Aa

VCCI muốn ngân hàng giảm dự phòng rủi ro để dồn tiền hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Bảy, 09/05/2020 - 06:30

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ trước thềm cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, VCCI đã đưa ra rất nhiều kiến nghị về chính sách sách tiền tệ, bao gồm cả việc nới lỏng điều kiện vay vốn.

Doanh nghiệp không muốn phải chứng minh thiệt hại khi đề nghị ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi

Đẩy nhanh thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi vay về 4 - 5%/năm

Đánh giá cao Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid 19, song VCCI cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi theo quy định.

Lý do là ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên việc thực hiện hỗ trợ chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí, phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, điều kiện vay vốn hiện nay thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn trước, thủ tục thẩm định phức tạp. Yêu cầu thẩm định, chứng minh thiệt hại còn rườm rà, phức tạp, đối tượng áp dụng chưa công khai, minh bạch, các áp dụng cơ chế ưu đãi còn khác nhau giữa các ngân hàng…

Do đó, VCCI đề nghị, NHNN cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng thiệt hại với doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc xin - cho.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại (NHTM) cần giải quyết ưu đãi một cách chủ động, không nên chờ doanh nghiệp phải đề nghị (ví dụ có thể giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giãn nợ một cách tự động).

Trả lời báo chí, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng đòi hỏi thiện chí của cả người dân và doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung. Phía doanh nghiệp cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ chứ không nên coi đây là điều kiện, thủ tục. Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là tiền túi của ngân hàng, chứ không phải là tiền ngân sách.

“Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn”, ông Lực nói.

Ngoài vấn đề thủ tục cơ cấu nợ, VCCI cũng đề nghị NHNN có các biện pháp mạnh hơn để khuyến khích NHTM thực hiện giảm sâu thêm 2 - 3% lãi suất cho vay mới và vay hiện hữu xuống còn 4 - 5% với tiền đồng và 2 - 3% với vay USD cho từng nhóm khách àng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tín dụng… để tạo điều kiện cho các NHTM có nguồn vốn giá rẻ hơn để cho doanh nghiệp vay, mở rộng các biện pháp đảm bảo cho vay phù hợp với điều kiện thực tế từng loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Áp dụng cơ cấu nợ, giãn nợ cho cả các khoản vay bằng USD.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn cả lãi suất huy động như trên là rất khó, bởi trong điều kiện huy động vốn suy giảm, ngân hàng khó giảm thêm lãi suất huy động.

“Nới” điều kiện vay, giảm trích lập dự phòng

Trong bản kiến nghị về chính sách tiền tệ, VCCI cũng đề nghị các ngân hàng thương mại áp dụng cả chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi, phí đối với các doanh nghiệp đang bị nợ quá hạn nhóm 2 (hiện chỉ nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) mới được cơ cấu lại nợ).

VCCI cũng đề nghị các NHTM xem xét điều chỉnh giảm các tỷ lệ trích lập dự phòng ở mức hợp lý hơn. Cụ thể là “giải phóng” một phần trích lập dự phòng chuyển thành vốn lưu chuyển cho hoạt động kinh doanh, hỗ trợ khách hàng, giúp tăng khối lượng khách hàng được hỗ trợ, giúp doanh nghiệp được nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Ngoài ra, doanh nghiệp một số ngành hàng khác cũng đề nghị được giảm lãi vay. Ví dụ, các doanh nghiệp cung cấp ngành hàng lương thực, thực phẩm đề nghị được ngân hàng cho giảm tỷ lệ tài sản thế chấp để được vay nhiều hơn, cho vay ưu đãi 0% với các doanh nghiệp bán lẻ cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu do các doanh nghiệp này phải tăng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịch bệnh.

Doanh nghiệp bất động sản đề nghị ngân hàng xem xét các doanh nghiệp cơ cấu nợ, giảm 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ khi đáo hạn…

Liên quan đến những đề nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nợ xấu tăng lên, ngân hàng phải tăng cường trích lập rủi ro vừa là bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng, vừa bảo đảm an ninh tiền tệ của cả nền kinh tế là hợp lý. Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay. Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực đưa ra dự báo nợ xấu cuối năm 2020 khoảng 4%.

Về điều kiện vay, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, VietinBank bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất.

“Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2 - 2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 - 1,5%/năm”, ông Thọ nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top