn chứng những con số về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Năm nay, chúng ta duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với mục tiêu kinh tế chúng ta đạt cả 3 yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối”.

Theo ông Lộc, trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn nhiều điểm sáng. Cụ thể, ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững, đó là: đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. 

“Đây là ba chân kiềng trong "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam, là động lực tăng trưởng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời, các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội đã bước đầu phát huy tác dụng”, Chủ tịch VCCI khẳng định. 

Nhận định rằng những biện pháp đã được triển khai kịp thời và bao phủ, theo TS. Vũ Tiến Lộc, quan trọng hơn hết vẫn là khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI cho biết, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn. 

“Qua đại dịch cũng như mỗi khi đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta đều nhận thấy chính niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới thành công của chúng ta”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhận định đất nước chưa khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Cùng với triển khai gói hỗ trợ lần một, gói hỗ trợ thứ hai cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch”.

Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự, không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế. Chính bởi vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng thì nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục là động lực lớn cho sự phát triển.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Tôi tin rằng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển. Đây chính là gói giải pháp quan trọng nhất".

Cũng tại Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế, ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã nhận định, đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề cho những ngành nghề kinh doanh như du lịch, nhà hàng, khách sạn.... Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, kinh doanh trên nền tảng số đã trở thành cơ hội mới cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Sự phát triển từ hạ tầng và năng lượng như các dự án giao thông lớn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam là động lực cho phát triển kinh tế. Ông Thành đưa ra dự báo rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ dần phục hồi trong tương lai nhờ bước đệm lớn từ nền kinh tế. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top